Thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua (16/9 - 22/9): Hà Nội đưa Gia Lâm lên quận với 16 phường, Quảng Trị mời thầu sân bay hơn 5.800 tỷ đồng

Hà Nội thông qua chủ trương thành lập quận Gia Lâm; TP HCM duyệt đầu tư đường vành đai 2 từ cầu Phú Hữu đến đường Võ Nguyên Giáp; Quảng Trị tuyển nhà đầu tư sân bay hơn 5.800 tỷ đồng... là những thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua.

Hà Nội thông qua chủ trương thành lập quận Gia Lâm

Sáng 22/9, tại kỳ họp thứ mười ba HĐND thành phố Hà Nội khóa XVI, các đại biểu đã thông qua Nghị quyết tán thành chủ trương thành lập quận Gia Lâm.

Theo đó, thành lập quận Gia Lâm trên cơ sở nguyên trạng diện tích tự nhiên là 116,64 km2, quy mô dân số hơn 300.000 người và thành lập 16 phường trên cơ sở 22 xã, thị trấn của huyện Gia Lâm.

Một góc Gia Lâm. (Ảnh tư liệu: Hạ Vũ). 

16 phường thuộc quận Gia Lâm gồm: Trâu Quỳ, Dương Xá, Đa Tốn, Kiêu Kỵ, Ninh Hiệp, Yên Thường, Cổ Bi, Đặng Xá, Dương Quang, Lệ Chi, Yên Viên, Phù Đổng, Thiên Đức, Phú Sơn, Bát Tràng và Kim Đức.

TP HCM duyệt đầu tư đường vành đai 2 từ cầu Phú Hữu - đường Võ Nguyên Giáp

Ngày 19/9, tại Kỳ họp thứ 11 (kỳ họp chuyên đề), HĐND TP HCM khóa X đã thông qua quyết định chủ trương đầu tư đường vành đai 2, đoạn từ cầu Phú Hữu đến đường Võ Nguyên Giáp  với 9.328 tỷ đồng bằng ngân sách thành phố.

Dự án này sẽ được chia thành hai dự án thành phần, gồm dự án xây dựng và dự án bồi thường giải phóng mặt bằng. Tổng chiều dài tuyến khoảng 3,8 km.

Điểm đầu của đường vành đai 2 (đoạn từ cầu Phú Hữu - đường Võ Nguyên Giáp) hiện nay. (Ảnh tư liệu: Hải Quân). 

Về quy mô đầu tư, TP HCM sẽ giải phóng mặt bằng một lần theo lộ giới quy hoạch được duyệt (phần tuyến 67 m và toàn bộ nút giao Bình Thái); xây dựng đường song hành đáp ứng 6 làn xe hai bên với 34 m; xây dựng hai nhánh cầu Đường Xuồng trên đường song hành rộng 12,8 m.

Quảng Trị tuyển nhà đầu tư sân bay hơn 5.800 tỷ đồng

UBND tỉnh Quảng Trị vừa ban hành quyết định phê duyệt hồ sơ mời thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện Dự án thành phần 2 - xây dựng Cảng hàng không thuộc dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không Quảng Trị ,  theo phương thức đối tác công tư (PPP). Dự án có tổng vốn đầu tư 5.821 tỷ đồng, được xây dựng tại các xã Gio Quang, xã Gio Hải và xã Gio Mai, huyện Gio Linh. 
 

 Phối cảnh dự án Cảng hàng không Quảng Trị. (Ảnh: Cổng TTĐT Chính phủ).

Thời gian thực hiện 50 năm, trong đó, thời gian chuẩn bị dự án và đầu tư xây dựng dự kiến là 2 năm và thời gian thực hiện hợp đồng (thời gian vận hành, thu phí hoàn vốn) là 47 năm 3 tháng, loại hợp đồng BOT. 
 
UBND tỉnh yêu cầu, nhà đầu tư phải có vốn chủ sở hữu tối thiểu là 1.092 tỷ đồng và tổng giá trị vốn chủ sở hữu và vốn vay nhà đầu tư có khả năng thu xếp tối thiểu là 5.821 tỷ đồng. Dự kiến, thời điểm đóng thầu là 9h00 phút ngày 13/11.
 

TP HCM sẽ đầu tư 5 dự án giao thông tổng vốn 37.000 tỷ đồng theo hình thức BOT

Ngày 19/9, tại Kỳ họp thứ 11, HĐND TP HCM khóa X đã biểu quyết thông qua danh mục dự án đầu tư xây dựng nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa công trình đường bộ hiện hữu áp dụng loại hợp đồng BOT theo cơ chế có trong Nghị quyết 98 của Quốc hội.

Trước đó, Sở Giao thông Vận tải thành phố đã đề xuất làm 5 tuyến đường theo hình thức BOT  từ cơ chế của Nghị quyết 98 gồm quốc lộ 13 đoạn từ ngã tư Bình Phước đến cầu Bình Triệu; quốc lộ 1 đoạn từ An Lạc đến giáp tỉnh Long An.

Quốc lộ 22 hiện nay. (Ảnh tư liệu: Hải Quân). 

Quốc lộ 22 đoạn từ nút giao An Sương đến đường vành đai 3 TP HCM; trục đường Bắc - Nam (từ đường Nguyễn Văn Linh đến nút giao cầu Bà Chiêm); cầu đường Bình Tiên (đoạn từ đường Phạm Văn Chí đến đường Nguyễn Văn Linh). Tổng mức đầu tư của 5 dự án nói trên khoảng 37.000 tỷ đồng.

Cầu Rạch Miễu 2 được tăng vốn thêm hơn 1.600 tỷ đồng 

Ngày 18/9, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã có Quyết định phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư cầu Rạch Miễu 2 nối tỉnh Tiền Giang và tỉnh Bến Tre.

Theo điều chỉnh, tổng chiều dài tuyến khoảng 17,6 km. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2021 - 2026. Tổng mức đầu tư dự án là 6.810 tỷ đồng.

Khu vực làm cầu Rạch Miễu 2. (Ảnh: Báo Thanh niên).  

Như vậy, tổng chiều dài tuyến đã tăng so với con số 17,5 km như phê duyệt cũ, tổng mức đầu tư cũng được tăng thêm 1.635 tỷ đồng so với tổng vốn tại phê duyệt cũ là 5.175 tỷ đồng.

Thông xe đường song hành cao tốc TP HCM - Long Thành 

Theo TTXVN, ngày 17/9, Sở Giao thông Vận tải TP HCM cùng Công ty Nguyên Phương (nhà đầu tư) đã tổ chức thông xe công trình đường song hành cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây, đoạn từ đường Nguyễn Thị Định đến Đỗ Xuân Hợp (phường An Phú, TP Thủ Đức) dài hơn 3 km.

Đường song hành cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây được khởi công năm 2017 theo hợp đồng BT, có chiều dài khoảng 4 km, gồm hai đoạn đường rộng 20 m, 4 làn xe, nằm bên phải tuyến cao tốc theo hướng di chuyển đi Long Thành - Dầu Giây.

Một đoạn đường song hành cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây. (Ảnh tư liệu: Hải Quân). 

Trong đó, đoạn từ đường Mai Chí Thọ đến đường Đỗ Xuân Hợp dài hơn 3,2 km được tổ chức thông xe, đưa vào khai thác từ ngày 17/9. Đoạn còn lại dài gần 700m, nối từ đường Đỗ Xuân Hợp đến đường Vành đai 2 hiện chưa hoàn thành do vướng giải phóng mặt bằng.

Hơn 1.800 tỷ đồng xây nhà ga hành khách T2 sân bay Đồng Hới 

Lãnh đạo tỉnh Quảng Bình vừa qua đã có Quyết định về việc chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư Dự án xây dựng Nhà ga hành khách T2 và mở rộng sân đỗ máy bay, Cảng hàng không Đồng Hới.

Theo đó, dự án trên được giao cho Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) là nhà đầu tư với mục tiêu xây dựng nhà ga hành khách T2 để nâng công suất khai thác cảng hàng không Đồng Hới đạt 3 triệu hành khách/năm.

Dự án xây dựng Nhà ga hành khách T2 Cảng hàng không Đồng Hới. (Ảnh: UBND tỉnh Quảng Bình). 

Bên cạnh đó, dự án còn mở rộng sân đỗ máy bay về cả phía đông và phía tây sân đỗ máy bay hiện hữu trên diện tích sử dụng đất dự kiến là 15 ha. Tổng mức vốn đầu tư của dự án là 1.844 tỷ đồng.

Hơn 65.400 tỷ đồng là mức vốn sơ bộ của tuyến đường sắt đô thị số 5 nối Hồ Tây - Hòa Lạc

Hội đồng Thẩm định Nhà nước vừa qua đã phê duyệt Kế hoạch thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi tuyến đường sắt đô thị TP Hà Nội tuyến số 5.

Sơ bộ tổng mức đầu tư dự án là 65.404 tỷ đồng, sử dụng vốn ngân sách TP Hà Nội, được đầu tư một lần, không thực hiện phân kỳ đầu tư. Dự án được dự nguồn vốn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, có thể cân đối bố trí bổ sung giai đoạn 2026 - 2030.

 

Hà Nội dự chi hơn 65.400 tỷ đồng cho tuyến đường sắt đô thị số 5. (Ảnh minh họa: Tạp chí Giao thông Vận tải).

Tuyến số 5, Văn Cao - Ngọc Khánh - Láng - Hòa Lạc sẽ theo tiêu chuẩn đường đôi khổ 1435 mm, điện khí hóa với chiều dài 38,4 km (6,5 km đi ngầm; 2 km đi trên cao và 30 km đi trên mặt đất) với 21 nhà ga.

chọn
Thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua (11/1 - 17/1): Thủ tướng yêu cầu khởi công toàn bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng trong quý I
Thủ tướng yêu cầu khởi công cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng; Hà Nội khởi công đường Tây Thăng Long qua Đan Phượng; gần 4.000 tỷ đồng bồi thường, TĐC cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành qua Bình Phước... là những thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua.