Phòng dịch Covid-19 hiệu quả, Huế vẫn là điểm đến an toàn, thân thiện

Trước bối cảnh dịch Covid-19, tỉnh Thừa Thiên - Huế vẫn là điểm đến an toàn, thân thiện khi chưa phát hiện ca dương tính, nghi ngờ nhiễm nào trên địa bàn. Ngành du lịch tỉnh này cũng đã ngồi lại với nhau để bàn giải pháp kích cầu du lịch do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Ông Nguyễn Nam Hùng, Giám đốc Sở Y tế Thừa Thiên - Huế cho biết, tính đến 16h30 ngày 19/2, trên địa bàn tỉnh chưa phát hiện ca bệnh dương tính với Covid-19 cũng như không có ca nghi ngờ.

Từ ngày 27/1, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã bắt đầu tổ chức thực hiện theo dõi, giám sát bệnh dịch Covid-19 tại tất cả các cơ sở y tế, cộng đồng và kiểm dịch y tế quốc tế tại Cảng Hàng không Quốc tế Phú Bài, Cảng Chân Mây, Thuận An, cửa khẩu Hồng Vân, A Đớt huyện A Lưới.

Phòng dịch Covid-19 hiệu quả, Huế vẫn là điểm đến an toàn, thân thiện - Ảnh 1.

Du khách đeo khẩu trang tham quan chùa Thiên Mụ. (Ảnh: Khải Tuấn).

Ông Lê Hữu Minh, Quyền Giám đốc Sở Du lịch Thừa Thiên - Huế cho hay: "Dịch Covid-19 đã tác động lớn đến toàn bộ hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp du lịch – dịch vụ trên địa bàn tỉnh. Trong tháng 2/2020, dự báo lượng khách giảm 15-20% khách lưu trú, riêng khách Mice (hội nghị, hội thảo…) hầu như gần 100%. Trong tháng 3, dự báo khả năng lượng khách lưu trú sẽ giảm từ 25-30% và khả năng có thể giảm sâu hơn".

Theo ghi nhận, ở các điểm du lịch Huế như chùa Thiên Mụ, Đại nội Huế… vẫn có nhiều khách tham quan mỗi ngày. Điều đặc biệt, các du khách đều ý thức phòng chống dịch Covid-19 bằng cách mang khẩu trang y tế khi đến những điểm tham quan này.

Để phòng chống dịch Covid-19, nhiều biện pháp đã được đưa vào áp dụng, mang lại sự an tâm cho khách du lịch. Ông Đinh Mạnh Thắng, Chủ tịch Hiệp hội du lịch Thừa Thiên - Huế chia sẻ, thời gian qua, Hiệp hội Du lịch, Sở Du lịch và các doanh nghiệp du lịch, khách sạn đã phối hợp thực hiện nhiều biện pháp để ngăn ngừa dịch Covid-19.

Cụ thể, có nhiều hoạt động được diễn ra như phát khẩu trang y tế và cung cấp nước rửa tay sát khuẩn miễn phí cho du khách, phun thuốc khử trùng định kỳ, trang bị máy đo thân nhiệt cá nhân… Ngoài ra, các cơ sở kinh doanh lưu trú và dịch vụ du lịch, vận chuyển khách du lịch chăm lo phục vụ khách chu đáo, không có hành vi phân biệt quốc tịch du khách.

Một doanh nghiệp lữ hành chia sẻ rằng, có nhiều du khách vẫn duy trì nhu cầu đi du lịch, điểm đến nào được cộng đồng đánh giá an toàn sẽ được chọn. Do đó, nhiều đơn vị lữ hành đã có sự điều phối, thay đổi lịch trình đến Huế tham quan nhiều hơn.

"Nhằm tạo sự yên tâm cho các đối tác du lịch và du khách, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, trong thời gian tới, ngành du lịch tiếp tục duy trì tăng cường các biện pháp phòng ngừa dịch, đặc biệt là tại các điểm tham quan, khách sạn, nhà hàng, sân bay, ga, bến xe nhằm đảm bảo kiểm soát tốt, đồng bộ trong khai thác hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh", ông Minh chia sẻ.

Cũng theo ông Minh, bên cạnh việc tập trung phòng chống dịch là nhiệm vụ trọng tâm, để bình ổn và thúc đẩy du lịch trong bối cảnh dịch và sau dịch Covid-19, ngành du lịch đề xuất, đây là thời điểm thích hợp để tranh thủ các nguồn lực để tái cơ cấu ngành du lịch, làm mới sản phẩm du lịch, tập trung định hướng để thu hút thị trường khách du lịch tiềm năng (châu Âu, Bắc Mỹ, Nhật Bản…), du lịch nội địa… Khuyến khích các doanh nghiệp du lịch, các đơn vị vận chuyển, các điểm đến xây dựng các gói, phương án kích cầu thông qua các hình thức giảm cước vận chuyển, cơ chế đổi trả vé linh hoạt, cơ chế trích chiết khấu vé…

Phòng dịch Covid-19 hiệu quả, Huế vẫn là điểm đến an toàn, thân thiện - Ảnh 2.

Các khách sạn, homestay phát khẩu trang miễn phí cho du khách. (Ảnh: CTV).

Ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho rằng, coi thách thức này là thời điểm thuận lợi để tiếp tục chứng minh cho thế giới biết rằng, Thừa Thiên - Huế vẫn là một điểm đến an toàn và thân thiện, con người Huế luôn gần gũi, mến khách với tinh thần tương thân tương ái, giúp đỡ nhau trong lúc khó khăn…

"Với việc vào cuộc tích cực trong công tác phòng, chống dịch, chúng ta đang khẳng định Thừa Thiên - Huế là một điểm đến du lịch, kinh doanh, có môi trường sống an toàn, hấp dẫn, con người Huế luôn đoàn kết trước mọi khó khăn, vượt qua thử thách để xây dựng quê hương ngày càng đẹp hơn, phát triển vững vàng hơn", ông Thọ nói.

Ngày 19/2, du thuyền Crystal Symphony từng được bình chọn là một trong 10 du thuyền sang trọng nhất thế giới chở 900 khách cập cảng Chân Mây, Huế bắt đầu hành trình tham quan Việt Nam.

Crystal Symphony sau khi rời Chân Mây sẽ di chuyển vào TP HCM, cập cảng Hiệp Phước trong 3 ngày, tới 24/2 rời đến nước khác. Tại TP HCM, du khách sẽ tham quan các điểm đến trong thành phố và đi Tiền Giang thăm chợ nổi Cái Bè.

Được biết, tàu du lịch Crystal Symphony là một trong 10 du thuyền sang trọng nhất thế giới được bình chọn bởi Hiệp hội du thuyền quốc tế.

Năm 2020, mục tiêu ngành du lịch đề ra đó là tiếp tục phát triển du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn xứng tầm là trung tâm du lịch đặc sắc của cả nước gắn với phát huy giá trị đô thị di sản trên nền tảng văn hóa, theo hướng xanh và thông minh; từng bước xây dựng thương hiệu du lịch Huế là kinh đô ẩm thực, là thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam.

Ngoài ra, phấn đấu đạt từ 5 - 5,2 triệu lượt khách, doanh thu du lịch đạt 12 nghìn tỉ đồng (trong đó, doanh thu từ cơ sở lưu trú đạt khoảng 5.300 - 5.400 tỉ đồng).

Trước ảnh hưởng của dịch Covid-19, ngành du lịch Thừa Thiên - Huế đã bàn giải pháp kích cầu du lịch và các giải pháp để phục hồi sau khi dịch được khống chế.

Sở Du lịch phối hợp chặt chẽ với các Hội, Hiệp hội, thực hiện liên kết giữa các Sở, ban, ngành, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh như lữ hành, khách sạn, nhà hàng… để xây dựng các gói kích cầu mang lại hiệu quả cho doanh nghiệp và du khách trong bối cảnh ngành du lịch chịu tổn thất do dịch Covid-19.

Trên cơ sở các doanh nghiệp du lịch xây dựng mức giá ưu đãi đối với các dịch vụ lưu trú, ăn uống, vận chuyển, Sở Du lịch và Hiệp hội du lịch tổng hợp, kết hợp với những chương trình ưu đãi của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế và các đơn vị hàng không xây dựng một số chương trình tour, gói sản phẩm du lịch với giá cả cạnh tranh nhằm chào bán trong thời gian dịch bệnh trong tiếp tục diễn biến…

Theo Sở Du lịch Thừa Thiên - Huế, năm 2019, tổng lượng khách đến Thừa Thiên - Huế đạt 4,817 triệu lượt khách (tăng 11,18% so với cùng kì), trong đó có hơn 2,1 triệu lượt khách quốc tế (tăng 12,06%); khách lưu trú đạt trên 2,2 triệu lượt (tăng 7,30%). Doanh thu du lịch đạt 11.300 tỷ đồng, riêng doanh thu từ cơ sở lưu trú đạt đạt 4.945 tỉ đồng (tăng 10,54% so với năm 2018).

So với các địa phương khác trong vùng cũng như cả nước, tăng trưởng du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế không nóng, không lớn nhưng bền vững do vẫn duy trì được thị trường quốc tế truyền thống, chi tiêu tương đối cao, phù hợp và ổn định với văn hóa, môi trường, chiến lược phát triển du lịch tỉnh.

chọn
VIS Rating: Khả năng trả nợ của doanh nghiệp bất động sản vẫn ở mức yếu
Khả năng trả nợ của doanh nghiệp vẫn ở mức yếu ngay cả khi dòng tiền được cải thiện do đòn bẩy cao và nợ đến hạn lớn trong năm 2024.