Mỹ có thể sẽ là quốc gia đầu tiên 'chạm tay' vào vắc-xin Covid-19 của Sanofi

Người dân Mỹ có thể sẽ may mắn hơn so với phần còn lại của thế giới, trở thành những người đầu tiên được tiêm vắc-xin trị Covid-19 của Sanofi, nếu như gã khổng lồ dược phẩm Pháp này thành công trong cuộc đua "săn" vắc-xin này.

Nguyên nhân của sự "thiên vị" này được CEO Sanofi Paul Hudson giải thích vì: "Mỹ là quốc gia đầu tiên tài trợ cho dự án nghiên cứu vắc-xin Sanofi", khi trả lời phỏng vấn với Bloomberg News.

Nếu thành công, Mỹ có thể sẽ là quốc gia đầu tiên 'chạm tay' vào vắc-xin Covid-19 của Sanofi - Ảnh 1.

Mỹ sẽ là quốc gia nhận những liều vắc-xin đầu tiên của Sanofi nếu dự án của ông lớn dược phẩm Pháp thành công. (Nguồn: Reuters).

Ông cũng đưa ra cảnh báo rằng châu Âu có nguy cơ sẽ bị tụt lại phía sau, trừ khi khối tăng cường nỗ lực tìm kiếm các biện pháp chống lại đại dịch, vốn đã giết chết hơn 290.000 người trên toàn thế giới.

"Chính phủ Mỹ có quyền đặt hàng vắc-xin trước với số lượng lớn nhất, bởi vì họ đã mạo hiểm đầu tư", CEO Hudson nói.

Mỹ đã mở rộng mối quan hệ đối tác trong việc phát triển một loại vắc-xin trị Covid-19 với ông lớn dược phẩm Pháp Sanofi trong tháng 2, thể hiện mong muốn "nếu chúng tôi mạo hiểm giúp bạn sản xuất vắc-xin, chúng tôi hi vọng sẽ nhận được những liều vắc-xin đầu tiên".

Sanofi là một trong những công ty máu mặt nhất trong số hàng chục công ty tham gia cuộc đua tìm kiếm vắc-xin phòng Covid-19. hãng đã hợp tác với Công ty Glaxosmithkline Plc của Anh trong một dự án được hỗ trợ bởi Mỹ, từng tuyên bố rằng có thể tạo ra 600 triệu liều/năm, con số mà ông Hudson cho biết đang muốn nhân đôi.

Tuy nhiên, những nhà hoạt động vì sức khỏe cộng đồng đã cảnh báo cuộc đua vắc-xin có thể sẽ bỏ rơi các quốc gia không đủ khả năng, khiến cho họ trở nên dễ bị tổn thương hơn, dẫn dến các thiệt hại về mạng sống và kinh tế, do bị những đợt bùng phát dịch Covid-19 mới tàn phá.

Cuộc chiến trở thành người đầu tiên

Trong khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Angela Merkel dẫn đầu cuộc gây quỹ 8 tỉ USD, nhằm giúp việc phân phối vác-xin công bằng hơn, một số khác có quan điểm cho rằng nên phân phối theo trật tự các quốc gia có tài trợ cho nghiên cứu.

Ông Pascal Soriot, CEO Astrazeneca Plc, công ty sản xuất vắc-xin cho cuộc thử nghiệm đang được tổ chức ở Đại học Oxford, cho biết: "Vương quốc Anh sẽ được ưu tiên nhận vắc-xin trước các khu vực khác trên thế giới".

"Hiện tôi vẫn đang vận động tại châu Âu, rằng Mỹ sẽ là người được tiêm vắc-xin trước tiên", CEO Sanofi nói trong cuộc phỏng vấn từ xa. 

"Đó là cách mà chúng tôi sẽ làm, vì họ đã chi tiền đầu tư để thử và bảo vệ người dân, và để khởi động lại nền kinh tế của họ".

Nếu thành công, Mỹ có thể sẽ là quốc gia đầu tiên 'chạm tay' vào vắc-xin Covid-19 của Sanofi - Ảnh 2.

Tuyên bố ưu tiên Mỹ trước của CEO Sanofi Paul Hudson là khởi nguồn cho cuộc tranh luận về cách thức phân phối vắc-xin cho các quốc gia. (Nguồn: Stat).

Các cơ sở sản xuất vắc-xin của Sanofi tại Mỹ sẽ chủ yếu phục vụ cho thị trường này, trong khi các nhà máy ở những nơi khác sẽ phục vụ cho khu vực châu Âu và phần còn lại của thế giới, theo một tuyên bố qua email của Sanofi, sau cuộc phỏng vấn giữa CEO Paul Hudson với Bloomberg.

Ông lớn sản xuất dược phẩm cho biết đang có những cuộc đối thoại "rất mang tính xây dựng" với chính phủ Pháp và Đức, cùng các tổ chức thuộc Liên minh châu Âu (EU).

Dù vậy, theo ông Hudson: "Các khoản tài trợ từ Cơ quan Nnghiên cứu và Phát triển Y sinh tiên tiến (BARDA) đã đặt Mỹ lên đứng đầu hàng chờ. Mỹ sẽ chỉ nhận vắc-xin trước vài ngày hoặc vài tuần so với những quốc gia khác".

CEO Sanofi đã gọi BARDA, cho đến nay đã hỗ trợ 30 triệu USD cho chương trình nghiên cứu của Sanofi, là một "hình mẫu" cho thấy sự hợp tác mà ngành công nghiệp y dược nên có.

Trung Quốc cũng đã nỗ lực tăng cường huy động để phát triển một loại vắc-xin ngừa  Covid-19. Vì vậy, hai cường quốc kinh tế này sẽ được chạm tay tới vắc-xin Covid-19 (nếu có) trước tiên.

Điều này chính là nguyên nhân dấy lên cuộc tranh luận ở các nước châu Âu, về việc "đừng bỏ châu Âu lại phía sau", CEO Hudson nhận định.

Cơ quan BARDA, trực thuộc Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ, đã có mối quan hệ hợp tác lâu dài với Sanofi. Vào tháng 12/2019, BARDA đã 'trao thưởng' khoản tiền trị giá 226 triệu USD cho Sanofi nhằm tăng khả năng sản xuất vắc-xin cúm đại dịch.

Kanne Bliss, thành viên cao cấp của trung tâm chính sách y tế toàn cầu thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược quốc tế (CSIS), nhận định: "Việc có các cuộc tranh luận về vấn đề này trong thời điểm hiện tại là rất quan trọng để tránh các mối đe dọa về chủ nghĩa quốc gia đối với vắc-xin".

Năm 2021 sẽ là thời điểm chạy nước rút cho cuộc đua vắc-xin Covid-19

Nhiều dự án phát triển vắc-xin phòng Covid-19 đang nhắm đến mục tiêu sản xuất và cung cấp các liều vắc-xin tiêm ngừa trong năm 2021, cùng với các mục tiêu giới hạn khác cho đội ngũ nhân viên y tế và các nhóm cộng đồng dễ bị tổn thương khác, ngay trong mùa thu này.

Nếu thành công, Mỹ có thể sẽ là quốc gia đầu tiên 'chạm tay' vào vắc-xin Covid-19 của Sanofi - Ảnh 3.

Năm 2021 sẽ là thời điểm chạy nước rút cho cuộc đua vắc-xin Covid-19 toàn cầu, kẻ chiến thắng sẽ nắm lợi thế trong qui trình phân phối trên toàn thế giới. (Nguồn: RFI).

"Bất kể quốc gia nào thành công trong việc đưa vắc-xin trị virus Covid-19 ra thị trường trước tiên, đều có khả năng đòi quyền sở hữu đối với một số qui trình phân phối", ông Krishna Kumar - chuyên gia kinh tế kiêm Giám đốc nghiên cứu quốc tế của RAND Corp cho biết.

Hiện Sanofi vẫn chưa tiết lộ Mỹ sẽ được nhận bao nhiêu liều vắc-xin và mức giá áp dụng lên quốc gia này. Tuy nhiên, CEO Hudson cho biết việc giữ cho bất kì loại vắc-xin nào có giá cả phải chăng là trách nhiệm của Sanofi.

Ngoài ra, Sanofi cũng đang sở hữu một ứng viên ngừa Covid-19 khác đang được phát triển với Translate Bio Inc, sử dụng công nghệ tác động lên RNA để thúc đẩy cơ thể tạo ra một loại protein quan trọng trong virus, tạo ra phản ứng miễn dịch với virus Covid-19.

"Song, ngay cả khi cả hai loại vắc-xin đều được chứng minh là thành công, Sanofi sẽ không có đủ khả năng đáp ứng nhu cầu tiêm vắc-xin toàn cầu", ông John Shiver - Phó Chủ tịch cấp cao Phòng Nghiên cứu và Phát triển vắc-xin toàn cầu, trả lời trong một cuộc phỏng vấn đầu tháng này.

Hiện trên thế giới có hơn 100 loại vắc-xin khác là "ứng cử viên" tranh đua trong cuộc chạy đua toàn cầu, được phát triển ở nhiều quốc gia như Mỹ, Đức và Trung Quốc.

chọn
BĐS Hồ Gươm đang tiến vào khu đô thị hơn 126 ha ven Vành đai 4 sau thương vụ 45 tỷ đồng
Sau khi cổ phần hóa, Viwaseen cùng đối tác DAF đã nhượng lại quyền phát triển khu đô thị hơn 126 ha ven Vành đai 4 Hà Nội cho Công ty CP Đầu tư Bất động sản Hồ Gươm với khoản tiền 45 tỷ đồng.