Trung tâm Phân tích thuộc Công ty CP Chứng khoán SSI (SSI Research) vừa công bố Báo cáo Đánh giá tác động của dịch virus corona tới các nhóm ngành hàng tại Việt Nam. Ở tầm nhìn vĩ mô, SSI nhận định: "Bất kì sự gián đoạn nào đến từ các nhà cung ứng quan trọng như Trung Quốc có thể sẽ là thách thức đối với tăng trưởng kinh tế của Việt Nam".
Thực tế, quan hệ thương mại giữa hai nước vừa bị gián đoạn một phần nhất định, do Việt Nam đã hạn chế một số cửa khẩu đến Trung Quốc như Lào Cai, Lạng Sơn… từ nay cho đến ngày 8/2. Hơn nữa, Việt Nam đã thực hiện hạn chế cấp thị thực đối đối với những khách đến từ các khu vực tại Trung Quốc chịu ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch bệnh do chủng mới của virus corona gây ra.
GDP quý I có thể sẽ gặp nhiều thách thức. SSI điểm danh xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp và hoạt động du lịch, những mũi nhọn kinh tế, sẽ chịu ảnh hưởng bất lợi từ những sự kiện nêu trên, ít nhất là trong ngắn hạn.
Theo đó, SSI cho rằng Chính phủ có thể sẽ cần các yếu tố hỗ trợ để giúp tốc độ tăng trưởng hồi phục trong nửa cuối năm, nhằm đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP 6,8% so với năm trước cho cả năm 2020.
SSI Research đánh giá 10 ngành được đơn vị này cho rằng có ảnh hưởng tiêu cực là ngân hàng, dệt may, bán lẻ, thủy sản, bia, dầu khí, chứng khoán, cảng biển và vận chuyển, dịch vụ sân bay, hàng không. Trong khi đó, chỉ có 4 ngành được đánh giá tích cực là dược phẩm, công nghệ thông tin, điện và nước.
Khối Phân tích Công ty Cổ phần Chứng khoán VNDIRECT cũng công bố Báo cáo "Dịch viêm phổi nCov đem đến sự kiện Thiên nga đen cho thị trường chứng khoán ngay đầu năm 2020". Theo đó, các ngành nghề chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là du lịch, lưu trú, hàng không. Bởi nhu cầu du lịch, đi lại của người Trung Quốc lẫn cả khu vực châu Á bị hạn chế do virus corona.
Ngành bia liên tiếp gánh chịu tin buồn trong năm nay. SSI Research dự đoán nhu cầu tiêu dùng bia sẽ ảnh hưởng nặng, bởi người tiêu dùng tránh đến những nơi công cộng, giảm tụ tập và chi tiêu bên ngoài.
Trước đó, ngành bia cũng chịu tác động từ Nghị định 100, liên quan đến việc hạn chế tác hại của bia rượu, có hiệu lực từ ngày 1/1/2020. Trang Bloomberg nhận định, Nghị định này sẽ thổi bay 25% doanh số ngành bia trong thời gian tới.
"Những ngày này, tất cả điểm kinh doanh rượu bia đều vắng khách. Chúng tôi chưa có thống kê chính xác về sự sụt giảm doanh số bán bia rượu, nhưng chắc chắn là đã giảm rất nhiều", Bloomberg dẫn lời ông Lương Xuân Dũng thuộc Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam, chia sẻ.
Trước đó, SSI đưa ra thống kê sản lượng tiêu thụ bia trong nước năm 2019 đạt 4,6 tỉ lít, tăng trưởng 10% so với năm trước đó. Tuy nhiên, SSI cũng dự báo kết quả này có thể sẽ chỉ là nhất thời, bởi ảnh hưởng của Nghị định 100.
Theo SSI, rất có thể tăng trưởng của ngành bia trong năm 2020 sẽ không đạt được mức hai con số, nhiều khả năng chỉ dừng khoảng 7%.
Trong nhóm cổ phiếu ngành bia, SSI có động thái thay đổi cổ phiếu của Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (SAB) từ khả quan thành kém khả quan. Cùng với dịch bệnh do virus corona, chuyên gia của SSI nhận định với vai trò là một "ông lớn" trong ngành, Sabeco sẽ không thể tránh khỏi tác động của Luật Phòng chống tác hại rượu bia.
Dự đoán là thế nhưng khi kết thúc năm 2019, lợi nhuận trước thuế của Sabeco lên đến 6.686 tỉ đồng, tăng đến 24% so với năm 2018. Nếu tính trung bình, mỗi ngày bán bia, Sabeco lãi hơn 18 tỉ đồng. Sau khi trừ thuế thu nhập doanh nghiệp, lãi ròng của Sabeco trong năm 2019 là 5.370 tỉ đồng. Đây cũng là mức lợi nhuận cao nhất của Sabeco từ trước đến nay.
Báo cáo của SSI Research cũng đưa ra dự báo bi quan với ngành bán lẻ. Do tác động của dịch viêm phổi cấp vì virus corona, lượt khách mua sắm tại các cửa hàng sẽ giảm. Bởi người tiêu dùng hạn chế đến những nơi công cộng để tránh khả năng lây nhiễm. Thay vì đổ tiền cho các mặt hàng điện thoại, máy tính và các thiết bị điển tử, tiêu dùng, họ sẽ chuyển hướng sang các sản phẩm bảo vệ sức khỏe cần thiết như dược phẩm.
Cục Thống kê TP HCM vừa nhận định, hoạt động mua sắm dịp Tết năm nay rất nhộn nhịp, đặc biệt tại các siêu thị và trung tâm thương mại. Trong hai tháng trước Tết, thành phố cung ứng hơn 19.000 tỉ đồng các mặt hàng thiết yếu, trong đó khoảng 7.200 tỉ đồng là sản phẩm bình ổn giá. Lượng hàng chuẩn bị cũng tăng hơn 17% so với năm trước.
Đáng chú ý, tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ trên địa bàn giai đoạn này đạt 112.770 tỉ đồng, tương đương khoảng 5 tỉ USD và tăng hơn 11% so với cùng kì.
Thế nhưng, từ khi kì nghỉ Tết kết thúc, lượng khách đến trung tâm mua sắm, siêu thị giảm mạnh. Nhân viên bán hàng tại một siêu thị lớn trên đường Trần Duy Hưng (Hà Nội), cho biết lượng khách hàng đến siêu thị giảm khoảng 50-60% so với ngày thường.
"Khách đến mua sắm trong những ngày này chủ yếu để mua khẩu trang y tế, nước rửa tay... để phòng dịch và các thực phẩm thiết yếu, sau đó nhanh chóng rời đi ngay. Không ai muốn tụ tập đông người vào lúc này", nhân viên này cho hay.
Dù người tiêu dùng hạn chế đến cửa hàng nhưng SSI vẫn dự đoán ngành bán lẻ vẫn có thể trông chờ vào điểm tựa mới. Sợ corona, thói quen tiêu dùng có thể sẽ chuyển từ mua sắm trong chợ truyền thống, sang hình thức thương mại hiện đại (siêu thị, cửa hàng tiện lợi) và nhất là mua sắm trực tuyến để đảm bảo an toàn vệ sinh.
SSI Research dự đoán thương mại điện tử và nhu cầu chuyển phát nhanh dự kiến sẽ tăng mạnh khi mọi người hạn chế ra ngoài trong thời gian sắp tới.
Với ngành hàng không và dịch vụ sân bay, SSI chỉ rõ những ảnh hưởng tiêu cực do dịch bệnh corona gây ra. Theo số liệu từ Tổng cục Du lịch, Trung Quốc là thị trường lớn nhất của du lịch Việt Nam. Trong năm 2019, có hơn 5,8 triệu lượt khách đến từ nước này, chiếm hơn 32,2%.
Trong bối cảnh lệnh cấm nhập cảnh và cấp thị thực cho khách Trung Quốc, SSI nhận định con số này sẽ giảm mạnh trong ngắn hạn. Các công ty du lịch lớn tại TP HCM cho biết đã hủy tất cả đoàn khách Trung Quốc đến TP HCM trong tháng 2 này, như Vietravel hủy vài chục đoàn, với con số lên đến hơn 1.000 khách, Công ty du lịch Liên Bang hủy tour của 10 đoàn Trung Quốc với 300 du khách…
"Trước mắt, ước tính doanh thu của công ty giảm do dịch viêm phổi cấp có thể ở mức khoảng 60 tỉ đồng", ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Công ty Vietnam TravelMart nói với báo chí. Là một trong những công ty lớn về thị trường Trung Quốc và Đài Loan, thế nhưng trước mắt, công ty đã hủy toàn bộ các đoàn khách đi Trung Quốc trong hai tuần tới và cũng đã dừng đón khách Trung Quốc đến Việt Nam ở tất cả các cửa khẩu.
Chính vì nhu cầu đi du lịch có thể giảm, đặc biệt là hoạt động du lịch liên quan đến Trung Quốc, SSI kết luận điều này ảnh hưởng tiêu cực đến ngành hàng không. Ngoài ra, các hoạt động vận chuyển hàng hóa liên quan đến Trung Quốc cũng sẽ giảm, do nhu cầu từ tiêu dùng của Trung Quốc thấp hơn và sản xuất bị hạn chế.
Đại diện Vietnam Airlines cũng chia sẻ đây là tình huống bất khả kháng. Vietnam Airlines sẽ phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng để theo dõi tình hình và đưa ra các phương án phục vụ hành khách phù hợp nhất.
Tiêu dùng 11:18 | 15/06/2020
Tiêu dùng 16:54 | 14/06/2020
Tiêu dùng 09:30 | 14/06/2020
Kinh doanh 06:37 | 14/06/2020
Kinh doanh 15:51 | 13/06/2020
Kinh doanh 06:35 | 13/06/2020
Kinh doanh 16:27 | 11/06/2020
Tiêu dùng 17:00 | 10/06/2020