Thừa Thiên - Huế cần cơ chế để trở thành ‘Đô thị di sản - Thành phố trực thuộc Trung ương’

Đây là một trong những kiến nghị của tỉnh Thừa Thiên - Huế tại buổi làm việc với Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân diễn ra vào chiều 17/8.

Báo cáo tại buổi làm việc, ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, sau 10 năm thực hiện Kết luận 48 của Bộ Chính trị, đô thị Thừa Thiên - Huế đã được qui hoạch, đầu tư xây dựng theo các lợi thế và bản sắc riêng; là đô thị theo hướng "di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường".

2 (1)

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân làm việc với lãnh đạo, cán bộ chủ chốt tỉnh Thừa Thiên - Huế. (Ảnh: N.Minh).

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp; khai thác một số ngành có lợi thế, tạo giá trị gia tăng, trong đó, du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, khẳng định là trung tâm văn hóa, du lịch có thương hiệu quốc gia và khu vực…

Tuy nhiên, mục tiêu cơ bản đưa tỉnh Thừa Thiên - Huế trở thành Thành phố trực thuộc Trung ương chưa thực hiện được, do tỉnh có xuất phát điểm thấp, qui mô nền kinh tế còn nhỏ, tốc độ tăng trưởng chưa cao. 

Ông Phan Ngọc Thọ cho rằng, hiện nay, đánh giá đô thị loại I được xác định theo các tiêu chí qui định tại Nghị quyết 1210 ngày 25/5/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là khó khả thi đối với một đơn vị mang tính đặc thù của quốc gia về di sản như tỉnh Thừa Thiên Huế.

Để tạo đột phá, thúc đẩy phát triển đô thị Huế theo hướng "di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường", tỉnh Thừa Thiên - Huế cần có cơ chế để trở thành "Đô thị di sản - Thành phố trực thuộc Trung ương" nhằm phục dựng và bảo tồn toàn vẹn các di dản vật thể, phi vật thể và thiên nhiên mang nét đặc trưng của Việt Nam mà Cố đô Huế đang vinh dự bảo tồn và phát huy.

Vì vậy, ông Phan Ngọc Thọ đề nghị Quốc hội có cơ chế, chính sách đặc biệt để công nhận Thừa Thiên - Huế là đô thị di sản - Thành phố trực thuộc Trung ương.

3

Tỉnh Thừa Thiên - Huế cần có cơ chế để trở thành "Đô thị di sản - Thành phố trực thuộc Trung ương". (Ảnh: Khải Tuấn).

Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân biểu dương những nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Thừa Thiên Huế trong khắc phục hậu quả thiên tai và phát triển kinh tế - xã hội.

Thống nhất cao với định hướng phát triển của tỉnh là xây dựng "đô thị di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường", Chủ tịch Quốc hội cho rằng, định hướng này là hoàn toàn phù hợp với thế mạnh của tỉnh và chủ trương của Đảng thể hiện qua Kết luận 48 và Thông báo kết luận của Bộ Chính trị.

Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao việc Thừa Thiên - Huế đã khẳng định được vị thế về văn hóa, chính trị, nhân văn đối với quốc gia, khu vực và toàn thế giới; trong đó, thành phố Huế được công nhận "Thành phố Văn hóa Asean", "Thành phố bền vững môi trường Asean", năm 2016 được công nhận là "Thành phố Xanh quốc gia" và Đô thị Huế được công nhận là "Thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam".

Trên cơ sở đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị tỉnh Thừa Thiên - Huế sớm tổng kết 10 năm thực hiện kết luận 48 và đăng kí chương trình làm việc với Bộ Chính trị để có định hướng mới xây dựng phát triển Thừa Thiên - Huế và đô thị Huế. Bởi nếu định hướng này được làm trong năm nay thì đây sẽ là định hướng lớn cho tỉnh trong xây dựng Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Dịp này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã đi kiểm tra tình hình triển khai dự án di dời dân cư tại khu vực 1, Kinh thành Huế và đến thăm, động viên một số hộ dân đang sinh sống trên thượng thành thuộc diện di dời trong thời gian tới.

chọn
Lãi sau thuế Văn Phú giảm 76%, dòng tiền kinh doanh âm hơn 500 tỷ đồng
Do doanh thu bất động sản sụt giảm, lãi sau thuế nửa đầu năm của Văn Phú đạt 97 tỷ đồng, giảm 76% so với cùng kỳ. Dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh âm gần 527 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ dương 55 tỷ đồng.