Khoảng một tháng trước, Anthony Strong cuối cùng cũng đã mở được một nhà hàng ăn cung cấp các bữa ăn theo phong cách gia đình tại San Francisco. Ông đã dành tiền tiết kiệm và tiến hành cải tạo nhà hãng cũ của mình trong vòng 4 ngày. Anthony Strong rất phấn khích với nhà hàng mới.
“Nó sẽ rất tuyệt vời”, Strong nói với phóng viên CNN.
Tuy nhiên, đáng buồn thay, ngay sau khi Strong mở ra không gian trải nghiệm ẩm thực mới mẻ này thì cũng là lúc chính quyền San Francisco bắt đầu thực hiện các lệnh cách li xã hội, nhằm hạn chế sự lây lan của đại dịch Covid - 19. Các nhà hàng được lệnh hạn chế hoạt động.
Do đó, Strong quyết định sẽ chuyển hướng sang việc bán thực phẩm và nguyên liệu mà cửa hàng ông đã mua, với số lượng lớn, cho khách hàng cá nhân - những người có nhu cầu. Điều này vô tình đã biến nhà hàng của ông trở thành một cửa hàng tạp hoá đúng nghĩa. Quả là một ý tưởng hot giữa mùa dịch.
“Chúng tôi đang tăng trưởng qua việc bán thực phẩm”, Strong nói.
“Thật tuyệt vời khi được thấy lại các vị thực khách quen thuộc trong khu phố. Trước đây họ tìm đến nhà hàng vì các món ăn từ vỉ than nướng của chúng tôi. Bây giờ họ lại tìm đến vì một thực tế rằng nhà hàng là nơi duy nhất trong thành phố còn bán các loại mì ống dự trữ”.
Strong không phải là ông chủ nhà hàng duy nhất nảy ra ý tưởng kinh doanh tạp hoá giữa mùa dịch tại Mỹ.
Trên khắp nước Mỹ, từ các quán cà phê đến các nhà hàng đang nỗ lực tìm đủ mọi cách để giữ cho doanh nghiệp họ hoạt động. Các nhà hàng giữ chân khách bằng cách bán các nhu yếu phẩm mà khách hàng cần.
Bán hàng trực tuyến là một lựa chọn, nhưng nó rất tốn kém bởi họ sẽ phải tốn thêm chi phí cho dịch vụ giao hàng của bên thứ 3. Do đó, việc biến nhà hàng trở thành các cửa hiệu tạp hoá là một cách làm được đánh giá là khôn ngoan.
Mặc dù vậy, nhiều nhà hàng cũng đã phải sử dụng đến dịch vụ giao hàng trong thời gian này. Nhưng đối với Strong, ông không cho rằng đó là một ý kiến hay. Ông ấy không muốn tốn thêm tiền cho các dịch vụ của bên thứ ba.
Những người khác cũng đang tận dụng khoảng không gian bên trong nhà hàng để xây dựng các cửa hàng tạp hoá.
Marc Glosserman, chủ sở hữu chuỗi thịt nướng Hill Country ở New York và Washington DC, cho biết mỗi cửa hàng của ông rộng gần 4.000 m2, được thiết kế để khách có thể gọi món và ngồi ăn tại chỗ.
“Chúng không được tạo ra để giao và nhận hàng”, ông nói. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, Glosserman đã quyết định sử dụng một số không gian dư thừa đó để thiết lập một cửa hàng bách hoá tổng hợp, và bán những mặt hàng thực phẩm tồn đọng trong kho nguyên liệu của họ, tại một số nhà hàng ở Manhattan.
“Khi mọi người đến để chọn món, họ cũng có thể mua những vật dụng thiết yếu như giấy vệ sinh hay khoai tây”, ông nói.
Khi những lo ngại xung quanh việc người dân đổ tới những trung tâm mua sắm lớn có thể làm gia tăng nguy cơ lây nhiễm Covid - 19, thì những cửa hàng tạp hoá nhỏ lẻ sẽ là một điểm sáng thu hút trong mùa dịch.
Kevin Lillis điều hành Jaxon - một nhà hàng bia hơi tại trung tâm thành phố Dallas. Jaxon có sức chứa lên tới 465 người, và hiện đang được cải tạo để trở thành điểm cung cấp dịch vụ tạp hoá cho khách hàng.
Jaxon đã đóng gói sẵn các thực phẩm thiết yếu trong một túi, với giá 60 USD/túi. Bao gồm: 6 quả trứng, phô mai, đậu đen, bánh mì, rau mùi, cải xoăn, khoai tây, chanh, thịt xông khói, thịt gà,…
“Đó là những thứ mà chúng tôi nghĩ nhiều người sẽ cần”, Kevin nói và lưu ý khách hàng có thể lựa chọn lại các mặt hàng nếu họ muốn.
Ngay cả các chuỗi lớn cũng đang bắt kịp xu hướng.
Hơn 30 bãi đậu xe của Denny ở Oregon và California đang trở thành các cửa hiệu tạp hoá, bán các nhu yếu phẩm như giấy vệ sinh, phô mai, bánh mì, thịt sống, thịt nguội, trái cây, và rau quả tươi.
Khách hàng cũng có thể đặt hàng trực tuyến hoặc ngồi trong xe để mua sắm, nhân viên sẽ giao hàng tận nơi.
“Dịch vụ này cho phép khách hàng có được thực phẩm họ cần, mà không vi phạm các yêu cầu cách li xã hội hay không phải đến các địa điểm tập trung đông người như trung tâm thương mại hay siêu thị”, Denny cho biết trong một tuyên bố.
Đây cũng là một cách để hỗ trợ các nhà cung cấp thực phẩm đang gặp khó.
“Các nhà cung cấp của chúng tôi cần được hỗ trợ”, đầu bếp và chủ các nhà hàng Fabio Trabocchi nói. 4/6 nhà hàng của ông ở Washington DC đã bị đóng cửa. Hai nhà hàng còn lại vẫn được mở để trở thành cửa hiệu tạp hoá, hoặc chế biến đồ ăn mang đi.
Trabocchi cho biết, các nhà cung cấp nguyên liệu trước đây cho hàng hàng, đang phải vật lộn khi nhu cầu thực phẩm sụt giảm. Một trong số họ đã rất nhanh chóng bán hàng trực tuyến, nhưng vẫn còn rất nhiều nhà cung cấp khác đang phải nỗ lực để chuyển đổi mô hình kinh doanh.
“Điều quan trọng nhất đối với tôi là cửa hiệu tạp hoá không những có thể giúp duy trì được hoạt động kinh doanh mà nó còn tiếp tục giúp đỡ được các nhà cung cấp trong giai đoạn khó khăn này”, Strong chia sẻ.
Một nhà cung cấp nói với Strong anh ta lo lắng sẽ không thể bán được số bơ đang nằm trong kho của mình. Thông qua việc bán tạp hoá, Strong đã có thể mua một số sản phẩm dư thừa như vậy từ các nhà cung cấp, và bán chúng cho những khách hàng đang cần.
Nói chung, các siêu thị nhà hàng bất đắc dĩ này đã kiếm thêm được một khoản khiêm tốn trong mùa dịch, khi các hoạt động ăn uống, vui chơi gần như bị đóng băng trước những yêu cầu cách li xã hội của chính quyền.
Những mô hình này đang ngày càng được lan rộng trên khắp nước Mỹ. Một số nhà hàng đã chuẩn bị cho một sự thay đổi dài hơi hơn. Nhà hàng Tucker Sill Mill ở Pennsylvania đã đặt hàng thêm các tủ lạnh mới, và các kệ hàng cũng đang được lắp đặt, sẵn sàng biến nó trở thành một cửa hàng tạp hoá đầy đủ.
Tiêu dùng 11:18 | 15/06/2020
Tiêu dùng 16:54 | 14/06/2020
Tiêu dùng 09:30 | 14/06/2020
Kinh doanh 06:37 | 14/06/2020
Kinh doanh 15:51 | 13/06/2020
Kinh doanh 06:35 | 13/06/2020
Kinh doanh 16:27 | 11/06/2020
Tiêu dùng 17:00 | 10/06/2020