1,4 tỉ dân Trung Quốc đang sống ra sao giữa thời đại dịch virus corona?

Trung Quốc nói rằng họ có đủ dự trữ gạo và lúa mì để nuôi sống cả 1,4 tỉ dân trong một năm.

Thức ăn quan trọng hơn cả khẩu trang

Nằm trong số các phương tiện giao thông cố gắng đi vào Bắc Kinh trong tuần trước, trên cung đường cao tốc phía Nam thành phố là hàng chục chiếc xe tải chở thực phẩm cho thủ đô. Chúng bị mắc kẹt trên đường, do phải dừng lại để kiểm tra phòng dịch virus corona. 

Các siêu thị tại Thủ đô Bắc Kinh liên tục rơi vào tình trạng cháy hàng, bởi đám đông người dân hoảng loạn đổ xô đi mua thực phẩm dự trữ trong những ngày cao điểm của dịch bệnh. Vài ngày trước đó, Chính phủ đã quyết định đóng cửa tỉnh Hồ Bắc, tâm chấn của vùng dịch, đồng thời cũng là một đầu mối giao thông huyết mạch của Trung Quốc. 

Nhiệm vụ đảm bảo cung cấp đủ lương thực, thực phẩm cho 1,4 tỉ dân quả là một thách thức không nhỏ đối với chính quyền Trung Quốc, trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát và các hoạt động giao thương bị ngừng trệ. 

1,4 tỉ dân Trung Quốc đang sống ra sao giữa thời đại dịch virus corona? - Ảnh 1.

Đối với người dân Trung Quốc, thực phẩm bây giờ còn quan trọng hơn cả khẩu trang. (Ảnh: Bloomberg).

Trong những ngày người dân hoảng loạn ùn ùn kéo nhay đi mua hàng, Bắc Kinh đã phải dựng tạm một đại lộ đặc biệt có tên là Pass Green Passages, để phân phối các mặt hàng thực phẩm và y tế thiết yếu, với giá bình ổn. 

Ma Wenfeng, nhà phân tích cấp cao tại Beijing Orient Agri-business Consultant, cho biết: “Bất kì sự tăng giá đột biến của mặt hàng thực phẩm nào vào lúc này đều có thể dẫn tới những bất ổn xã hội. Đó là lí do tại sao Chính phủ phải ưu tiên đảm bảo lương thực cho người dân”. 

“Thức ăn giờ đây thậm chí còn quan trọng hơn cả khẩu trang”, người này nói. 

Các biện pháp này đã nhanh chóng phát huy tác dụng ở Bắc Kinh. Trong chuyến đi tới một siêu thị ở Bắc Kinh, phóng viên Bloomberng thấy rằng các kệ rau củ và trái cây tươi vẫn đầy ăm ắp. 

Liu Ying, một bà nội trợ 50 tuổi đang đi mua sắm tại một siêu thị ở phía Nam TP Bắc Kinh, cho hay: “Chúng tôi không còn lo lắng nữa”.

“Thông qua đại lộ Pass Green Passages, giá cả đã được bình ổn ở một số khu vực”, Lian Weiliang - Phó Chủ tịch Uỷ ban Cải cách và Phát triển Trung Quốc nói. 

Giá cả tăng vọt

Theo Bộ Thương mại Trung Quốc, trước kì nghỉ Tết Nguyên đán năm nay, giá rau xanh trung bình vẫn cao hơn 11% so với năm ngoái, trong khi giá thịt heo tăng 4,1%. 

Lian Weiliang cho biết một lượng lớn thịt heo từ kho dự trữ quốc gia được vận chuyển đến Vũ Hán trong tuần này. Chính phủ cũng cho biết sẽ mở kho thêm 10.000 tấn thịt heo để cung cấp cho thị trường ngay trong ngày hôm qua. 

“Đợt dịch bệnh bùng phát vào khoảng thời gian diễn ra Tết Nguyên đán, nhiều gia đình đã dự trữ thực phẩm cho những ngày lễ. Bởi vậy, sự hoảng loạn khi mua hàng tại các siêu thị chỉ mang tính cục bộ, tâm lí”, nhà phân tích Ma Wenfeng cho biết.

Ngoài ra, Trung Quốc cũng còn một kho dự trữ quốc gia khổng lồ, để trữ các loại ngũ cốc cơ bản như lúa gạo và lúa mì. 

1,4 tỉ dân Trung Quốc đang sống ra sao giữa thời đại dịch virus corona? - Ảnh 2.

Theo Bộ Thương mại Trung Quốc, trước kì nghỉ Tết Nguyên đán năm nay, giá rau xanh trung bình vẫn cao hơn 11% so với năm ngoái, trong khi giá thịt heo tăng 4,1%. (Ảnh: Bloomberg).

Cơ quan quản lí thực phẩm và dự trữ chiến lược quốc gia của Trung Quốc yêu cầu chính quyền các địa phương đảm bảo nguồn cung cấp ngũ cốc và dầu ăn cho người dân, tránh tình trạng thiếu hụt, tăng giá gây hoảng loạn trong dư luận. 

Cơ quan quản lí cũng cho biết họ sẽ mở kho dự trữ, cấp phát lương thực cho người dân nếu thấy cần thiết. Trung Quốc khẳng định họ có đủ gạo và lúa mì để cung cấp cho người dân chống dịch trong cả một năm. 

Tuy nhiên, mọi thứ vẫn chưa phải là hoàn hảo, khi một số thực phẩm, đặc biệt la đậu nành và dầu ăn Trung Quốc vẫn phải phụ thuộc phần lớn từ nhập khẩu. Trước đó, Trung Quốc cũng đã tăng cường nhập khẩu hàng tấn thịt heo, món ăn khoái khẩu của người dân Trung Quốc, khi dịch tả heo châu Phi đã buộc nước này phải tiêu huỷ hàng triệu con heo. 

Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết nước này sẽ tăng cường nhập khẩu thịt và các sản phẩm khác, để đáp ứng bất kì sự thâm hụt nào. Cùng với đó, các công ty thực phẩm nhà nước, bao gồm Cofco và Sinograin, cũng đã được yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh sản xuất để tăng nguồn cung. 

Trung Quốc cũng đã đồng ý mua từ 40-50 tỉ hàng nông sản của Hoa Kỳ trong hai năm tới, chủ yếu là đậu nành và thịt, như một phần trong thoả thuận thương mại giai đoạn 1 đã kí kết vào tháng 12/2019.

Không còn ai dám ra ngoài ăn uống, vui chơi

Cách siêu thị khoảng 5km là một con phố ẩm thực với những quán ăn nhỏ. Tại một tiệm mì, ánh đèn đã tắt và một thông báo dán trên cửa nói rằng nhà hàng đã tạm dừng kinh doanh. Ji Jingping, chủ sở hữu tiệm mì cho biết cô ấy đang chờ Chính phủ cho phép mở cửa kinh doanh trở lại.

“Tuy nhiên, có thể điều đó cũng chẳng khác biệt là mấy so với tình cảnh hiện tại”, Ji Jingping nói.

“Ngay cả khi mở của thì vẫn không có một ai còn dám đi ăn ở bên ngoài. Có rất nhiều nhà hàng như chúng tôi. Dọc con phố này, tất cả đều phải đóng cửa, ngừng kinh doanh”, Ji cho biết. 

Cô nói rằng sẽ vẫn trả lương cho 20 người làm và 50.000 Nhân dân tệ tiền thuê mặt bằng hàng tháng. 

“Tình cảnh sẽ còn khó khăn hơn đối với những nhà hàng lớn có nhiều nhân công và giá thuê đắt đỏ”, Ji nói. 

1,4 tỉ dân Trung Quốc đang sống ra sao giữa thời đại dịch virus corona? - Ảnh 3.

Không một ai còn dám đi ăn ở ngoài. (Ảnh: Bloomberg).

Kì nghỉ Tết Nguyên đán đã kết thúc nhưng đường phố ở Bắc Kinh vẫn vắng vẻ. Các nhà hàng, công viên, rạp chiếu phim đều đóng cửa. Người dân giờ đây đến các tụ điểm công cộng như siêu thị, bến tàu đều phải qua bước kiểm tra thân nhiệt. 

Để ngăn chặn sự lây lan của virus, hầu hết các địa phương của Trung Quốc đều cấm tổ chức lễ hội, tiệc tùng và ăn uống tại các nhà hàng. Hơn 10 địa phương đã kéo dài kì nghỉ Tết Nguyên đán thêm 1 tuần, như một phần nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. 

Li Qiang, nhà phân tích của Shanghai JC Intelligence, cho biết nhà hàng là một trong những doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong đợt dịch lần này. 

Theo báo cáo của  Ren Zeping, nhà kinh tế trưởng tại của China Evergrande Group có trụ sở tại Thâm Quyến, các nhà hàng và doanh nghiệp bán lẻ có thể sẽ phải chịu thiệt hại khoảng 71,7 tỉ USD chỉ trong 7 ngày vừa qua. Chiếm khoảng 10% tổng doanh thu của lĩnh vực này trong năm ngoái. 

Ren dự báo, tăng trưởng kinh tế của cả Trung Quốc sẽ chậm lại 5% trong năm nay do nhu cầu và sản xuất giảm, tác động đến đầu tư. Tỉ lệ thất nghiệp trong ngắn hạn cũng cao hơn và giá cả tăng cao.