Virus corona đang định hình lại kinh doanh và thương mại của châu Á như thế nào?

Đại dịch đe dọa nền tảng của toàn cầu hóa khi các quốc gia đang ngày càng hướng nội.

Giống như nhiều người ở tầng lớp trung lưu Đông Nam Á, Eric Go, một người đàn ông lớn lên ở Mỹ và làm việc cho một công ty thương mại điện tử tại Manila, Phillipines, đã quen với việc di chuyển không giới hạn: dịch vụ gọi xe, hàng không giá rẻ và các chuyến bay thẳng tới New York.

"Nó không bao giờ thực sự là một vấn đề. Tôi có thể nhảy lên máy bay và đi bất cứ nơi nào tôi muốn đi. Đó là cách mà tôi nhìn thấy tự do", Eric nói. "Nó giống như việc, nếu như có vấn đề gì xảy ra ở Manila, hoặc thời tiết quá nóng chẳng hạn, tôi có thể rời đi bất cứ lúc nào. Nhưng giờ thì tôi không thể đi đâu được".

Hàng trăm ngàn nỗi đau của các cá nhân cùng sự trục trặc nghiêm trọng về xã hội, văn hóa, kinh tế, sẽ tồn tại lâu hơn cuộc khủng hoảng

Kể từ khi dịch Covid-19 bùng nổ vào giữa tháng 3, Eric Go đã cố gắng quay về với gia đình của mình tại Mỹ. Nhưng một vài chuyến bay ít ỏi vẫn đang hoạt động thì có giá vé quá đắt. Và vì hầu hết các chuyến đều có thời gian chờ rất dài, nên nguy cơ bị kẹt lại trong lúc quá cảnh là rất cao. Trên toàn thế giới, biên giới đang đóng lại vì các chính phủ cố gắng ngăn chặn một đại dịch toàn cầu đã giết chết hơn 50.000 người.

Tại châu Á Thái Bình Dương, Trung Quốc, Ấn Độ, Singapore, Đài Loan, Việt Nam, New Zealand và Australia đều cấm những người không phải công dân nhập cảnh. Các nước khác như Nhật Bản, đã ngừng miễn thị thực và áp dụng lệnh cách li đối với hầu hết những người mới nhập cảnh. Các thành phố bị phong tỏa - đường phố vắng tanh, các doanh nghiệp và cơ sở kinh doanh đóng cửa.

Virus corona đang định hình lại biên giới, kinh doanh và thương mại của châu Á như thế nào? - Ảnh 1.

Một người đàn ông đang đi trên đường phố vắng tanh của Manila, Philippines, nơi Tổng thống Rodrigo Duterte đã ra lệnh ngừng hoạt động vào giữa tháng 3. (Ảnh: Reuters).

Hiện tại, với một đại dịch vẫn nằm ngoài tầm kiểm soát, một phần ba dân số toàn cầu đang trải qua nhiều hình thức phong tỏa. Lực lượng lao động đã được phân nhỏ, trường học đóng cửa và nhiều gia đình phải xa nhau. Các đám cưới, lễ tốt nghiệp và những cuộc hội họp bị trì hoãn vô thời hạn. Các sự kiện thể thao, từ các giải đấu cấp trường đến Thế vận hội Olympic Tokyo, đã bị hoãn lại.

Các doanh nghiệp đóng cửa, và có thể không bao giờ vực dậy được, khiến nhiều người mất việc. Hàng trăm ngàn nỗi đau của các cá nhân cùng với sự trục trặc nghiêm trọng về xã hội, văn hóa, kinh tế và chính trị, sẽ tồn tại lâu hơn cuộc khủng hoảng.

Vào ngày 17/3, Quĩ Di sản, một nhóm chuyên gia của Mỹ, đã tuyên bố Singapore là "nền kinh tế tự do nhất" trên thế giới. Chưa đầy một tuần sau, Singapore đã chặn biên giới của mình lại. Đường đắp nổi Johor-Singapore, cầu đường bộ và đường sắt nối quốc đảo đến Malaysia với 400.000 người qua lại mỗi ngày để làm việc, đã bị đóng cửa. Người không phải công dân quốc đảo đã bị cấm, ngay cả khi quá cảnh qua sân bay Changi. Hãng hàng không quốc gia, Singapore Airlines, đã cắt 96% các chuyến bay.

Sinh viên tốt nghiệp người Singapore, David Tan, đã trả 1.000 USD để mua được chiếc vé của một trong những chuyến bay cuối cùng rời Mỹ.

Nhiều người Singapore sống tại Mỹ trở về quê nhà, đã đưa ra tính toán rằng họ muốn chờ đợi đại dịch tại nhà - gần với gia đình của họ, và nơi dịch vụ y tế có giá cả phải chăng hơn.

Virus corona đang định hình lại biên giới, kinh doanh và thương mại của châu Á như thế nào? - Ảnh 2.

Tại sân bay Changi của Singapore, một trong những trung tâm vận chuyển lớn nhất châu Á, một băng chuyền hành lí bất động sau bàn làm thủ tục không người vào ngày 30/3. (Ảnh: Reuters).

"Nếu tôi ngã bệnh ở Mỹ, cho dù có bảo hiểm y tế thì một chuyến đến phòng cấp cứu sẽ khiến tôi phải trả một khoản tiền đáng kể", Tan nói. "Nằm viện sẽ khiến tôi phải bỏ nhiều tiền hơn nữa. Có thể nói rằng, 1.000 USD để bay trở lại Singapore thực sự là một khoản tiết kiệm".

Trên khắp thế giới, mọi người đã phải tính toán làm sao để về được nhà và để gia đình của mình đoàn tụ với nhau. Hong Kong - đứng thứ hai trong danh sách "nền kinh tế tự do nhất" của Quĩ di sản, đã đóng cửa biên giới đất liền với Trung Quốc đại lục vào tháng 2. Họ cũng cấm những người không phải công dân của mình nhập cảnh từ 25/3.

Tại đây, Shakib Pasha, người điều hành một chuỗi nhà hàng và quán bar, đã đưa cha mẹ trở về từ Bangladesh trước khi lệnh phong tỏa bắt đầu, mặc dù anh vẫn không thể gặp được họ vì sợ bị nhiễm virus. Các chuyến đi nghiên cứu thị trường của Pasha cũng bị trì hoãn. 

Một cửa hàng ở Singapore mà anh đã lên kế hoạch cho quí đầu tiên của năm nay, bị trì hoãn vô thời hạn. Tại Hong Kong, anh phải cắt giảm việc kinh doanh của mình, sống sót với thực tế rằng, việc mọi người tìm đường quay về thành phố là một nguồn lây nhiễm tiềm năng.

Virus corona đang định hình lại biên giới, kinh doanh và thương mại của châu Á như thế nào? - Ảnh 3.

Các công ty phải suy nghĩ lại về chuỗi ung ứng

Các nền kinh tế châu Á đã dựa vào sự cởi mở của mình để phát triển mạnh mẽ. Các trung tâm tài chính và doanh nghiệp, như Singapore và Hong Kong; chìa khóa của chuỗi cung ứng toàn cầu, như Đài Loan, Bangladesh và Việt Nam; hoặc như các trung tâm du lịch như Thái Lan - đã phải tự cô lập một cách nhanh chóng và toàn diện.

Amitendu Palit, nghiên cứu viên cao cấp tại Viện nghiên cứu Nam Á thuộc Đại học Quốc gia Singapore, nói rằng những thay đổi đột ngột đối với việc di chuyển toàn cầu, đã khiến các công ty phải suy nghĩ lại về chuỗi ung ứng của họ.

Trong vài năm qua, các nước Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam, đã có thể thu hút những nhà sản xuất chuyển dịch ra khỏi Trung Quốc để tránh thuế quan của Mỹ. Đây được coi là một phần của "chiến tranh thương mại" giữa Nhà Trắng và Bắc Kinh.

Ngay cả trước đó, các nhà sản xuất đã tận dụng mức thuế thấp giữa các nước Đông Nam Á, để kiếm khoản chênh lệch giữa chi phí lao động và hỗ trợ của chính phủ. Ví dụ, một hộp số của ô tô được lắp ráp tại Việt Nam hoặc Ấn Độ có thể được vận chuyển qua biên giới 5 hoặc 6 lần với mỗi lần giá trị lại tăng lên. Nhưng đại dịch có thể làm sụp đổ hệ thống đó.

Virus corona đang định hình lại biên giới, kinh doanh và thương mại của châu Á như thế nào? - Ảnh 4.

Công nhân tại một nhà máy ở tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc, đang phát trực tiếp các sản phẩm của họ ở ngoài trời, khi các doanh nghiệp tìm các cách thay thế để vượt qua đại dịch. (Ảnh: Getty Images).

Các công ty gặp phải tình trạng các lô hàng của mình đang bị giữ vô thời hạn tại các cảng, vì các cơ quan quá tải không thể cung cấp chứng từ, hoặc vì hải quan đang bị phong tỏa. Khi nảy sinh các rủi ro này, các công ty có thể sẽ cố gắng tập hợp chuỗi cung ứng của họ đến càng ít địa điểm và nhà cung cấp càng tốt.

 Và dự trữ hàng tồn kho nhiều hơn, thay vì dựa vào chuỗi cung ứng "đúng thời gian" đã trở nên thịnh hành trong thập kỉ qua.

Virus corona đang định hình lại biên giới, kinh doanh và thương mại của châu Á như thế nào? - Ảnh 5.

Việc hạn chế đi lại và phong tỏa, cũng như sự đột ngột của các biện pháp, đã khiến kế hoạch của các doanh nghiệp trở nên phức tạp hơn sau cuộc khủng hoảng dịch bệnh. Một số quốc gia đã có động thái quyết định, hầu hết đã hành động nhanh chóng, vì lợi ích quốc gia của họ, thay vì phối hợp với các nước láng giềng.

"Sự thiếu hợp tác giữa các quốc gia là cốt lõi của vấn đề", Julien Chaisse, giáo sư luật tại Đại học Hong Kong, người nghiên cứu về toàn cầu hóa, nói. 

"Và tôi khá e ngại rằng, chừng nào họ không hợp tác với nhau để quyết định khi nào dỡ bỏ các biện pháp kiểm soát này, thì ảnh hưởng đối với nền kinh tế sẽ cảm nhận được trong một thời gian khá dài".

Cuộc khủng hoảng việc làm

Sự sụp đổ, kể cả là tạm thời, của chuỗi cung ứng sẽ có tác động rất lớn đến việc làm. Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) đã cảnh báo 25 triệu việc làm có thể gặp rủi ro vì đại dịch. Liên hiệp Công đoàn tại Myanmar cho biết 27 nhà máy dệt ở nước này đã ngừng hoạt động kể từ khi bắt đầu cuộc khủng hoảng.

Lao động nhập cư, trong đó ILO ước tính có hơn 33 triệu người ở châu Á và Thái Bình Dương, sẽ đặc biệt khó khăn. Dòng tài chính từ người di cư trở về đóng góp đáng kể cho các nền kinh tế trong khu vực. Chỉ riêng Philippines nhận được hơn 34 tỉ USD hàng năm từ kiều hối.

Hàng chục ngàn công nhân từ Myanmar, Campuchia và Lào đã vội vã rời khỏi Thái Lan. Việc đóng cửa biên giới của Singapore với Malaysia đã khiến hàng ngàn người mất việc, gây bất lợi cho họ và cho Singapore. Thành quốc đã dựa vào lao động chi phí thấp từ bang Johor để duy trì hoạt động cho các ngành công nghiệp sản xuất và dịch vụ.

Virus corona đang định hình lại biên giới, kinh doanh và thương mại của châu Á như thế nào? - Ảnh 6.

Một nhà ga xe lửa hoang vắng ở Mumbai, Ấn Độ, sau khi các dịch vụ đã bị dừng để ngăn chặn sự lây lan của virus corona. (Ảnh: Reuters).

Tuy nhiên, việc kết thúc bất thình lình hoạt động tự do trong khu vực rất có thể cũng sẽ ảnh hưởng đến những người lao động có mức lương cao hơn. Và có thể làm suy yếu vĩnh viễn tình trạng của các quốc gia như Singapore và Hong Kong, nơi thúc đẩy làn sóng hội nhập khu vực, để trở thành khu vực trung tâm cho du lịch và tài chính. 

Việc Singapore xử lí các khía cạnh y tế công cộng trong trường hợp khẩn cấp đã được ca ngợi rộng rãi, nhưng các lỗ hổng kinh tế của họ đã trở nên rõ ràng hơn. Sân bay vắng người, trung tâm hội nghị và các khách sạn yên ắng. Các biên giới, đã từng gần như không có hạn chế đối với những du khách giàu có, thì giờ đã bị đóng cửa. 

Sự phát triển của Singapore, ở một mức độ nào đó, phụ thuộc vào việc là một trụ sở của khu vực. Nhưng nó sẽ không thể hoạt động nếu như những doanh nhân cấp cao không thể di chuyển tự do trong khu vực. 

chọn
Điều gì đang diễn ra trên thị trường BĐS công nghiệp?
Viện Kinh tế Xây dựng đánh giá Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn nhà đầu tư BĐS công nghiệp ngoại, giá thuê đất bình quân và giá thuê nhà xưởng, kho bãi trong quý I đã tăng 2-3% so với cùng kỳ năm trước. Dự báo quý II, nhu cầu thuê và tỷ lệ lấp đầy tại các KCN có thể tăng nhẹ.