Chị Ngô Minh Hà (27 tuổi, Hà Đông, Hà Nội) dành rất nhiều tâm huyết trong hành trình cùng con ăn dặm. Không những công phu trong việc chọn nguồn thực phẩm sạch, bà mẹ trẻ một con này còn tự tay làm hạt nêm để phục vụ cho quá trình ăn dặm của con. Bé Lê Nhật Linh ( biệt danh là Thỏ) cũng tỏ ra khá hợp tác với những bữa ăn do mẹ chuẩn bị. Hiện tại bé 7 tháng rưỡi, cân nặng 8,5kg.
Thỏ bắt đầu ăn dặm từ hơn 5 tháng tuổi. |
- Chào chị, chị bắt đầu cho Thỏ ăn dặm từ khi nào và con có hợp tác không?
Ban đầu mình cũng dự tính 6 tháng mới bắt đầu cho bé ăn dặm, nhưng Thỏ trộm vía rất háu ăn nên 5 tháng đã có những biểu hiện rất rõ về việc muốn ăn dặm như rất hứng khởi khi nhìn thấy đồ ăn và với lấy đồ ăn bố me đang cầm. Dù đã uống no sữa nhưng vẫn khóc và đòi uống thêm. Thỏ có thể ngồi vững trên ghế ăn dặm và cứng cổ. Hơn nữa theo như mình tìm hiểu nhiều tài liệu thì ở nước ngoài, họ quy định trẻ 6 tháng là từ 5 tháng 1 ngày đến 5 tháng 30 ngày, vì vậy mình quyết định cho Thỏ ăn dặm khi hơn 5 tháng.
Chị Hà và con gái. |
- Chị áp dụng phương pháp ăn dặm nào cho bé?
Lần đầu làm Mẹ nên còn nhiều cái rất bỡ ngỡ, vì vậy mình rất chăm tìm hiểu các tài liệu trên mạng cũng như mua rất nhiều sách về ăn dặm để tìm hiểu trước khi bắt đầu cho bé ăn. Lúc đầu mình cũng rất rối vì trên mạng có quá nhiều phương pháp ăn dặm, khiến mình phân vân không biết nên chọn theo phương pháp nào. Phương pháp nào cũng có ưu và nhược điểm riêng, vì thế mình quyết định cho con ăn dặm theo kiểu Mẹ, tức là áp dụng cả 3 phương pháp ăn dặm hiện nay đang được các mẹ quan tâm nhất: ADTT- ADKN- BLW.
- Quá trình ăn dặm của bé diễn ra như thế nào?
Giai đoạn đầu bé bắt đầu làm quen, mình cho bé ADKN (cháo rây 1:10).
Giai đoạn tiếp theo vì bé không chịu ăn cháo riêng nên mình áp dụng phương pháp ADTT. Cháo trắng kết hợp với các loại rau củ theo mùa. Tuy nói là ADTT nhưng mình rây cháo và rau củ theo từng giai đoạn và không xay.
Khi bé được 6 tháng mình bắt đầu giới thiệu các loại đạm cho bé. Trước tiên là đạm thực vật sau đó đến đạm động vật như lườn gà, thịt heo, thịt chim, thịt cá trắng, thịt bò, tôm đồng, tôm nuôi… Giai đoạn khi bé đã ngồi vững là 6 tháng 15 ngày, mình cho con tập ăn BLW - ăn dặm tự chỉ huy. Và từ đó áp dụng bữa trưa ăn cháo - bữa tối ăn BLW.
Trộm vía giờ bé ăn thô tốt, 7 tháng đã ăn cháo nguyên hạt và thức ăn băm nhỏ. Ăn BLW thì không bị hóc hay chớ bao giờ và rất hứng thú với việc ăn uống.
Về cách tăng độ thô cho cháo thì ngay từ đầu mình khuyến khích các mẹ nên cho con ăn cháo rây 1:10 , không ăn bột (kể cả bột gạo hay bột ăn liền) vì nếu ăn trơn ngay từ đầu bé dần sẽ mất phản xạ nhai, chỉ quen với việc nuốt dẫn đến việc cháo cứ lợn cợn là oẹ. Giai đoạn 6 – 8 tháng là lúc bé có phản xạ nhai một cách tự nhiên. Nếu lúc này bé không được trao cho cơ hội thực hành việc nhai và nuốt thức ăn, thì lâu dần phản xạ đó sẽ mất đi. Khi bé đã bị bỏ lỡ giai đoạn học nhai và nuốt mẹ mới cho bé làm quen với thức ăn thô thì bé sẽ gặp khó khăn, nên việc bé lười nhai và sợ nuốt (ngậm đồ ăn trong miệng) cũng là điều dễ hiểu. Không những thế việc học nhai còn giúp cho cơ hàm và não bộ của bé phát triển. Bé học được cách phân biệt nhiều mùi vị, và cách xử lý các loại đồ ăn khác nhau: cứng, mềm, dai… điều mà việc ăn thức ăn xay nhuyễn không thể có được.
- Chị đã chọn lựa thực phẩm và chuẩn bị bữa ăn cho con ra sao?
Công việc của mình rất bận nhưng mình là người khá yêu nấu nướng và muốn những điều tốt nhất cho con nên mình luôn muốn tự tay làm đồ ăn cho bé. Có những ngày ngủ rất muộn vì còn vắt sữa ca cuối là 12h đêm sau đó mới đặt cháo vào nồi tự động cho con rồi 1h mới ngủ. Sáng ra 6h đi chợ mua đồ cho tươi, nhiều khi đứng đợi các hàng rau sạch hay siêu thị mở cửa mình còn ngủ gật. Nhưng chỉ cần nhìn thấy con ăn ngon là bao nhiêu mệt nhọc đều tan biến hết.
Các loại rau củ thịt cá… thực phẩm cho bé ăn dặm mình đều cố gắng mua loại organic hoặc các sản phẩm đạt tiêu chuẩn Vietgap để an toàn cho bé. Với những ngày quá bận hoặc không muốn mua rau củ quả trái mùa thì mình dùng các viên nén rau củ đóng gói wakodo của Nhật rất tiện và rất đảm bảo.
Mình cũng đã tìm hiểu rất kỹ và không sử dụng mắm muối vào đồ ăn của Bé. Thay vào đó mình dùng nước tương lên men tự nhiên tách muối của Nhật và hạt nêm tự làm bằng tôm + tảo biển vừa đảm bảo vừa cung cấp đầy đủ khoáng chất, canxi, i-ốt. Kết hợp với các loại nước dashi rau củ, dashi cá bào rong biển, dầu oliu, dầu óc chó khiến bé ăn ngon miệng và hấp thụ tốt hơn mà không cần đến bất kỳ hạt muối nào.
Khi post thực đơn lên rất nhiều Mẹ hỏi và mình mới nhận ra là: Có rất nhiều Mẹ vì sợ con chưa ăn được hoặc theo sách bảo thế nên không dám cho con thử, nhưng theo quan điểm của mình thì khi 1 thực phẩm được khuyến cáo không nên dùng thì mình đều tìm hiểu rõ nguyên nhân vì sao.
Ví dụ không nên ăn hải sản sớm vì sợ dị ứng và sợ bé không tiêu hoá được (táo hoặc tiêu chảy). Rất nhiều mẹ vì thế có thể đến 1 tuổi vẫn chưa cho con ăn vì lo ngại mà không phân biệt được rằng tôm nuôi hoặc tôm đồng không phải là hải sản, nếu thử cho bé với số lượng nhỏ và bé tiêu hoá tốt, không dị ứng thì không có lý do gì mà không cho bé ăn. Gạt đi quá nhiều thực phẩm vì "sách bảo thế " , bữa ăn dần dần sẽ nghèo nàn về dinh dưỡng có thể sẽ khiến bé thiếu chất và suy dinh dưỡng, thấp còi, biếng ăn.
Trộm vía có thể vì bé nhà mình ăn đủ chất nên từ bé cháu không bao giờ đi ngoài hay ốm vặt hắt hơi sổ mũi... 6 tháng cháu có thể đi biển cách gần 200km cùng gia đình mà vẫn khoẻ.
-Chị có thể chia sẻ rõ hơn cho các mẹ về công thức và cách làm hạt nêm tôm + tảo biển chị đã thực hiện?
Công thức này dành cho bé dưới 1 tuổi các mẹ nhé!
- Tôm : 1kg
- Tảo biển Kombu: 50gr
- Tôm mua về cắt râu, bỏ đầu lột vỏ rửa sạch. Đảo cho săn lại rồi xay nhuyễn, tiếp tục bắc lên bếp đảo nhỏ lửa cho tới khi khô (hoặc có thể quay vi sóng cứ 1-2 phút lại đảo 1 lần ).
- Tảo biển cho lên chảo đảo giòn để nguội rồi cho lên bếp xay.
- Trộn lẫn tảo và tôm với nhau rồi tiếp tục xay đến khi thật mịn rồi lại đảo trên bếp cho khô. Lặp lại quá trình này 2-3 lần đến khi đạt độ mịn và thật khô thì dừng. Lọc lại qua rây để loại bỏ những thứ tạp chất hoặc phần cứng (nếu có).
- Bảo quản nơi thoáng mát bằng hộp kín, dùng được trong 30 ngày.
Tôm cung cấp rất nhiều canxi, đồng thời cũng chưa nhiều protein và giàu các axit amin thiết yếu nên rất tốt cho trẻ. Mình chọn loại tôm sú to và không chọn tôm đồng vì tôm đồng mình không thể bóc hết vỏ, râu... là những thành phần rất dễ gây ho cho trẻ. Hơn nữa dù đã xay nhưng mình vẫn muốn tránh trường hợp sót lại các mảnh vỏ sắc hoặc râu gây nguy hiểm cho bé .
Tảo biển rất tốt cho sức khoẻ, khi nấu sẽ tiết ra acid glutamic - là thành phần tạo ra vị ngọt và là 1 axit amin quan trọng cho sự phát triển của não bộ và sự tăng trưởng của cơ thể. Đặc biệt tảo còn cung cấp nhiều chất xơ, sắt, canxi và i-ốt nên khi thêm vào thành phần bột nêm sử dụng hàng ngày rất thích hợp cho trẻ nhỏ. Đây là nguồn cung cấp khoáng chất và i-ốt tự nhiên tuyệt với nhất cho bé .
Vì tảo biển có chứa i-ốt nên khi thêm vào bột nêm với số lượng như trên mình thấy đã tương đối đủ ngọt, mặn vị tự nhiên. Với độ tuổi này vị như vậy là khá hợp lý. Các mẹ có thể tăng giảm thành phần tuỳ ý nhưng không nên cho quá nhiều tảo dễ gây nên tình trạng mặn, không tốt cho thận của bé. Các mẹ nên nhớ là nếu các mẹ nếm thấy vừa tức là đối với bé đã là quá mặn nhé.
Có nhiều mẹ hỏi rằng không cho tảo có được không, mình xin nói luôn là được nhé. Thành phẩm đó cũng có thể gọi là bột nêm tôm. Bột tôm đó mới chỉ có hương vị tôm nên để làm gia vị hàng ngày thì mình thấy chưa đủ. Nếu bổ sung thêm tảo thì mới có i-ốt và mới ra thành phẩm gia vị hạt nêm được nhé.
- Có bao giờ con không chịu hợp tác không, những lúc như vậy chị thường làm gì?
Bình thường bé nhà mình rất háu ăn nhưng cũng có đôi khi rơi vào tuần wonder week hoặc giai đoạn biếng ăn sinh lý bé sẽ rất lười ăn. Thậm chí ăn chỉ bằng 1/5 ngày thường. Những ngày đó mình không bao giờ ép con ăn, cứ thư giãn kệ con thôi, để con ăn theo nhu cầu. Vì mình nghĩ nếu cố ép thì con có thể tăng được 1,2 kí nhưng sẽ ảnh hưởng đến cả quá trình ăn của con sau này (có thể sẽ khiến con sợ ) và sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của con nữa.
-Điều khó nhất mà chị phải đối mặt khi cho con ăn dặm là gì?
Trong giai đoạn cho bé ăn dặm mình thấy khó khăn nhất là lúc cho bé tập ăn BLW, gia đình mỗi lần nhìn bé ăn đều nín thở vì sợ hóc, rồi khi bé oẹ mọi người khuyên không nên cho ăn nữa. Nhưng vì đã tìm hiểu rất kỹ tài liệu cũng như biết các lợi ích của việc ăn BLW con được khám phá và tự lập rất nhiều thế nên mình vẫn vững tâm không bỏ cuộc và từ từ giải thích cho mọi người trong gia đình hiểu. Đồng thời phổ biến các kỹ năng xử lý khi con hóc để ai cũng có thể xử lý được khi mình vắng nhà.
-Cảm ơn chị vì đã chia sẻ cùng bạn đọc!
Mời các mẹ cùng tham khảo thực đơn ăn dặm mẹ Hà đã chuẩn bị cho bé Thỏ !
Lối sống 07:35 | 03/06/2019
Lối sống 10:37 | 16/10/2018
Lối sống 23:38 | 15/09/2018
Lối sống 00:49 | 06/09/2018
Lối sống 12:11 | 15/08/2018
Lối sống 05:19 | 14/08/2018
Lối sống 03:12 | 08/08/2018
Lối sống 12:00 | 06/08/2018