Vụ li hôn của vợ chồng 'vua' cà phê Trung Nguyên: Tòa tuyên bà Thảo giao cổ phần, nhận 'tiền thối' đúng không?

Việc tòa lấy lí do đảm bảo lợi ích bên đang hoạt động sản xuất kinh doanh, cần tiếp tục được sản xuất kinh doanh, để giao toàn bộ cổ phần chung của hai vợ chồng tại Trung Nguyên cho ông Vũ sở hữu, bà Thảo nhận lại tiền "thối" tương ứng, được cho là không đúng Luật doanh nghiệp.

Trong vụ li hôn ồn ào của ông Đặng Lê Nguyên Vũ, Chủ tịch Tập đoàn cà phê Trung Nguyên, và vợ ông, bà Lê Hoàng Diệp Thảo, ngoài những tranh chấp số tài sản tiền vàng, đất đai tích lũy của 20 vợ chồng trong 20 năm hôn nhân, vấn đề dư luận quan tâm đặc biệt là việc phân chia cổ phần sở hữu tại Công ty cổ phần cà phê Trung Nguyên và các công ty trực thuộc tập đoàn này thế nào.

Tại phiên tòa ngày 27/3, bên cạnh chấp nhận li hôn, thực hiện các nghĩa vụ cấp dưỡng, Hội đồng xét xử tuyên ông Vũ hưởng 60% số tài sản chung, 40% còn lại thuộc về bà Thảo. Tỉ lệ 60/40 này được chia trên số cổ phần chung tại các doanh nghiệp. Riêng 13 bất động sản trị giá khoảng 750 tỉ đồng và tiền vàng tích lũy có giá trị 1.764 tỉ đồng được chia đôi.

Dư luận đang đặt dấu hỏi tòa căn cứ vào quy định pháp luật nào để xác định phần tài sản của ông Vũ là 60%, bà Thảo 40%. Và việc phân chia như vậy có đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp cho các bên hay không?

Ông Đặng Lê Nguyên Vũ, bà Lê Hoàng Diệp Thảo mang bao nhiêu tài sản ra chia ở tòa?

Theo con số được tòa công bố, tổng tài sản tranh chấp là cổ phần sở hữu chung tại các công ty thuộc Trung Nguyên, 13 bất động sản cùng tiền, vàng, ngoại tệ gửi tại ngân hàng. Tổng cộng số tài sản phải phân chia có giá trị khoảng 8.000 tỉ đồng.

Tại tòa, hai bên thống nhất 13 bất động sản có giá trị 750 tỉ đồng sẽ được chia đôi. Về số tiền, vàng có giá trị 1.764 tỉ đồng do bà Thảo đứng tên tài khoản gửi tại các ngân hàng, trước đó ông Vũ cũng yêu cầu chia theo tỉ lệ 70% cho ông và 30% cho bà Thảo. Tuy nhiên, bà Thảo không đồng ý và cho rằng số tài sản này phát sinh tại ngân hàng sau khi bà đã nộp đơn li hôn. Hiện số tiền này được các ngân hàng thông tin chỉ còn hơn 1,3 tỉ đồng.

Vụ li hôn của vợ chồng vua cà phê Trung Nguyên: Tòa tuyên bà Thảo giao cổ phần, nhận tiền thối đúng không? - Ảnh 1.

Bà Diệp Thảo khá căng thẳng trong phiên tòa ngày 27/3. Tại phiên xử này, tòa đã chấp thuận cho bà và ông Vũ chấm dứt cuộc hôn nhân sau 21 năm chồng vợ.

Tòa yêu cầu phải chứng minh đây là tài sản riêng, tuy nhiên, không ai đưa được bằng chứng. Do vậy, số tài sản này cũng được chia đôi theo quy định của Luật Hôn nhân gia đình.

Các công ty được yêu cầu phân chia cổ phần gồm 7 công ty.

Công ty Cổ phần Đầu tư Trung Nguyên, có giá trị thẩm định là 4.208 tỉ đồng. Tại đây, ông Vũ nắm 61% cổ phần, bà Thảo nắm 30%.

Công ty Cổ phần Tập đoàn Trung Nguyên có giá trị thẩm định là 5.431 tỉ đồng. Tại đây, ông Vũ nắm 20% cổ phần, bà Thảo nắm 10% cổ phần.

Công ty Cổ phần hòa tan Trung Nguyên, có giá trị thẩm định là 580,2 tỉ đồng. Tại đây ông Vũ và bà Thảo đang nắm 15% cổ phần

Công ty Cổ phần cà phê Trung Nguyên, có giá trị thẩm định là 859 tỉ đồng. 

Công ty cổ phần Trung Nguyên Franchise, có giá trị thẩm định là 16,3 tỉ đồng.

Công ty TNHH đầu tư du lịch Đặng Lê có giá trị thẩm định là 59,1 tỉ đồng.

Công ty TNHH Vũ Nguyên Đắk Nông, giá trị thẩm định là 6,8 tỉ đồng.

Ông Đặng Lê Nguyên Vũ đưa ra phương án phân chia cổ phần tại các công ty này theo tỉ lệ bà Thảo hưởng 30%, ông nhận 70%. Tuy nhiên, trong phiên tòa chiều 21/2, bà Thảo không đồng ý. Phương án bà Thảo yêu cầu là "cưa đôi" tại 2 công ty.

Riêng tại Công ty Cổ phần Đầu tư Trung Nguyên, nơi hai người năm tổng cộng 90% cổ phần, bà sẽ hưởng 51% cổ phần, tương đương 2.114 tỷ đồng.

Ông Vũ sẽ chỉ nhận 39%. Lí do của yêu cầu này, phía bà Thảo cho rằng cộng cả cổ phần đang nắm giữ của những người thân trong gia đình ông Vũ, thì hai bên có "quyền chi phối" ngang nhau.

Tại Công ty CP Tập đoàn Trung Nguyên, nơi ông Vũ và bà Thảo nắm 30% cổ phần, bà Thảo đề nghị "cưa đôi", mỗi người 15%, tương đương bà nhận khoảng 814 tỷ đồng.

Tại Công ty CP Hòa tan Trung Nguyên - G7, nơi hai người đang nắm 15% cổ phần, phương án bà Thảo đưa ra là mỗi người nhận khoảng 43 tỉ đồng, tức 7,5%/người.

Các công ty còn lại bà Thảo không yêu cầu phân chia.

Vụ li hôn của vợ chồng vua cà phê Trung Nguyên: Tòa tuyên bà Thảo giao cổ phần, nhận tiền thối đúng không? - Ảnh 2.

Từ 2015 đến nay, bà Lê Hoàng Diệp Thảo và Tập đoàn Trung Nguyên, ông Đặng Lê Nguyên Vũ đã và đang phát sinh 18 vụ kiện tụng tại toà án các cấp.

Tổng cộng, chỉ riêng số cổ phần sở hữu tại các công ty thuộc Trung Nguyên theo phương án bà Thảo đưa ra, bà sẽ được nhận khoảng 2.971 tỉ đồng.

Tòa đã chia tài sản chung của vợ chồng khi li hôn như thế nào?

Theo Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014, tài sản được tạo lập trong thời kì hôn nhân là tài sản chung của vợ, chồng. Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kì hôn nhân; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.

Trong hôn nhân, vợ, chồng bình đẳng với nhau về quyền, nghĩa vụ trong việc tạo lập, chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung; không phân biệt giữa lao động trong gia đình và lao động có thu nhập.

Điều 59 Luật này quy định về nguyên tắc giải quyết tài sản của vợ chồng khi li hôn: Trong trường hợp tài sản của vợ chồng theo luật định thì việc giải quyết phân chia do các bên thỏa thuận. Nếu không thỏa thuận được thì theo yêu cầu của vợ, chồng hoặc của hai vợ chồng, tòa án giải quyết theo quy định của Luật này.

"Về nguyên tắc, tài sản chung của vợ chồng được chia đôi nhưng có tính đến một số yếu tố, trong đó có 'công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung'. Để bảo vệ người ở nhà lo cho gia đình, chăm sóc con cái, Luật quy định: Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập", Luật sư Nguyễn Văn, đoàn luật sư TP HCM phân tích.

Thông tư liên tịch số 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP ngày 6/1/2016 của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ Tư pháp về áp dụng một số quy định Luật Hôn nhân và Gia đình hướng dẫn: Về "Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung" như sau: đó là sự đóng góp về tài sản riêng, thu nhập, công việc gia đình và lao động của vợ, chồng trong việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. 

Người vợ hoặc chồng ở nhà chăm sóc con, gia đình mà không đi làm được tính là lao động có thu nhập tương đương với thu nhập của chồng hoặc vợ đi làm. Bên có công sức đóng góp nhiều hơn sẽ được chia nhiều hơn.

Vụ li hôn của vợ chồng vua cà phê Trung Nguyên: Tòa tuyên bà Thảo giao cổ phần, nhận tiền thối đúng không? - Ảnh 3.

Ngay khi phiên tòa kết thúc, dư luận lại bùng lên ý kiến trái chiều về việc tòa áp dụng cách xác định nào để chia tỉ lệ 60/40.

Như vậy, trong tranh chấp tài sản của vợ chồng ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo, HĐXX đã dựa vào luật Hôn nhân gia đình 2014, và lập luận: "Ông Vũ là người có công sức đóng góp lớn hơn trong việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung, nên cần chia cho ông Vũ nhiều hơn. Nhưng xét bà Thảo ngoài việc nuôi con còn có công sức trong phát triển khối tài sản chung, vì vậy phải chia theo tỷ lệ ông Vũ 60%, bà Thảo 40%".

Ông Đức phân tích: "Nguyên tắc chung trong việc chia tài sản của vợ chồng là mỗi bên được hưởng một nửa (50-50). Riêng phần xác định tỉ lệ về công sức đóng góp của mỗi bên là bao nhiêu % thì hiện nay pháp luật không quy định cụ thể. Vì thế, việc đánh giá và xác định tỉ lệ công sức đóng góp của mỗi bên là bao nhiêu, xoay quanh trục 50-50 tùy thuộc vào mỗi hội đồng xét xử".

Và do việc xác định tỉ lệ mang tính định tính nên cùng một vụ án nhưng có khi cấp sơ thẩm nhận định và đưa ra tỉ lệ khác với cấp phúc thẩm, phụ thuộc rất lớn vào nhận thức chủ quan của người cầm cân nảy mực.

 Buộc bà Thảo giao cổ phần, nhận "tiền thối" có đúng?

Căn cứ để tuyên giao toàn bộ cổ phần tại các công ty thuộc Trung Nguyên cho ông Vũ, theo lập luận của HĐXX, việc chia tài sản trong hôn nhân phải đảm bảo lợi ích bên đang hoạt động sản xuất kinh doanh cần tiếp tục được sản xuất kinh doanh. 

Hơn nữa, từ nhiều năm nay, ông Vũ và bà Thảo phát sinh nhiều tranh chấp tại Tập đoàn Trung Nguyên, gây ảnh hưởng đến hoạt động, sản xuất kinh doanh, nên HĐXX đã chấp nhận nguyện vọng của ông Vũ, giao toàn bộ cổ phần chung của hai người tại tập đoàn cho ông Vũ sở hữu. Đổi lại, ông Vũ sẽ thanh toán giá trị chênh lệch cho bà Thảo bằng tiền, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển.

Vụ li hôn của vợ chồng vua cà phê Trung Nguyên: Tòa tuyên bà Thảo giao cổ phần, nhận tiền thối đúng không? - Ảnh 4.

20 năm phát triển, Trung Nguyên đã là một hệ sinh thái doanh nghiệp với đưa sản phẩm xuất bán tại 60 quốc gia trên thế giới.

Số tiền Ông Vũ phải "thối" cho bà Thảo, theo tính toán của HĐXX là  khoảng 1.223 tỉ đồng.

Phán quyết buộc bà Thảo giao toàn bộ cổ phần cho ông Vũ và nhận lại bằng tiền đang tạo nên nhiều ý kiến trái chiều. Nhiều người cho rằng HĐXX đã vượt quá thẩm quyền xét xử, can thiệp quá sâu vào quyền hợp pháp của cổ đông theo Luật Doanh nghiệp 2014.

Phân tích vấn đề này, luật sư Nguyễn Văn Đức cho rằng phải dựa vào quy định pháp luật có liên quan.

Theo Điều 59 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014, quy định về nguyên tắc, tài sản chung của vợ chồng được chia đôi nhưng có tính đến một số yếu tố, trong đó có việc "Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập".

Điều 64 Luật Hôn nhân và gia đình quy định: Vợ, chồng đang thực hiện hoạt động kinh doanh liên quan đến tài sản chung, có quyền được nhận tài sản đó và phải thanh toán cho bên kia phần giá trị tài sản mà họ được hưởng, trừ trường hợp pháp luật về kinh doanh có quy định khác.

Theo Thông tư liên tịch số 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP ngày 6/1/2016 của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ Tư pháp, về áp dụng một số quy định Luật Hôn nhân và Gia đình, hướng dẫn: "Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp, để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập". 

Tức là việc chia tài sản chung của vợ chồng phải bảo đảm cho vợ, chồng đang hoạt động nghề nghiệp được tiếp tục hành nghề; cho vợ, chồng đang hoạt động sản xuất, kinh doanh được tiếp tục được sản xuất, kinh doanh để tạo thu nhập và phải thanh toán cho bên kia phần giá trị tài sản chênh lệch.

Vụ li hôn của vợ chồng vua cà phê Trung Nguyên: Tòa tuyên bà Thảo giao cổ phần, nhận tiền thối đúng không? - Ảnh 5.

Cấp sơ thẩm tuyên bà Thảo giao toàn bộ cổ phần sở hữu chung tại Trung Nguyên cho ông Vũ quản lí. Đổi lại, bà Thảo sẽ nhận tiền mặt. Điều này gây nên tranh cãi tòa sai Luật Doanh nghiệp.

Việc bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và hoạt động nghề nghiệp không được ảnh hưởng đến điều kiện sống tối thiểu của vợ, chồng và con chưa thành niên, con đã thành niên nhưng mất năng lực hành vi dân sự.

Vấn đề ở đây là chia cổ phần chứ không phải tài sản để các bên dễ định đoạt. Việc chia cổ phần là tài sản chung của vợ chồng không chỉ bị điều chỉnh bởi Luật Hôn nhân và Gia đình, mà còn liên quan đến các ngành luật khác, trong đó có Luật Doanh nghiệp.

Theo quy định Luật Doanh nghiệp, cổ đông của công ty cổ phần có rất nhiều quyền và nghĩa vụ liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp, chứ không đơn giản là tiền. Trường hợp bà Thảo, bà không chỉ nắm giữ cổ phần trong Công ty CP tập đoàn Trung Nguyên, mà còn có cổ phần tại các công ty con của Trung Nguyên. Do vậy, với việc sở hữu cổ phần của mình, bà Thảo có quyền thực hiện các quyền của cổ đông đối với tập đoàn Trung Nguyên và các công ty con, thậm chí có quyền phủ quyết giao dịch trong một số trường hợp nhất định.

 Việc chuyển nhượng cổ phần trong công ty cổ phần hoặc công ty TNHH cho ai là quyền của bà Thảo, tòa không thể can thiệp.

Luật Doanh nghiệp quy định về trình tự, thủ tục chào bán, chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp (đối với công ty TNHH) và thuộc quyền tự quyết của chủ sở hữu cổ phần, thành viên góp vốn. Hơn nữa, trị giá cổ phần không cố định màtùy vào tình hình sản xuất kinh doanh, chiến lược phát triển của doanh nghiệp. Do đó, giá trị cổ phần của một công ty không phải chỉ là giá trị sổ sách mà còn bị tác động bởi thị trường.

Theo ông Đức, nguyên tắc áp dụng pháp luật là khi một lĩnh vực có luật chuyên ngành điều chỉnh thì áp dụng luật chuyên ngành. Ở đây, việc giao dịch cổ phần thuộc điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp, nên phải áp dụng luật này. Khi xét xử li hôn, tòa chỉ có thể chia tài sản của các bên, xác định số cổ phần các bên sở hữu. Sau khi chia, các bên có thỏa thuận chuyển nhượng với nhau hay không là quyền tự định đoạt của các đương sự.

Ông Vũ được chia hơn 10% là bà Thảo thiệt 500 tỉ đồng

Dư luận cũng tranh cãi về việc tòa áp dụng cách xác định nào để chia tỉ lệ 60/40.

Theo lập luận của phía ông Vũ, khởi nghiệp của cà phê Trung Nguyên là từ gia đình ông khi bán 2 căn nhà và vay mượn bạn bè để làm vốn kinh doanh ban đầu. Phía bà Thảo cho rằng tiền thân của Tập đoàn cà phê Trung Nguyên là khởi nguồn từ việc thành lập cơ sở kinh doanh cà phê Trung Nguyên sau khi hai người kết hôn.

Tòa chấp nhận chứng cứ do phía ông Vũ xuất trình, đánh giá tập đoàn Trung Nguyên phát triển như hôm nay có phần lớn công sức đóng góp của ông Vũ, nên tuyên ông được hưởng 60% trong khối tài sản chung, bà Thảo cũng có công sức đóng góp nhưng ít hơn nên được nhận 40%.

Với tỉ lệ 60-40, quy thành tiền, số tiền ông Vũ được thêm 10% trong "cuộc phân chia" này là hơn 500 tỉ đồng.


chọn
Điều gì đang diễn ra trên thị trường BĐS công nghiệp?
Viện Kinh tế Xây dựng đánh giá Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn nhà đầu tư BĐS công nghiệp ngoại, giá thuê đất bình quân và giá thuê nhà xưởng, kho bãi trong quý I đã tăng 2-3% so với cùng kỳ năm trước. Dự báo quý II, nhu cầu thuê và tỷ lệ lấp đầy tại các KCN có thể tăng nhẹ.