Được biết “đạo diễn” của đoạn quảng cáo sữa mẹ thú vị này là một bà mẹ đến từ Quảng Ninh – chị Đỗ Ngọc Bích, và tất nhiên “diễn viên” không ai khác chính là con gái chị - bé Bông (27 tháng tuổi). Từ hồi con còn bé, mỗi lần chuẩn bị cho con bú thì chị Bích hay đọc bài quảng cáo này. Đến lúc con biết nói, muốn xin bú mẹ thì phải đọc bài này trước đã.
Chị Ngọc Bích (Quảng Ninh) nảy ra ý định đọc khẩu hiệu “quảng cáo sữa mẹ” mỗi lần chuẩn bị cho con bú để tiềm thức của con quen với sự thật hiển nhiên về sữa mẹ. |
Không ai bỏ tiền quảng cáo sữa mẹ, thì chính các mẹ sữa và em bé sữa sẽ làm điều đó
Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng hoàn hảo nhất cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Thế nhưng vì nhiều lý do mà tỉ lệ nuôi con sữa mẹ ở Việt Nam khá thấp. Chị Ngọc Bích cho biết do nhiều lần xem quảng cáo trên tivi của nhiều hãng sữa khác nhau, rằng sản phẩm của họ có “dinh dưỡng tối ưu, tăng chiều cao, tăng miễn dịch”, chị nghĩ: “nếu người lớn, trẻ con ngày nào cũng xem cái quảng cáo này, dần dần mọi người sẽ nghĩ sữa công thức là tốt nhất mà quên mất luôn giá trị của sữa mẹ”. Chính sữa mẹ mới có dinh dưỡng tối ưu nhất và tốt cho sự phát triển cũng như hệ miễn dịch của con nhất. Vì thế nên chị Ngọc Bích nảy ra ý định đọc khẩu hiệu “quảng cáo sữa mẹ” mỗi lần chuẩn bị cho con bú để tiềm thức của con quen với sự thật hiển nhiên về sữa mẹ.
Bà mẹ này chia sẻ thêm, khi em bé được 7 tháng tuổi thì chị bắt đầu với từ “sữa, sữa mẹ”. Sau đó là từ “sữa mẹ thơm ngon bổ dưỡng”. Khi em bé hơn 1 tuổi, nói sõi hơn thì chị nảy ra ý tưởng quay cả đoạn quảng cáo sữa mẹ này. Bé cũng học dần dần từng từ, đến 2 tuổi thì bé đã nhớ cả đoạn quảng cáo.
Từ hồi con còn bé, mỗi lần chuẩn bị cho con bú thì chị Bích hay đọc bài quảng cáo này. Đến lúc con biết nói, muốn xin bú mẹ thì phải đọc bài này trước đã. |
Không ai bỏ tiền quảng cáo sữa mẹ, thì chính các mẹ sữa và em bé sữa sẽ làm điều đó. |
Chị Ngọc Bích cho biết ý tưởng quay “quảng cáo sữa mẹ” xuất phát từ mong muốn ghi lại khoảnh khắc đáng yêu của con và góp phần lan tỏa lợi ích của nuôi con sữa mẹ. Chị nói: “Ở Việt Nam mình chưa thấy có TVC quảng cáo chuyên nghiệp nào dành cho sữa mẹ. Nhưng thực tế rất nhiều người nổi tiếng đã thực hành nuôi con sữa mẹ và lan tỏa điều này qua Facebook của họ. Sữa mẹ ở Việt Nam chưa được đặt đúng vị thế mà sữa mẹ đáng nhận được, nhưng nhận thức về nuôi con sữa mẹ trong những năm gần đây đã tốt hơn rất nhiều.
Nếu không ai bỏ tiền sản xuất quảng cáo sữa mẹ như các hãng sữa đã quảng cáo sữa công thức, thì chính các mẹ cũng có thể tự làm một diễn viên trong quảng cáo của chính mình. Càng nhiều người nói về sữa mẹ, những thông tin này dần dần sẽ đi vào tiềm thức của cộng đồng. Dần dần mọi người sẽ thấy việc nuôi con sữa mẹ hoàn toàn, cho con bú đến 24-36 tháng hay hơn nữa là chuyện bình thường, hiển nhiên”.
Khởi đầu nuôi con sữa mẹ tương đối khó khăn, nhưng con hiện 27 tháng tuổi vẫn được bú mẹ
Bé Bông khi còn bé. |
Và hiện tại đã 27 tháng tuổi nhưng vẫn được bú mẹ. |
Chị Ngọc Bích vẫn duy trì sữa mẹ cho con dù bé Bông đã 27 tháng tuổi. Ít ai biết chị có khởi đầu nuôi con sữa mẹ không mấy thuận lợi.
Bé Bông chào đời nặng 2,85kg và bệnh viện xếp vào diện sinh non, nhẹ cân, phải cách ly bé trong phòng Chăm sóc đặc biệt. Trong 2 ngày đầu chị không được gặp con và cho bú trực tiếp nên việc tiết sữa không hiệu quả.
Thế nhưng chị vừa tự vắt sữa, vừa xin thêm sữa để gửi vào phòng chăm sóc cho con dù nhiều nhân viên y tế trong khoa không hỗ trợ trong việc gửi sữa mẹ cho con. Thậm chí, hộ lý bệnh viện và một bác sĩ còn trực tiếp gợi ý gia đình mua sữa công thức loại đặc biệt dành cho trẻ sinh non nữa.
Chị Bích chọn cho con bú mẹ hoàn toàn vì những lợi ích không thể thay thế được của sữa mẹ với sức khỏe của con. Trong quá trình nuôi con, chị nhiều lần trải nghiệm lợi ích này rồi nên càng muốn cho con bú lâu dài hơn.
Chia sẻ vì lý do vẫn duy trì sữa mẹ cho con, chị Bích nói: “Mọi người đều nghĩ rằng sữa mẹ đến thời điểm này ẹ không còn dinh dưỡng nên việc cho con bú là vô ích. Trừ người nhà và một số ít bạn bè ra thì những người xung quanh, trong đó rất đáng buồn là có nhiều bác sĩ, nhân viên y tế… tỏ thái độ ‘khinh thường’ khi thấy mình cho con bú mẹ. Nhưng mình vẫn tiếp tục cho con bú vì lợi ích nhận được quá nhiều.
Đối với con, chừng nào mình còn cho con bú, chừng đó con còn nhận được kháng thể trong sữa mẹ, giúp con giảm nguy cơ bị ốm hơn.
Đối với mẹ, việc cho con bú giúp mình dễ dàng giảm cân sau sinh, giữ dáng và giảm nguy cơ mắc một số loại bệnh ung thư ở phụ nữ”.
Nếu không có sự ủng hộ của gia đình, chắc chắn sẽ không cho con bú mẹ hoàn toàn đến tận ngày hôm nay
Nhờ sự đồng hành, ủng hộ của gia đình, đặc biệt là chồng, chị Bích mới có thể duy trì sữa mẹ cho con đến tận bây giờ. Trong ảnh là hai bố con khi bé Bông khoảng 9 tháng tuổi. |
Chị Bích chia sẻ chị vô cùng may mắn khi có mẹ chồng và mẹ đẻ đều nuôi con sữa mẹ hoàn toàn. Mẹ chồng chị còn nuôi bú song song. Nên mọi người không thấy kì lạ khi chị cho con bú sữa mẹ hoàn toàn khi con đã ngoài 2 tuổi hay gây áp lực về cân nặng của con. Chồng chị cũng chia sẻ việc chăm con và việc nhà để chị toàn tâm toàn ý cho con bú và có thời gian nghỉ ngơi nhiều hơn.
Chị nói: “Một trong những lý do để mình dễ dàng đạt được con số 27 tháng này là vì mình là một người làm việc tự do. Tuy nhiên, mình cũng đã có vài tháng đi làm toàn thời gian khi con đã đi nhà trẻ, và việc đi làm không ảnh hưởng đến việc cho con bú. Mình nghĩ rằng nếu biết cách sắp xếp thời gian, giữ gìn sức khỏe thể lực và phân công công việc với mọi người thì việc cho con bú lâu dài là khả thi.
Tại thời điểm này mình chưa nghĩ tới chuyện cai sữa nên cũng chưa biết sẽ cho con bú đến khi nào. Có thể đến khi con được 3 tuổi, mình sẽ có một buổi nói chuyện với con để xem ý kiến của con như thế nào.
Để nuôi con sữa mẹ thành công, người mẹ phải nắm chắc kiến thức về quá trình tạo sữa và tiết sữa, đọc kĩ và hiểu từ căn gốc chứ không phải chỉ chăm chăm đọc vài trang giấy về việc kích sữa, vắt sữa. Khi đã hiểu rồi thì sẽ thấy mọi thứ đơn giản, không có gì phải ‘cố’, phải ‘hì hục vắt’ hay ‘căng thẳng’ cả.
Sữa mẹ là một đặc quyền của người mẹ, chỉ có mẹ mới có thể cho con bú, cho con cảm nhận mùi và hơi ấm, làn da của mẹ, tạo ra một kết nối đặc biệt mà bố hay ông bà hay người thân khác không có được”.
Đô thị 17:38 | 11/03/2020
Lối sống 13:10 | 18/05/2019
Lối sống 10:50 | 25/04/2019
Lối sống 11:00 | 18/07/2018
Lối sống 07:03 | 25/06/2018
Lối sống 09:05 | 28/02/2018
Lối sống 03:20 | 27/02/2018
Lối sống 07:53 | 23/02/2018