Nhiều động thái thắt chặt nguồn vốn vào bất động sản

Bất động sản được Ngân hàng Nhà nước đánh giá thuộc nhóm lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, cần kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng và hạn chế tối đa phát sinh nợ xấu, để đáp ứng dòng vốn vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh khác.

Theo báo cáo của Batdongsan.com.vn, trong quý I/2022, mức độ quan tâm đến thị trường BĐS Việt Nam đã tăng 2% so với thời kỳ trước Covid-19 (quý I/2019).

Các thị trường ảnh hưởng nhiều bởi dịch bệnh như BĐS cho thuê và nghỉ dưỡng dần phục hồi trở lại. Phân khúc như chung cư, đất nền, đất thổ cư… tiếp tục ghi nhận sự sôi động.

Số lượng doanh nghiệp thành lập mới trong lĩnh vực kinh doanh BĐS cũng tăng 47% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhận định về triển vọng thời gian tới, nhiều chuyên gia dự báo, BĐS Việt Nam đứng trước các cơ hội lực đẩy mới để phục hồi và phát triển mạnh như việc đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng, mở cửa du lịch...

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, thị trường tồn tại không ít khó khăn. Có thể kể đến như vấn đề vướng mắc trong thủ tục hành chính, pháp lý chưa được tháo gỡ; chính sách đấu giá quyền sử dụng đất gắn với dự án BĐS chưa hoàn thiện; khung pháp lý cho một số loại hình bất động sản như condotel, officetel chưa rõ ràng. Thêm vào đó là những thách thức liên quan tới rủi ro lạm phát, dịch bệnh còn chưa thể lường trước; giá đất tăng; mất cân bằng cung cầu…

Đáng chú ý, bài toán về nguồn vốn cho lĩnh vực BĐS cũng đang được đặt ra, khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) siết tín dụng vào BĐS và các cơ quan chức năng tăng cường rà soát hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp... 

 Bất động sản được Ngân hàng Nhà nước đánh giá thuộc nhóm lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, cần kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng và hạn chế tối đa phát sinh nợ xấu. (Ảnh minh họa: sbv.gov.vn).

Thắt chặt tín dụng vào bất động sản

Ngày 18/3, NHNN ban hành quyết định mới, trong đó nêu ra các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể liên quan đến việc điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng và hoạt động ngân hàng.

Cụ thể, NHNN giao các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tiếp tục kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng, hạn chế tối đa phát sinh nợ xấu vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

Đầu tư, kinh doanh bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, cùng với chứng khoán, các dự án BOT, BT giao thông được xếp vào nhóm tiềm ẩn rủi ro này.

Đến tháng 4, NHNN tiếp tục có công văn yêu cầu các tổ chức tín dụng kiểm soát chặt chẽ tốc độ tăng trưởng tín dụng theo đúng chỉ tiêu được giao. Đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro hoặc chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, NHNN yêu cầu kiểm soát chặt chẽ tốc độ tăng dư nợ tín dụng và chất lượng tín dụng.

Đặc biệt, tăng cường kiểm soát khoản cấp tín dụng với khách hàng vay vốn để tham gia đấu giá đất, đảm bảo đúng quy định, kịp thời báo cáo khi phát hiện dấu hiệu vi phạm.

Nhiều ngân hàng tạm dừng cho vay bất động sản

Sau chỉ đạo của NHNN, một số ngân hàng đã có các động thái cụ thể liên quan đến việc siết tín dụng vào bất động sản.

Hôm 25/3, Sacombank thông báo bắt đầu dừng cho vay BĐS. Cụ thể, ngân hàng này sẽ không cấp tín dụng cho khách hàng vay lĩnh vực bất động sản, kể từ ngày 23/3 đến hết ngày 30/6, trừ trường hợp cán bộ nhân viên và người thân vay để mua, xây, sửa bất động sản để ở.

Thay vào đó, các chi nhánh, phòng giao dịch tập trung cấp tín dụng đối với lĩnh vực sản xuất, trong đó ưu tiên lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao và các ngành thương mại, dịch vụ có giá trị gia tăng cao như xuất khẩu, dịch vụ, logistics… 

Tổng giám đốc Sacombank Nguyễn Đức Thạch Diễm trả lời Pháp luật TP HCM cho biết, tỷ lệ tăng trưởng cho vay BĐS đối với khách hàng cá nhân tại Sacombank đã nhiều rồi nên ngân hàng không muốn cho vay lĩnh vực này nữa mà tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh. Điều này hoàn toàn phù hợp với chỉ đạo của NHNN.

Không chỉ Sacombank, trong tháng 3 vừa qua, Techcombank cũng yêu cầu các đơn vị kinh doanh kiểm soát hạn mức giải ngân với các khoản vay mua bất động sản. Ngân hàng này tạm dừng giải ngân các khoản vay mua bất động sản đã có giấy chứng nhận và vay thứ cấp mua bất động sản kể từ ngày 25/3, dời lịch giải ngân sang ngày 1/4. 

Tăng cường rà soát trái phiếu doanh nghiệp

Bên cạnh việc kiểm soát chặt chẽ dòng tiền vào BĐS, vấn đề về siết trái phiếu doanh nghiệp cũng được Chính phủ đề cập thời gian qua.

Mới đây, tại Nghị quyết số 50 phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 về các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Chính phủ đã giao NHNN triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng tín dụng, tập trung xử lý và hạn chế tối đa nợ xấu mới phát sinh.

Đặc biệt, hướng tín dụng vào sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên; kiểm soát chặt chẽ dòng tiền vào các lĩnh vực có tính đầu cơ; tăng cường hiệu quả giám sát, thanh tra, kiểm tra các tổ chức tín dụng liên quan đến hoạt động phát hành trái phiếu của tổ chức tín dụng và đầu tư trái phiếu doanh nghiệp.

Từ cuối năm 2021 đến nay, Chính phủ đã liên tiếp có các công điện chỉ đạo về vấn đề này. 

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp là kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng của doanh nghiệp theo đúng chủ trương của Chính phủ về phát triển cân bằng giữa thị trường vốn và thị trường tiền tệ, tín dụng…

Tuy nhiên thời gian vừa qua, hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp có những vi phạm pháp luật và đấu giá quyền sử dụng đất còn nhiều bất cập, tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Ngày 5/4/2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã có Quyết định khởi tố vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, xảy ra tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh và các tổ chức, đơn vị có liên quan, tiến hành điều tra, xác minh một số hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật liên quan đến phát hành trái phiếu, huy động tiền của nhà đầu tư của các công ty thành viên thuộc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ khách sạn Tân Hoàng Minh.

(Theo Công điện số 304 ngày 7/4 của Thủ tướng Chính phủ)

Đơn cử như Công điện số 8857 ngày 3/12/2021 tăng cường công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp; Công điện số 304 ngày 7/4 về việc chấn chỉnh hoạt động thị trường trái phiếu doanh nghiệp và đấu giá quyền sử dụng đất. Gần đây nhất là Công điện số 311 ngày 11/4 về các biện pháp ổn định thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Công điện nêu rõ, để bảo đảm thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp hoạt động ổn định, lành mạnh, minh bạch, an toàn và phát triển bền vững, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông và các cơ quan liên quan chấn chỉnh và ổn định hoạt động của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bảo đảm thị trường hoạt động an toàn, hiệu quả lành mạnh, minh bạch; bảo vệ quyền lợi hợp pháp của nhà đầu tư theo đúng quy định pháp luật. 

Theo Thủ tướng,  thời gian qua, một vấn đề nổi lên là tình hình vi phạm pháp luật liên quan bất động sản, thị trường chứng khoán, phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Một vấn đề có tính quy luật là với các vi phạm này, dòng tiền đều tìm đến nơi "trú ẩn" cuối cùng là bất động sản , các cơ quan liên quan cần lưu ý để có giải pháp phù hợp trong quá trình xử lý. 

Nhiều tỉnh thành tạm dừng tách thửa đất, siết phân lô bán nền

Thời gian qua, tại một số địa phương như Lâm Đồng, Đắk Nông, Khánh Hòa, Bình Phước... đã nở rộ tình trạng một số cá nhân, tổ chức thu gom đất nông nghiệp, tự ý thi công đường giao thông, phân lô, tách thửa và rao bán thành các dự án bất động sản, gây nhiễu loạn thị trường.

Trước tình trạng này, UBND các tỉnh đã liên tục ban hành các văn bản chỉ đạo các Sở ngành và UBND quận, huyện, thị xã tăng cường công tác quản lý đất đai, quản lý quy hoạch và trật tự xây dựng trên địa bàn. Đáng chú ý, một số địa phương gồm Hà Nội, TP Đồng Xoài (Bình Phước), Khánh Hòa, Bắc Giang, Lâm Đồng, huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) ,... đã thông báo tạm dừng phân lô tách thửa đất nông nghiệp để ngăn tình trạng diễn biến phức tạp hơn.

Cụ thể, tại TP Đồng Xoài, Bình Phước, các trường hợp tạm dừng thủ tục tách thửa từ 22/3 gồm: Thửa đất nông nghiệp không tiếp giáp đường giao thông; thửa đất tiếp giáp đường giao thông có diện tích tách thửa tối thiểu dưới 2.000 m2 đối với phường và dưới 3.000 m2 đối với hai xã Tân Thành, Tiến Hưng (bao gồm cả thửa đất tách ra và thửa đất còn lại; một thửa đất chỉ tách một lần không tách tiếp từ thửa đã tách).

Đặc biệt, UBND TP Đồng Xoài chỉ đạo không thực hiện tách thửa đối với các thửa đất đã có quy hoạch chi tiết 1/500 được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. 

Báo cáo của NHNNVN cho thấy, tính đến 30/11/2021, dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 690.075 tỷ đồng (tính đến 30/9/2021 là 682.594 tỷ đồng).

Trong năm 2021, các doanh nghiệp BĐS đã phát hành 214.440 tỷ đồng trái phiếu, tương đương hơn 9 tỷ USD - gấp ba lần so với năm 2020 là 71.000 tỷ đồng. Lãi suất phát hành dao động trong khoảng 8 - 13%/năm. Tổng giá trị phát hành của nhóm doanh nghiệp BĐS chiếm 36% tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Trong đó, có khoảng có khoảng 29% giá trị trái phiếu phát hành không có tài sản đảm bảo hoặc bảo đảm bằng cổ phiếu. 

The Bộ Xây dựng, việc nhiều doanh nghiệp kinh doanh BĐS chuyển sang thực hiện huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu, lượng phát hành với quy mô lớn, lãi suất cao, không có tài sản bảo đảm sẽ tiềm ẩn rủi ro cho thị trường. 

chọn
Những ông lớn địa ốc hiện diện tại 'Đất Tổ' Phú Thọ
Vài năm trở lại đây, Phú Thọ liên tục đón các doanh nghiệp lớn ngành bất động sản như GP Invest, T&T hay BV Land... Hiện nay, Ecopark và Tasco cũng đang hướng đến dự án bất động sản đầu tiên tại địa phương này.