Sinh viên Hong Kong chia sẻ trải nghiệm bị phân biệt đối xử ở Ý, bị gọi là 'bộ mặt của virus corona'

Kể từ khi đặt chân đến Bologna vào tháng 2/2020, Ciara Lo – một công dân Hong Kong, cho biết cô đã bị phân biệt đối xử tại một ngân hàng và một đồn cảnh sát ở đây, chỉ vì là người Trung Quốc.
Sinh viên Hong Kong chia sẻ trải nghiệm bị phân biệt đối xử ở Ý, bị gọi là "bộ mặt của virus corona" - Ảnh 1.

Ciara Lo tại Modena, Ý. (Nguồn: NY Times).

Ciara Lo, sinh viên 22 tuổi đang theo học tại Đại học Modena và Reggio Emilia, gần Bologna - Ý, chia sẻ với New York Times rằng từ khi đến Ý vào tháng trước, cô luôn cảm thấy mình đang bị kì thị, thậm chí bị xa lánh bởi một số người dân, vì cô là người Trung Quốc.

Sau cuộc biểu tình kéo dài nhiều tháng với chính phủ và bất ổn dân sự tại Hong Kong, cô Lo – sinh viên chuyên ngành Ngôn ngữ Anh, cho biết cô đã rất háo hức cho học kì trao đổi tại Ý, đây cũng là chuyến thăm Ý đầu tiên của cô.

Lo đã thay đổi kế hoạch, đi chuyến bay tới Bologna sớm hơn 9 ngày, vì lo ngại chương trình trao đổi sinh viên của mình có thể bị hủy bỏ vì dịch Covid-19.

"Tôi đã nghĩ rằng khi đến Ý, tôi sẽ có thể đi đây đi đó một chút", cô chia sẻ.

Tuy nhiên, khi nhập cảnh vào sân bay Bologna, nhiều hành khách đã nhìn chằm chằm vào Lo rất lâu. Lúc đó Lo đang đeo khẩu trang – vốn đã được đeo trong suốt chuyến bay 16 tiếng.

Khi di chuyển trên xe buýt đến trung tâm Bologna, ví của Lo đã biến mất, do ai đó đã mở ba lô và lấy trộm, cô nói.

Một người qua đường đã đưa cô đến đồn cảnh sát để báo cáo sự việc. Nhưng khi cô xuất trình hộ chiếu Hong Kong, cô đã được yêu cầu đợi bên ngoài, giữa thời tiết lạnh lẽo với một chiếc áo len mỏng.

Lo cho biết cuối cùng cô cũng được phép nộp báo cáo, nhưng đến hiện tại vẫn chưa nghe phản hồi gì về chiếc ví đã bị đánh cắp của mình. Thay vào đó, cô được cung cấp một số điện thoại để liên lạc, nếu phát hiện các triệu chứng mắc virus Covid-19.

Phát ngôn viên bên phía cảnh sát Bologna cho biết, việc kiểm soát những người từ các quốc gia được coi là có nguy cơ nhiễm virus Covid-19, đã bắt đầu thực hiện từ ngày Ciara Lo đến Ý. Các sĩ quan cảnh sát được yêu cầu phải đảm bảo rằng Lo đã được kiểm tra.

Toàn bộ nước Ý hiện đã bị phong tỏa, do sự bùng phát nhanh chóng của dịch Covid-19. Hiện Ý đã có hơn 10.000 ca dương tính và 463 người chết do chủng virus corona mới này. 

Chỉ trong 24 giờ qua, quốc gia này có 168 ca tử vong mới. Chính phủ Ý đang nỗ lực thực hiện các biện pháp khẩn cấp ngăn chặn lây lan dịch bệnh.

Sinh viên Hong Kong chia sẻ trải nghiệm bị phân biệt đối xử ở Ý, bị gọi là "bộ mặt của virus corona" - Ảnh 2.

Toàn bộ nước Ý bị phong tỏa. (Nguồn: AP).

Lo cho biết cô cũng cảm thấy rất ngạc nhiên với thái độ mình nhận được khi đến Ngân hàng Intesa Sanpaolo, khi yêu cầu mở tài khoản để bố mẹ chuyển tiền.

Tại một chi nhánh của Intesa Sanpaolo, nhân viên giao dịch đã nói với cô rằng cô không thể mở tài khoản, vì cô không nói được tiếng Ý.

Ở một chi nhánh khác, cô đã được nhân viên hộ tống ra ngoài. Họ xin lỗi và nói rằng cô phải rời đi, vì cô đến từ khu vực có dịch Covid-19.

Đại diện của Intesa Sanpaolo cho biết cách đối xử mà Lo nhận được là "sự thiếu tôn trọng và không phản ánh các giá trị, cũng như không tuân thủ các chính sách của Intesa Sanpaolo".

Tuy nhiên, Lo chia sẻ không phải tất cả mọi người Lo gặp ở Ý đều có thái độ kì thị, nhiều người đã bất bình trước cách cô bị đối xử, và cố gắng giúp cô.

Người đàn ông đi cùng cô đến đồn cảnh sát đã tặng cô một khoản tiền để mua thức ăn.

Khi đến một ngân hàng khác, nhân viên ở đây đã thay mặt cô gọi cho trường, giải thích Lo không thể rút tiền, và đang gặp khó khăn khi mở tài khoản tại đây.

Nhà trường cũng đã cử nhân viên đến Bologna để hỗ trợ tài chính cho cô.

Tuy nhiên, "nhìn chung, tôi cảm thấy bản thân như một người ngoài cuộc", cô nói. "Tôi rất buồn, chỉ vì tôi là người Trung Quốc. Tôi chính là 'bộ mặt của virus corona'", cô thở dài.

Lo cho biết hiện cô chủ yếu ở trong nhà để tránh đám đông và những cái nhìn không mong muốn, chỉ ra ngoài để mua các vật dụng thiết yếu.

"Mọi người ở Bologna đã vét sạch các mặt hàng thuốc tẩy rửa và các mặt hàng khô, như mì ống, sốt cà chua ở các siêu thị", cô nói.

"Đường phố thưa thớt người, giống như Hong Kong vậy", cô nói thêm. "Việc đeo mặt nạ hiện vẫn còn chưa phổ biến, nhiều người che miệng bằng những chiếc khăn mùa đông của mình".

Dù cảm thấy không được chào đón, nhưng Lo có thể đồng cảm với lí do tại sao người Ý lo ngại, và mong muốn giữ an toàn cho bản thân họ.

"Ở Hong Kong cũng tương tự như vậy, nhưng đối tượng chịu sự phân biệt đối xử là những người đến từ Trung Quốc đại lục", cô nói.

Cô băn khoăn "Làm cách nào để chúng ta có thể vẫn bảo vệ quyền lợi và phúc lợi của mình, mà vẫn thân thiện với mọi người được chứ?".

"Đạt được điểm cân bằng không hề dễ dàng, và sẽ không bao giờ có một điểm cân bằng nào cả", cô nói.

Tình trạng phân biệt đối với người châu Á, đặc biệt là người Trung Quốc, đang gia tăng trong bối cảnh dịch Covid-19 ngày càng lan rộng trên khắp thế giới. Nhiều quốc như Pháp, Úc, Canada và Mỹ hiện cũng đang đối mặt với tình trạng này.

Nhiều người dân các nước này đã lên tiếng kêu gọi người khác ngừng hành vi kì thị với người châu Á, mà hãy tập trung vào bảo vệ bản thân và gia đình.