Các quốc gia bắt đầu tích trữ lương thực giữa đại dịch Covid - 19

Theo Bloomberg, giữa đại dịch Covid - 19 đang có những diễn biến phức tạp, khó kiểm soát, một số quốc gia bắt đầu hạn chế hoặc tạm dừng việc xuất khẩu lương thực.

Xu hướng tích trữ lương thực trên toàn cầu giữa đại dịch Covid - 19

Giờ đây, không chỉ là người tiêu dùng tích trữ những nhu yếu phẩm cần thiết, mà ngay đến Chính phủ các nước cũng đang lên phương án để đảm bảo nguồn cung thực phẩm trong nước trước những diễn biến phức tạp của đại dịch Covid - 19, theo Bloomberg.

Kazakhstan, một quốc gia sản xuất bột mì lớn nhất thế giới, đã ra lệnh dừng xuất khẩu mặt hàng này, cùng với một loạt các sản phẩm khác bao gồm cà rốt, đường và khoai tây. Trong khi đó tại Serbia, mặt hàng nổi tiếng là dầu hướng dương cũng đã được lệnh ngừng xuất khẩu, đi kèm với đó là một số thực phẩm khác. 

Tại Nga, việc cấm xuất khẩu các mặt hàng là lương thực, thực phẩm đang bỏ ngỏ, trong khi giới chức nước này xem xét đánh giá tình hình hiện tại.

Các quốc gia bắt đầu tích trữ lương thực trước đại dịch Covid - 19 - Ảnh 1.

Xu hướng tích trữ lương thực trên toàn cầu trước đại dịch Covid - 19. (Ảnh: Bloomberg).

Với những gì đang xảy ra sẽ khiến không ít người tự đặt câu hỏi: Liệu rằng đây có phải là điểm khởi đầu của một làn sóng chủ nghĩa dân tộc trong vấn đề lương thực? Nó sẽ phá vỡ chuỗi cung ứng và dòng chảy thương mại?

“Chúng tôi dần nhận ra những điều này. Và nó sẽ khiến các biện pháp phong toả của các quốc gia trở nên tồi tệ hơn”, Tim Benton - Giám đốc nghiên cứu tại Chatham House, London cho biết.

Mặc dù nguồn cung cấp lương thực trên toàn cầu vẫn dồi dào, nhưng các rào cản hậu cần đang khiến việc nhập khẩu, mua bán mặt hàng này trở nên khó khăn hơn bao giờ hết, Bloomberg nhận định.

Người tiêu dùng trên toàn cầu vẫn đang miệt mài tích trữ nhu yếu phẩm trong cơn hoảng loạn, và cuộc khủng hoảng kinh tế bắt nguồn từ Covid - 19 cũng chỉ vừa mới bắt đầu. Bóng ma của nhiều hạn chế thương mại trong quá khứ đang khuấy động kí ức về những tác hại của chủ nghĩa bảo hộ. 

Hàng loạt Chính phủ trên thế giới đã áp dụng các biện pháp cực đoan, đặt ra giới nghiêm và giới hạn cho bất kì cá nhân nào muốn thu gom lương thực, nhu yếu phẩm cần thiết.

“Bạn có thể liên tưởng tới những chính sách trong thời chiến, khi thực phẩm, giá cả và nước uống bị kiểm soát”, Ann Berg - một nhà tư vấn độc lập tại Louis Dreyfus cho hay.

Một số quốc gia đang bổ sung thêm các mặt hàng vào kho dự trữ chiến lược của họ. Trung Quốc, quốc gia trồng và tiêu thụ lúa gạo lớn nhất thế giới, đang đẩy mạnh việc thu mua lúa gạo nhiều hơn bao giờ hết, mặc dù Chính phủ nước này nói rằng kho dự trữ quốc gia có thể nuôi sống 1,5 tỉ người vòng một năm.

Các quốc gia nhập khẩu lúa mì quan trọng như Algeria và Thổ Nhĩ Kỳ đang loay hoay tìm kiếm thêm những nguồn cung mới, trong khi chính sách miễn thuế nhập khẩu lúa mì của Morocco tiếp tục được gia hạn đến giữa tháng 6.

Khi chủ nghĩa dân tộc lên ngôi trong vấn đề lương thực, hệ thống các mối quan hệ toàn cầu được thiết lập trong những thập kỉ gần đây, có nguy cơ bị phá vỡ chỉ trong ngày một ngày hai. 

Trong tuần này, Kazakhstan đang ngừng xuất khẩu các mặt hàng thực phẩm chính, như lúa mạch, hành tây, bột mì. Động thái này được dự báo là sẽ tác động không nhỏ tới nguồn cung nguyên liệu để làm bánh mì trên toàn cầu.

“Nếu các Chính phủ không cùng nhau ngồi lại, làm việc chung và đảm bảo nguồn cung, mà chỉ đặt lợi ích dân tộc lên trên, chúng ta có thể sẽ phải đối mặt với những thứ tồi tệ hơn”, ông Benton, Giám đốc nghiên cứu tại Chatham House, nói.

Ông này cảnh báo rằng việc mua sắm điên cuồng cùng với các chính sách bảo hộ rốt cuộc sẽ đẩy giá thực phẩm tăng đột biến.

Trong quá khứ, các đợt tăng giá lương thực vào các năm 2008 và 2011 đã châm ngòi cho các cuộc bạo loạn tại hơn 30 quốc gia trên thế giới, ở khắp châu Phi, châu Á và Trung Đông. 

Nếu không đảm bảo đủ nguồn cung thực phẩm, xã hội sẽ hoàn toàn bị phá vỡ, hãng tin Bloomberg đưa cảnh báo.

chọn
Toàn cảnh đường Lương Định Của mở rộng sắp thông xe tại TP Thủ Đức
Dự án nâng cấp, mở rộng đường Lương Định Của tại TP Thủ Đức có chiều dài khoảng 2,5 km. Đây là một trong 10 công trình giao thông dự kiến thông xe trước Tết Nguyên đán của TP HCM.