UBND TP Hà Nội đã điều chỉnh bảng giá đất hiện hành và gia hạn thời gian áp dụng đến hết năm 2025.
Theo đó, 10 tuyến đường đắt nhất đều tập trung ở khu vực phố cổ, quận Hoàn Kiếm với giá cao nhất hơn 695 triệu/m2. Tây Hồ Tây là khu đô thị có giá đất đắt nhất Thủ đô, tuyến đường cao nhất ở dự án này đạt hơn 113 triệu/m2, cao gấp 3,3 lần so với bảng giá cũ.
Ngoài Hà Nội, vừa qua nhiều địa phương khác cũng đề xuất/ban hành bảng giá đất mới. Tại Bình Dương, theo bảng giá đất điều chỉnh áp dụng cho năm 2025, mức cao nhất với đất ở là hơn 52 triệu/m2 tại TP Thủ Dầu Một.
Tại Bắc Giang, bảng giá đất mới áp dụng từ ngày 10/12/2024 đến 31/12/2025 có giá đất ở cao nhất là 120 triệu đồng/m2.
Theo đề xuất điều chỉnh bảng giá đất tỉnh Quảng Trị, tất cả các vị trí, loại đất ở trên địa bàn tăng bình quân 1,5 lần so với mức giá hiện hành. Dự kiến chính sách mới có hiệu lực từ 1/1/2025.
Thị trường đất đấu giá Hà Nội đón nhận nhiều thông tin nóng trong tháng 12. Tại huyện Sóc Sơn, liên quan đến phiên chợ đất có trường hợp trả 30 tỷ/m2 rồi sau đó không tiếp tục trả giá vào ngày 3/12, có 5 người bị Công an Hà Nội tạm giữ, điều tra về hành vi Vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản.
Tại quận Hà Đông, hết hạn nộp tiền đợt 1, có 22/27 thửa đất trúng đấu giá tại phiên chợ đất ngày 19/10 chưa được khách hàng nộp tiền. Trước đó, phiên đấu giá này từng thu hút nhiều sự chú ý khi kéo dài đến nửa đêm, các thửa đất có giá trúng dao động 133 - 262 triệu/m2.
UBND TP Hà Nội đã yêu cầu các địa phương đánh giá kỹ lưỡng hiệu quả của việc giao đất, cho thuê đất thông qua đấu giá, đặc biệt tránh tổ chức đấu giá tại khu vực có giá khởi điểm thấp.
Trong công điện mới ban hành, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các bộ, địa phương chấn chỉnh đấu giá đất sau một số phiên gần đây lại có dấu hiệu thổi giá, gây nhiễu thị trường.
Dịp cuối năm, nhiều dự án NOXH tại TP Hà Nội được khởi công. Ngày 17/12, Tổng Công ty 319 Bộ Quốc phòng khởi công Khu NOXH xã Uy Nỗ, huyện Đông Anh (quy mô 466 căn hộ là 466).
Ngày 5/12, liên danh UDIC - Haweicco - DAC Hà Nội khởi công NOXH tại ô đất NO1 Hạ Đình, Khu đô thị Hạ Đình, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì (440 căn hộ). Ngày 25/12, liên danh Handico - Viglacera thông tin sẽ khởi công công trình CT3 thuộc Khu NOXH tại ô đất CT3, CT4 - Khu đô thị mới Kim Chung, huyện Đông Anh vào đầu năm 2025 (với 1.104 căn hộ).
Ngoài ra, Sở Xây dựng Hà Nội đã cho phép thêm hai dự án chung cư được bán cho người nước ngoài. Gồm Lumi Hà Nội ở phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm (1.181 căn) và khu phức hợp CapitaLand - Hiền Đức Tây Hồ (51 căn).
Đến nay, Bột giặt LIX đã thực hiện xong công tác di dời cơ sở sản xuất ở số 223 Nguyễn Trãi đến KCN Quế Võ II, tỉnh Bắc Ninh. Xà phòng Hà Nội đã dời nhà máy trên khu đất 233B Nguyễn Trãi đến Khu công nghiệp Thạch Thất - Quốc Oai, Hà Nội. Với khu đất của Thuốc lá Thăng Long, công ty này đã hoàn thành công tác chuyển sản xuất tới KCN Thạch Thất - Quốc Oai.
Mới đây, Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai đã có văn bản thông báo xác nhận 521 căn nhà ở thấp tầng tại khu II, Khu đô thị Aqua Waterfront City thuộc đô thị Aqua City (xã Long Hưng, TP Biên Hòa) đủ điều kiện đưa vào kinh doanh. Aqua City có tổng quy mô 1.000 ha và do Tập đoàn Novaland làm chủ đầu tư.
Tháng vừa qua, nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc đã đến Việt Nam để tìm kiếm cơ hội đầu tư.
Tại buổi làm việc với lãnh đạo TP Hải Phòng, Tổng Thư ký Hiệp hội Công nghiệp Hệ thống Quản lý Năng lượng Hàn Quốc đề xuất tìm hiểu khả năng hợp tác xây dựng thành phố thông minh ở địa phương này.
Đại diện Tổng Công ty Nhà đất Hàn Quốc muốn được hợp tác đầu tư tại Bình Định về phát triển các khu đô thị kết hợp du lịch, khu công nghiệp có quy mô sử dụng đất khoảng 500 ha. Lãnh đạo tỉnh đã gợi ý 2 vị trí để doanh nghiệp này khảo sát.
Tại Ninh Thuận, UBND tỉnh mới có buổi làm việc với Tập đoàn Ramid (Hàn Quốc) về việc tìm hiểu cơ hội đầu tư dự án du lịch nghỉ dưỡng và sân golf. Chủ tịch tập đoàn cam kết có đủ năng lực về tài chính và mong muốn tỉnh tạo điều kiện thuận lợi hơn trong việc tìm kiếm cơ hội đầu tư dự án này.
Khu vui chơi giải trí, công viên và công trình nghỉ dưỡng đảo Cái Tráp do VinFast làm chủ đầu tư dự kiến thực hiện trong 2 năm, từ quý I/2025 đến quý IV/2026. Dự án này có tổng mức đầu tư 3.500 tỷ, tổng diện tích 316 ha, nằm trên địa bàn huyện Cát Hải, TP Hải Phòng.
Dự kiến từ tháng 4/2025 đến năm 2030, CTCP Đô thị Du lịch Cần Giờ (công ty con của Tập đoàn Vingroup) sẽ triển khai đầu tư Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ. Tổng mức đầu tư phần lấn biển (thi công kè, san nền), hạ tầng kỹ thuật, công trình kiến trúc của dự án là 282.832,5 tỷ đồng.
Thị trường 07:00 | 08/12/2024
Thị trường 08:29 | 01/12/2024
Thị trường 07:00 | 24/11/2024
Thị trường 12:45 | 03/11/2024
Thị trường 10:00 | 27/10/2024
Thị trường 07:00 | 13/10/2024
Thị trường 08:03 | 29/09/2024
Thị trường 09:01 | 22/09/2024