Chia sẻ với tờ ABC News, một người Úc đang làm việc tại Ý, cho biết: "Chiều ngày 27/2, cuối cùng tôi cũng nối máy được với một cơ sở y tế địa phương ở Milan, để yêu cầu tiến hành lấy mẫu xét nghiệm virus Covid-19".
Ông cho biết đã liên hệ tới đường dây nóng cấp cứu 112 của quốc gia này trước đó, và được cung cấp thông tin của cơ sở này từ Đội phản ứng nhanh phòng chống dịch Covid-19 của Ý.
"Sau một khoảng thời gian chật vật giải thích vì bất đồng ngôn ngữ, phía bên kia cũng kiếm được một người nói được tiếng Anh", ông nhớ lại. "Tôi đã giải thích ba lần rằng tôi và một số người khác, từng làm việc gần các khu vực tâm dịch, đang có các triệu chứng cảm và muốn được xét nghiệm".
"Không, không, không", người phụ nữ bên kia đường dây từ chối yêu cầu của ông. "Chúng tôi không có thực hiện loại xét nghiệm này".
Ông kể lại, người phụ nữ này nói rằng có thể ông đã nhầm số, và ông nên gọi cho đường dây nóng y tế 112.
"Khi tôi giải thích rằng chính bên 112 đã chỉ tôi sang đây, bên kia đầu dây thông báo "đây là thông tin liên lạc duy nhất mà chúng tôi có thể cung cấp cho bạn" sau một khoảng thời gian im lặng".
"Vào thời điểm đó, chỉ mới có vài trăm trường hợp nhiễm virus với 12 ca tử vong", ông thở dài.
Đây chỉ là một trong nhiều trường hợp "lưỡng nan" mà người dân sinh sống tại quốc gia này đã phải trải qua, trong bối cảnh các cơ quan chính phủ Ý rơi vào tình trạng hoảng loạn, do khủng hoảng dịch Covid-19 diễn ra quá nhanh.
Tính riêng ngày 15/3, đã có 368 người chết vì chủng virus corona mới này. Hai ngày tiếp theo đó số người tử vong luôn ở mức gần 350.
Ở tâm điểm đại dịch, thành phố Bergamo – nơi có số ca nhiễm bệnh cao nhất nước Ý – quang cảnh nơi đây như một cảnh trong một bộ phim tận thế.
Tempio di Ognissanti – một nhà thờ nghĩa trang tại đây, đã được chuyển thành một nhà xác khẩn cấp, với hàng dài các quan tài chờ đợi để "được chôn".
Bác sĩ gây mê Christian Salaroli đã chia sẻ với tờ nhật báo Corriere della Sera, rằng các bệnh viện đang trong tình trạng quá tải, nguồn cung khẩu trang chuyên dụng không đáp ứng đủ, các bác sĩ đành phải chọn người được điều trị".
"Chúng tôi sẽ quyết định dựa trên độ tuổi và tình trạng sức khỏe của họ", ông nói thêm.
Tại Milan, một gian hàng hội chợ thương mại đã được sử dụng làm một bệnh viện dã chiến khẩn cấp.
Tờ L'Eco di Bergamo trước dịch thường chỉ có một trang cáo phó thông báo những người đã qua đời, những số báo gần đây đã phải tăng lên 10 trang.
Với hiện trạng kinh hoàng như vậy, nhiều người trên thế giới hiện không khỏi băn khoăn. Tại sao Ý lại rơi vào tình trạng khủng khiếp này?
Nghĩ rằng đã kiểm soát được dịch cho đến khi bệnh nhân lên tiếng
Các trường hợp nhiễm virus Covid-19 đầu tiên của Ý là hai du khách đến từ Vũ Hán, Trung Quốc, được phát hiện vào ngày 29/1, và đưa về cách li ở một bệnh viện tại Rome.
Ngày hôm sau, Ý thông báo chặn tất cả các chuyến bay đến và đi từ Trung Quốc. Thủ tướng Giuseppe Conte đã tuyên bố phản ứng khẩn cấp này là "hành động nghiêm khắt nhất tại châu Âu" trong thời điểm đó.
Ý cũng là quốc gia châu Âu đầu tiên thực hiện lệnh cấm đi lại này.
Hai tuần kể từ lời tuyến bố "chắc nịch" của Thủ tướng Conte, một người đàn ông 38 tuổi được biết đến với tên Mattia ở Codogno, đã phàn nàn về bệnh cúm của mình với bác sĩ gia đình.
Vào ngày 16 và 18/2, anh đến khoa cấp cứu của một bệnh viện địa phương. Anh bị từ chối xét nghiệm và được hướng dẫn nghỉ ngơi tại giường trong cả hai lần.
Đến khi Mattia quay trở lại lần thứ 3 lúc 3 giờ sáng ngày tiếp theo, với triệu chứng khó thở, tiếng chuông cảnh báo bắt đầu dấy lên tại Ý.
Sau lần xét nghiệm thứ hai, ngày 21/2, Mattia đã chính thức được xác nhận là dương tính với virus Covid-19, anh được mệnh danh là bệnh nhân số 1.
Khi biết được toàn bộ sự việc, Thủ tướng Conte trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình, nổi giận nói: "Phản ứng của một bệnh viện đã không hề đúng đắn, và chắc chắn đã góp phần vào sự lây lan của dịch bệnh".
Đến khi tình hình mất kiểm soát, người dân Ý lại được khuyến khích ra khỏi nhà
Nhận xét của Thủ tướng Conte đã khởi nguồn cho cuộc khẩu chiến với Thống đốc vùng Lombardy Attilio Fontan và Giám đốc bệnh viện Codogn, Giorgio Scanzi.
"Chúng tôi đã hoàn thành nhiệm vụ của mình," ông Giorgio Scanzi đáp trả. "Chúng tôi đã luôn làm theo lương tâm của mình".
Cuộc cãi vã công khai này đã tạo ra sự bối rối về mức độ nghiêm trọng của Covid-19 trong công chúng Ý.
Thống đốc Fontan từng tuyên bố với quốc hội vùng, rằng virus Covid-19 "chỉ nặng hơn một chút so với bệnh cúm thông thường". Hệ quả là ngay ngày hôm sau, Lombardy đã hủy bỏ các lệnh giới nghiêm tại các nhà hàng.
Lãnh đạo Đảng Dân chủ Ý, Nicola Zingaretti, cũng cho thấy quan điểm ủng hộ Attilio Fontan, khi xuất hiện công khai tại một quán bar để dùng bữa tối theo phong cách truyền thống của Ý.
Ông đã kêu gọi mọi người tránh "hủy hoại cuộc sống" và "gieo rắc hoảng loạn".
Hơn một tuần sau đó, cả Nicola Zingaretti và Attilio Fontan đều được cách li, sau khi có kết quả dương tính với virus corona chủng mới.
Ngày 8/3, chính quyền Rome mới bắt đầu phong tỏa toàn bộ các tỉnh miền bắc Ý, đồng thời thông báo gói ngân sách khẩn cấp trị giá 10 tỉ euro.
Tại thời điểm đó, chỉ riêng ở Bologna, các ca mắc Covid-19 đã tăng lên hơn 4.000 người, con số tử vong vượt qua 267 người.
Thủ tướng Conte đã gửi thông điệp "Non c'e 'piu' tempo" trên truyền hình quốc gia Ý, có nghĩa là "Chúng ta đã hết thời gian rồi".
Qui mô lan tỏa thảm họa dịch Covid-19 tại Ý vẫn khiến cho nhiều người phải kinh ngạc. Chỉ trong 1 tháng, từ bệnh nhân số 1 được phát hiện, hiện Ý đã có 31.506 ca dương tính, hơn 1.000 người phải nhận chăm sóc đặc biệt và hơn 2.500 người tử vong.
Và "tâm chấn" dịch của Trung Quốc đã chuyển về châu Âu.
Nhiều người đã lên án những sai phạm ban đầu ở Ý, là những hành vi gây tai hại nghiêm trọng.
Nhà trí thức nổi tiếng người Ý, Capppe Severgnini, viết trên tờ New York Times rằng "Ý đã sai lầm từ những ngày đầu của đại dịch".
Severgnini nhận định lệnh cấm các chuyến bay đến và đi từ Trung Quốc có thể đã khiến du khách nhập cảnh vào Ý, thông qua các quốc gia láng giềng châu Âu, che giấu bức tranh thực sự của dịch Covid-19, và ngăn chặn sự hiệu quả của các công tác kiểm soát dịch bệnh.
Một nhà khoa học của Viện Y tế Quốc gia Ý, đã chia sẻ với TIME rằng virus "có thể đã tồn tại khá lâu trước khi được phát hiện, do đợt dịch này nổi lên trong mùa cảm cúm thông thường".
Nino Cartabellotta, chuyên gia y tế công cộng hàng đầu của Ý, cũng đặt ra câu hỏi, về việc liệu số ca mắc viêm phổi cao bất thường một tháng trước khi bùng phát dịch, có nên được xét nghiệm với virus Covid-19 hay không.
Ý là nạn nhân lớn nhất của dịch Covid-19, sau Trung Quốc
Ông Cartabellotta nhận định biện pháp duy nhất có hiệu quả kiểm soát dịch bệnh của Ý là việc phong tỏa toàn quốc, và đáng lẽ nó nên được đưa ra trước khi bùng phát ca nhiễm tại đây.
"Chiến lược chờ đợi luôn là điều kiện cho virus phát tán", ông nói.
Các quốc gia ở các châu lục khác cũng đang ghi nhận số ca nhiễm tăng lên nhanh chóng như Mỹ và Úc, ngoài những người hàng xóm láng giềng của Ý tại châu Âu, như Tây Ban Nha và Pháp.
Vì vậy, nhiều người cho rằng Ý có thể là một nạn nhân và do "thiếu may mắn" xướng tên đầu tiên.
"Nhiều người có thể tranh luận rằng Ý đã nhận ra sai lầm muộn", Christian Althaus, Đại học Bern, nhận định với Guardian.
"Nhưng chuyện này cũng đã có thể xảy ra ở một quốc gia khác. Một khi chính phủ nhận ra tình hình thực tế, tôi nghĩ họ sẽ nhìn nhận nó một cách nghiêm túc", ông nói thêm.
"Lệnh phong tỏa ban đầu là môt bước đi đúng đắn, và lệnh phong tỏa toàn quốc của Ý cũng vậy. Họ đã nhận ra rằng họ cần phải kiềm chế được dịch bệnh".
Hoàn toàn không có chuẩn bị trước
Tuy nhiên, một câu hỏi khác cũng được đưa ra, đó là: "Ý đã chiến đấu với dịch Covid-19 như thế nào?"
Tỉ lệ tử vong tại Ý đã tăng nhanh vào ngày 15/3 lên 7%, gấp đôi mức trung bình thế giới. Trong nhóm các nước G7, chi tiêu của chính quyền Rome cho sức khỏe cộng đồng luôn dao động ở mức thấp hơn Pháp, Đức và Anh.
Câu trả lời của Ý cho Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh là "ngân sách đã bị thiếu hụt trong nhiều năm".
Lorenzo Casani, chủ một phòng khám y tế cho người già ở Bologna, chia sẻ với TIME, rằng đã có "những đợt cắt giảm liên tục trong ngân sách chăm sóc và nghiên cứu sức khỏe y tế".
"Chúng tôi đã không được chuẩn bị," ông nói. "Không có đủ nhân lực, và cũng chưa được cung cấp kế hoạch đối phó với đại dịch nào trước đó".
Casani cũng cho biết một thực tế đáng sợ tại các bệnh viện ở Ý, nơi các bác sĩ "phải đưa ra một lựa chọn khủng khiếp, quyết định ai sẽ là người sẽ sống sót".
Một điều khác khiến cho bức tranh dịch bệnh của Ý càng bi quan hơn, là gần 25% dân số Ý ở trong độ tuổi từ 65 trở lên.
Nguy cơ những người bị lây nhiễm virus Covid-19 có mang nhiều bệnh nền là rất cao, khiến cho họ trở nên dễ bị tổn thương trước chủng virus này hơn.
Tiêu dùng 11:18 | 15/06/2020
Tiêu dùng 16:54 | 14/06/2020
Tiêu dùng 09:30 | 14/06/2020
Kinh doanh 06:37 | 14/06/2020
Kinh doanh 15:51 | 13/06/2020
Kinh doanh 06:35 | 13/06/2020
Kinh doanh 16:27 | 11/06/2020
Tiêu dùng 17:00 | 10/06/2020