'Sốt đất ghê gớm' liệu có lặp lại vào năm 2022?

Vài năm qua, đã có nhiều cơn sốt đất lớn diễn ra, trong đó có đợt vào đầu năm 2021. Các chuyên gia chia sẻ quan điểm về việc, kịch bản sốt đất liệu có lặp lại vào năm tới?

Chưa có tín hiệu 

Trong các tháng đầu năm, thị trường bất động sản đã xảy ra sốt nóng cục bộ tại một số phân khúc, khu vực. Theo thống kê của Bộ Xây dựng, giá giao dịch đất nền trong khu dân cư tại thời điểm nửa cuối quý I, đặc biệt là sau dịp nghỉ Tết Nguyên đán đã tăng nóng ở nhiều địa phương như TP Hà Nội (các huyện Đông Anh, Đan Phượng, Thạch Thất,…), TP HCM (TP Thủ Đức), TP Hải Phòng (huyện Thủy Nguyên), tỉnh Bắc Ninh (thị xã Từ Sơn), tỉnh Ninh Bình (huyện Gia Viễn), tỉnh Bình Thuận ( TP Phan Thiết và thị xã La Gi), tỉnh Bình Phước (huyện Hớn Quảng), tỉnh Quảng Trị (huyện Gio Linh),…

Tuy nhiên, giao dịch chính thức được ghi nhận trên thực tế hầu như rất ít. Hình thức giao dịch chủ yếu là đặt cọc sau đó chuyển nhượng ngay khi giá tăng và xuất hiện nhà đầu tư khác có nhu cầu mua.

Tình trạng nêu trên diễn ra trong thời gian ngắn rồi lắng xuống sau khi chính quyền địa phương kịp thời đưa ra các chỉ đạo, thông báo công khai và cảnh báo tới các nhà đầu tư, người dân về quy hoạch, kế hoạch thực hiện, tình hình triển khai các dự án trên địa bàn. Tuy nhiên cơn sốt đất này cũng đã khiến cho thị trường nhiều khu vực thiết lập mặt bằng giá mới.

Thị trường bất động sản có dậy sóng trong năm 2022? - Ảnh 1.

Trong cơn sốt đất, hình thức giao dịch chủ yếu là đặt cọc sau đó chuyển nhượng ngay khi giá tăng và xuất hiện nhà đầu tư khác có nhu cầu mua. (Ảnh minh họa: Báo Chính phủ).

Theo thống kê của Batdongsan.com.vn qua các đợt bùng phát dịch Covid-19 tại Việt Nam, thị trường bất động sản thường sôi động trở lại, ghi mức độ quan tâm vụt tăng kỷ lục mỗi khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát. Vì vậy một số ý kiến cho rằng, tình trạng "sốt giá" bất động sản có thể sẽ quay trở lại trong năm 2022. 

Thảo luận về chủ đề này tại Hội nghị bất động sản Việt Nam VRES 2021, ông Huỳnh Phước Nghĩa, Phó Viện trưởng Viện Đổi mới sáng tạo, trường ĐH Kinh tế TP HCM cho rằng, không có những tín hiệu rõ ràng cho thấy có thể xảy ra tình trạng sốt đất vào năm 2022.

Xem xét kỹ bản chất của các đợt sốt giá đã xảy ra vào năm 2021 như đặc điểm của thị trường, nguồn cung hay sự thay đổi của điều kiện hạ tầng, ông Nghĩa cho rằng các lý do để tạo ra sốt đất đã không còn trong năm 2022.

"Ví dụ như vấn đề về kế hoạch phát triển hạ tầng đã công khai rõ ràng, vì vậy rất khó có điểm nóng hạ tầng nào có thể xảy ra sốt trong năm 2022", ông Nghĩa nói.

Theo chuyên gia, trong năm tới sẽ chỉ có những vấn đề liên quan đến tháo gỡ về mặt chủ đầu tư, vướng mắc pháp lý. TP HCM cũng chỉ ưu tiên đầu tư vào một số lĩnh vực trọng yếu.

"Tôi cho rằng không có tín hiệu nào để tạo ra những cơn sốt ở góc độ đầu tư trong năm 2022. Rất khó có sốt đất theo kiểu bơm giá, thổi giá, đẩy giá như chúng ta từng thấy", chuyên gia dự đoán.

Sẽ tăng giá ở những khu vực trọng điểm

Ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn chia sẻ, trong năm 2021, do yếu tố dịch bệnh và sự thận trọng vốn có, một lượng tiền lớn đã được các nhà đầu tư miền Bắc rút về, thay vì đầu tư tại thị trường phía nam như trước. 

Vì vậy mà mặt bằng giá ở Hà Nội vốn đi ngang trong vòng 5 năm qua bỗng tăng mạnh ở các loại hình như nhà, đất thổ cư và cả nhà chung cư. Lượng tiền lớn kết hợp với sự xuất hiện của nhiều thông tin quy hoạch đã đẩy mặt bằng giá lên khá cao trong giai đoạn quý I.

Ông Quốc Anh dự đoán, trong năm 2022 tới đây, giá bất động sản sẽ không tăng cao tràn lan như trước mà sẽ chỉ tăng ở những khu vực trọng điểm, những khu vực thực sự có các công trình được xây dựng, hỗ trợ cho sự phát triển bền vững của kinh tế địa phương.

Với những khu vực đã tăng giá quá cao nhưng sự phát triển không được như kỳ vọng thì chắc chắn trong giai đoạn tiếp theo sẽ tự có điều chỉnh hợp lý để cân bằng, phù hợp với tiềm năng vốn có.

Không có những đợt "sóng ghê gớm"

Cũng nói về khả năng thị trường bất động sản "dậy sóng" trong năm 2022, TS Cấn Văn Lực cho rằng, sóng bất động sản không bao giờ yên lặng, nhưng nhấp nhô biên độ lớn hay nhỏ sẽ khác nhau mỗi năm. Năm 2021, sóng bất động sản có biên độ lớn do xuất hiện nhiều thông tin quy hoạch, trong đó một số là tin đồn nhảm do nhà đầu cơ cố ý tung tin. Trong năm 2022 tình trạng này sẽ không lặp lại.

"Năm 2022 - 2023, tôi hi vọng Chính phủ cũng như các địa phương đã có nhiều kinh nghiệm để quản lý, kiểm soát tốt hơn. Bản thân người dân, nhà đầu tư cũng có nhận thức rõ hơn về rủi ro, vì nhiều nhà đầu tư cũng đã mất tiền trong thời gian vừa qua.

Cuối cùng, hiện nay thông tin ngày càng công khai minh bạch hơn, đặc biệt là thông tin liên quan đến quy hoạch, phát triển cơ sở hạ tầng. Vì thế khả năng làm giá của các chủ đầu tư, nhà đầu cơ cũng sẽ hạn chế hơn rất nhiều. Bất động sản có thể có sóng nhưng không mạnh và ghê gớm như chúng ta đã chứng kiến trong một vài năm vừa qua", chuyên gia dự đoán.

chọn
D2D ước lãi thêm 800 tỷ từ dự án Lộc An
Năm 2024 - 2029, D2D sẽ thực hiện tiếp giai đoạn 2 khu dân cư Lộc An với tổng mức đầu tư gần 1.116 tỷ đồng. Tổng doanh thu dự kiến trong giai đoạn 2 là hơn 2.181 tỷ đồng, lợi nhuận dự kiến 795 tỷ đồng.