Apple có mối quan hệ tốt với Bắc Kinh. Thông qua các đối tác sản xuất, Apple còn sử dụng hàng trăm nghìn công nhân tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Vì thế, theo CNBC, các chuyên gia nhận thấy Trung Quốc khó có thể trừng phạt Apple.
Nguồn tin thân cận với chính phủ Trung Quốc, tờ Thời báo Hoàn cầu khẳng định Bắc Kinh hiện đã sẵn sàng "đáp trả" động thái của Mỹ.
Trong đó, phương án liệt một số doanh nghiệp Mỹ vào "danh sách thực thể không đáng tin cậy" cũng được đưa ra song chưa ai biết nội dung cụ thể về vấn đề này.
Năm ngoái, Trung Quốc từng đề cập đến danh sách sau khi chính phủ Mỹ liệt Huawei vào danh sách đen, hạn chế tập đoàn ở Trung Quốc mua linh kiện và công nghệ Mỹ.
Thời báo Hoàn cầu liệt kê các biện pháp đang cân nhắc khác gồm "áp lệnh hạn chế hoặc tiến hành điều tra đối với một số doanh nghiệp Mỹ như Qualcomm, Cisco và Apple theo luật pháp Trung Quốc cũng như theo các qui định như Luật chống độc quyền và an ninh mạng".
Vài năm qua, Apple là một trong số ít các doanh nghiệp công nghệ Mỹ thành công tại Trung Quốc. Trung Quốc đại lục, Hong Kong và Đài Loan chiếm khoảng 16% trong tổng doanh thu quí I/2020 (tức quí II trong niên độ tài chính) của Apple.
Trung Quốc không chỉ là nguồn doanh thu quan trọng của Apple mà còn là địa điểm lắp ráp phần lớn điện thoại iPhone thông qua đối tác Foxconn. Ngoài ra, Trung Quốc còn là một mắt xích chủ chốt trong chuỗi cung ứng của Apple và Foxconn cũng tuyển dụng hàng trăm nghìn công nhân cho dây chuyền sản xuất tại Trung Quốc.
Mặc dù dịch chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc không phải là một nhiệm vụ dễ dàng, các doanh nghiệp công nghệ Mỹ như Apple đang nghiên cứu một số điểm đến mới như Ấn Độ và Việt Nam.
Năm ngoái, giới truyền thông đưa tin Apple muốn bắt đầu sản xuất thử nghiệm AirPods tại Việt Nam và đã yêu cầu các nhà cung ứng cân nhắc chuyển 15 - 30% công suất từ Trung Quốc sang Đông Nam Á.
Theo CNBC, có thể Trung Quốc không muốn đẩy nhanh biện pháp trả đũa Mỹ vì hành động ấy rất mạo hiểm.
"Trung Quốc đang phải đối mặt với nhiều cơn gió ngược khi các công ty như Apple tìm cách đa dạng hóa cơ sở sản xuất", ông Neil Shah - Giám đốc cấp cao tại Counterpoint Research, nhận định. "Vì thế, nếu Trung Quốc nhắm đến Apple và gián tiếp gây ảnh hưởng cho Foxconn, rủi ro có thể gia tăng gấp đôi và đẩy nhanh tốc độ dịch chuyển sản xuất ra khỏi nước này".
Ngoài ra, Apple có 42 cửa hàng tại Trung Quốc cùng nhiều đối tác phân phối sản phẩm ở thị trường tỉ dân. Năm ngoái, Apple cho biết họ có 2,5 triệu nhà phát triển trên Apple Store. Kể từ khi Apple Store ra đời vào năm 2010, các nhà phát triển đã kiếm hơn 200 tỉ nhân dân tệ (tương đương 28,1 tỉ USD).
"Apple là công ty có đóng góp trực tiếp lẫn gián tiếp rất lớn cho nền kinh tế Trung Quốc. Vì vậy, Bắc Kinh sẽ phải suy nghĩ kĩ trước khi trả đũa Apple", ông Shah nói.
Paul Triolo - quản lí cấp cao của Eurasia Group, nói rằng Apple còn xây dựng mối quan hệ khăng khít với Bắc Kinh.
"Tôi không nghĩ Bắc Kinh sẽ phản ứng với Apple. Tập đoàn công nghệ Mỹ có thể bị tẩy chay đôi chút nhưng chính phủ Trung Quốc sẽ không gây bất lợi những công ty tiếng tăm như Apple khi mà các doanh nghiệp này có quan hệ tốt với cả chính quyền địa phương lẫn trung ương", ông Triolo chia sẻ với CNBC.
Đây không phải lần đầu tiên Apple sa vào vào cuộc chiến giữa Washington và Huawei. Năm ngoái, sau khi Huawei bị đưa vào danh sách đen hồi tháng 5, một số người tiêu dùng đã lên tiếng bảo vệ Huawei và tuyên bố không mua sản phẩm của Apple nữa.
Phản ứng dữ dội trên mạng xã hội dường như không có tác động lớn đến "táo khuyết". Dù vậy, Apple phải hoạt động rất cẩn trọng tại Trung Quốc vì loạt qui định và ràng buộc của Bắc Kinh.
Thay vì trả đũa Apple thẳng thừng, chính phủ Trung Quốc có thể nhắm vào các hãng khác, CNBC cho hay.
"Dựa vào nguồn thông tin của các quan chức Trung Quốc, Bắc Kinh có thể sẽ chỉ tiến hành điều tra doanh nghiệp Mỹ về hành vi chống độc quyền cũng như liệu các công ty này có tuân thủ qui định của luật an ninh mạng hay không.
Một động thái như vậy đã có thể giúp Bắc Kinh thỏa mãn những người tiêu dùng đang yêu cầu chính phủ phản ứng mạnh mẽ hơn mà không làm hỏng môi trường kinh doanh dành cho doanh nghiệp nước ngoài tại đất nước tỉ dân, đặc biệt là các công ty Mỹ", ông Triolo nói.
Nhiều khả năng các doanh nghiệp sẽ lọt vào danh sách thực thể không đáng tin cậy và nằm trong diện trả đũa của Bắc Kinh chính là những tổ chức từng chịu một số giới hạn khi tiếp cận thị trường tỉ dân.
"Lựa chọn những doanh nghiệp như thế giúp Bắc Kinh thể hiện sự giận dữ trước hành động của chính phủ Mỹ trong mắt công chúng mà không gây ra phản ứng tiêu cực trong cộng đồng doanh nghiệp cũng như không đẩy nhanh tốc độ dịch chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc", ông Triolo lí giải.