Nhìn từ vụ Tân Hoàng Minh, không hiếm chuyện hét giá trên trời rồi bỏ cọc

Thời gian qua, tại nhiều cuộc đấu giá đất, kết quả trúng đấu giá cao gấp 2 - 3 lần, thậm chí gấp 8 lần so với giá khởi điểm. Tuy nhiên sau khi đấu giá, không ít nhà đầu tư đã bỏ cọc.

Từng tuyên bố không có chuyện bỏ gần 600 tỷ để tự mang tiếng xấu cho mình

Sau cơn "địa chấn" trúng đấu giá lô đất vàng 2,45 tỷ đồng/m2 tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm trong cuộc đấu giá vào tháng 12/2021, đến ngày 11/1, thông tin Tân Hoàng Minh bất ngờ đề xuất đơn phương chấm dứt hợp đồng mua bán khiến dư luận một lần nữa dậy sóng.

Nhìn từ vụ Tân Hoàng Minh, không hiếm chuyện hét giá trên trời rồi bỏ cọc - Ảnh 1.

4 lô đất tại khu chức năng số 3 Khu đô thị mới Thủ Thiêm được bán đấu giá trong ngày 10/12, riêng lô 3-12 có giá 24.500 tỷ đồng. (Ảnh: Zing).

Doanh nghiệp cho biết, ngày 10/12/2021, Công ty thành viên là Ngôi Sao Việt đã trúng đấu giá ô đất 10.060 m2 tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm với giá 24.500 tỷ đồng (2,45 tỷ đồng/m2), cách đơn vị trả giá cao thứ hai là một công ty nước ngoài đặt giá 23.800 tỷ đồng là 700 tỷ đồng.

Với mong muốn góp sức để TP HCM có thêm động lực khắc phục khó khăn sau đại dịch, Công ty Ngôi Sao Việt đã quyết tâm trả giá cao hơn 3% (700 tỷ đồng) để giành quyền trúng đấu giá ô đất này, nhằm tăng thêm nguồn thu cho ngân sách TP HCM và xây dựng một công trình điểm nhấn đẹp.

Sau khi trúng đấu giá, ban lãnh đạo Tân Hoàng Minh đã điều chỉnh kế hoạch đầu tư, kinh doanh và tài chính của tập đoàn, cân đối đầy đủ tài chính kế toán để đảm bảo đóng tiền theo đúng tiến độ quy định.

Tuy nhiên, Tân Hoàng Minh thừa nhận kết quả đấu giá hơn 2,45 tỷ đồng một m2 đất có thể dẫn đến những hệ luỵ không tốt cho thị trường.

Trước đó, vào cuối tháng 12/2021, Chủ tịch Đỗ Anh Dũng từng đã khẳng định mua đất Thủ Thiêm với giá hơn 2,4 tỷ đồng/m2 là mua đúng giá, đồng thời khẳng định Tân Hoàng Minh không có khu đất nào ở Thủ Thiêm và cũng không "ôm đất" chờ bán kiếm lời. 

Ông cũng tiết lộ kế hoạch xây một tòa nhà có tên là D' Billionaire - tòa nhà Tỷ phú dành cho giới nhà giàu và siêu giàu với mức giá hàng triệu USD/căn hộ tại khu đất này.

Vị chủ tịch này thẳng thắn tuyên bố: "Về nghi ngờ Tân Hoàng Minh "âm mưu" gì đó rồi cuối cùng sẽ bỏ cọc, thì tôi xin khẳng định là không có chuyện bỏ tới gần 600 tỷ đồng tiền cọc để tự mang tiếng xấu cho mình.

Hơn nữa, quy định của luật pháp về đấu giá là rất rõ ràng, không phải muốn bỏ cọc là bỏ. Tân Hoàng Minh là một doanh nghiệp lớn, không bao giờ "mua danh ba vạn, bán danh ba đồng" một cách thô thiển như vậy!"

Nói thêm rằng, đây không phải là lần đầu tiên Tân Hoàng Minh trúng đấu giá các lô đất vàng rồi xin rút lui khỏi dự án. Trước khi trúng đấu giá lô đất 3-12 tại Thủ Thiêm, vào năm 2016, tập đoàn này từng gây xôn xao dư luận khi trúng đấu giá lô đất 23 Lê Duẩn, quận 1, TP HCM với giá 1.430 tỷ đồng, cao gấp 2,6 lần so với giá khởi điểm.

Tại khu đất này, Tân Hoàng Minh lên kết hoạch phát triển 23 Lê Duẩn thành một dự án phức hợp văn phòng, trung tâm thương mại dịch vụ cao cấp. Tuy nhiên, vào năm 2018, Techcombank đã mua lại khu đất để xây dựng trụ sở làm việc.

Tại Hà Nội, Tân Hoàng Minh cũng từng sở hữu khu đất vàng 22-24 Hàng Bài và 25-27 Hai Bà Trưng vào năm 2006. Tuy nhiên, sau nhiều năm vướng giải phóng mặt bằng, doanh nghiệp đã rút khỏi dự án.

Đấu giá trên trời rồi "bỏ cọc chạy lấy người"

Trên thực tế, câu chuyện nhà đầu tư bỏ cọc tháo chạy sau khi đấu giá thời gian qua không phải là hiếm. Tại nhiều tỉnh thành như Bắc Giang, Thanh Hóa, Phú Thọ,… ghi nhận hàng loạt cá nhân, doanh nghiệp trúng đấu giá chấp nhận chịu mất tiền cọc, không nộp tiền trúng đấu giá khiến các lô đất có kết quả đấu giá bị hủy.

Theo Báo Thanh Hóa, tại xã Quảng Nhân, huyện Quảng Xương, vào cuối năm 2020, UBND xã tổ chức đấu giá 53 lô đất, mỗi lô có diện tích 120 - 150 m2, giá khởi điểm 1,5 - 2 triệu đồng/m2. Trong phiên đấu giá người dân ở khắp nơi về tham gia. Qua buổi đấu giá, giá đất được đẩy lên 4,1 đến 4,25 triệu đồng/m2.

Tuy nhiên, khi hết hạn nộp tiền trúng đấu giá, đã có 31 lô bị người trúng đấu giá bỏ cọc. UBND xã phải trình cấp có thẩm quyền hủy bỏ kết quả để đấu giá đất lại. Số tiền bỏ cọc khoảng 1,5 tỷ đồng.

Tại huyện Hoằng Hóa, trong năm 2021, trên địa bàn huyện tổ chức hơn 30 cuộc đấu giá, với tổng diện tích 11,4 ha (722 lô đất) nhưng có đến hơn 100 lô đất bị bỏ cọc, tập trung nhiều ở các xã Hoằng Đức, Hoằng Cát, Hoằng Đồng, Hoằng Thành...

Nhiều ý kiến cho rằng những phiên đấu giá đất sôi nổi tại các địa phương có thể chỉ là tình trạng sốt ảo. Theo các môi giới, một bộ phận người tham gia đấu giá không thực sự có ý định mua đất mà chỉ nhằm mục đích thổi giá, trục lợi. Một số tham gia để "lướt cọc", bán sang tay. Nếu không sang tay được sẽ bỏ cọc.

"Họ chỉ đặt cọc, lướt cọc mà thôi. Lô đất 4 - 5 tỷ đồng thì cọc 100 triệu đồng, lô từ 1 - 2 tỷ đồng thì cọc 20 - 50 triệu đồng rồi thổi giá để sang cọc. Cọc vài chục triệu mà làm tăng giá cả khu, lãi vài trăm phần trăm. Ai xuống tiền ôm thì người đó chịu thiệt", một môi giới phân tích.

Theo quy định hiện nay, tiền đặt cọc trước tối thiểu là 5% giá khởi điểm của thửa đất đấu giá. Tỉnh Thanh Hóa vừa qua đã có văn bản yêu cầu nâng mức đặt trước này lên tới 20%.

Có thể yêu cầu bảo lãnh của ngân hàng trong trường hợp hủy cọc đấu giá 

Tại Bắc Giang, giao dịch chuyển nhượng sôi động sau đấu giá hay tình trạng bỏ cọc cũng tăng khi giao dịch không thành.

Đơn cử tại huyện Yên Dũng, trong hai phiên đấu giá đến thời hạn thanh toán có đến 52 trường hợp bỏ cọc với tổng số tiền trúng đấu giá gần 100 tỷ đồng. Trong khi năm 2020 toàn huyện mới có 5 trường hợp bỏ cọc.

Tương tự, tại huyện Việt Yên, sau phiên đấu giá đất tại KDC Yên Ninh, một số lô đất được sang tay ngay tại khu vực tổ chức đấu giá với chênh lệch vài chục triệu đồng, có lô tăng hơn 100 triệu đồng so với mức trúng đấu giá.

Tại huyện Lạng Giang và TP Bắc Giang, thời gian qua, hai địa phương có hàng chục lô đất trúng đấu giá nhưng khách hàng bỏ cọc.

Sở Tài chính tỉnh Bắc Giang cho biết việc đẩy giá lên cao trong các phiên đấu giá ảnh hưởng không nhỏ đến khách hàng có nhu cầu thực sự. Trong những phiên gần đây, tỷ lệ các nhà đầu tư trúng đấu giá chiếm tới hơn 90%, số ít thuộc về những khách hàng có điều kiện.

Liên quan đến nội dung này, một số khách hàng đề xuất, cơ quan chuyên môn cần nghiên cứu, đưa ra yêu cầu người trúng đấu giá phải xây dựng nhà trong một khoảng thời gian nhất định, tránh tình trạng bỏ hoang, gây lãng phí đất tại các khu dân cư, đô thị, tránh đầu cơ đất.

Về giải pháp để hạn chế việc các doanh nghiệp tham gia đấu giá sau đó không hoàn thành việc nộp tiền, luật sư Đỗ Thanh Lâm từ Công ty Luật Kiến Việt cho rằng cần có quy định nâng số tiền đặt cọc đấu giá. Bên cạnh đó, tùy theo giá trị bất động sản, có thể yêu cầu bảo lãnh của ngân hàng trong trường hợp vi phạm về đấu giá hoặc hủy cọc.

Trước tình trạng nhà đầu tư chậm nộp tiền sau khi trúng đấu giá, tỉnh Phú Thọ vừa qua cũng đã ban hành quyết định hủy kết quả trúng đấu giá đối với người chậm nộp tiền.