Thương nhân Trung Quốc nợ nhà kho thanh long khoảng 100 tỉ đồng

Các thương nhân người Trung Quốc đang điều hành những doanh nghiệp (ở Việt Nam) thu mua thanh long từ các nhà kho, cơ sở sơ chế trên địa bàn tỉnh Long An để xuất khẩu sang thị trường 1,4 tỉ dân hiện còn đang nợ những đơn vị này khoảng 100 tỉ đồng.
Thương nhân Trung Quốc nợ nhà kho thanh long khoảng 100 tỉ đồng - Ảnh 1.

Thương nhân người Trung Quốc còn đang nợ các nhà kho, cơ sở sơ chế trên địa bàn tỉnh Long An khoảng 100 tỉ đồng. Trong ảnh là một nhà kho thu mua thanh long ở huyện Châu Thành, tỉnh Long An. (Ảnh: Trung Chánh).

Thông tin nêu trên được đưa ra tại hội nghị Sở Công Thương các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long và TPHCM tìm giải pháp tiêu thụ thanh long Long An được tổ chức vào hôm nay, 5/2, ở địa phương này.

Theo đó, báo cáo được cung cấp tại hội nghị cho thấy, quy trình thu mua thanh long trên địa bàn tỉnh Long An được thực hiện như sau: Khách hàng người Trung Quốc/kho (doanh nghiệp) có người Trung Quốc đứng ra điều hành (nhưng pháp lí là người Việt Nam) phát giá, đặt hàng các kho trong nước thông qua điện thoại, Vchat (ứng dụng chat trực tuyến). Lúc này, nhà kho phát giá đến thương lái thông qua điện thoại, Vchat, và thương lái đặt cọc thu mua từ nhà vườn (nông dân). 

“Việc thanh toán, thì không có hợp đồng nên rủi ro rất lớn”, báo cáo này cho biết.

Thông tin từ hội nghị cho biết các khách hàng là thương nhân Trung Quốc hiện còn nợ các nhà kho, cơ sở sơ chế thanh long trên địa bàn tỉnh Long An khoảng 100 tỉ đồng.

Báo cáo của Hiệp hội thanh long tỉnh Long An cho biết việc tiêu thụ loại trái cây chủ lực này ở tỉnh Long An đều qua thị trường Trung Quốc, với khoảng 80% sản lượng của tỉnh.

Chính vì vậy, theo Hiệp hội thanh long Long An, khi thị trường Trung Quốc gặp khó do ảnh hưởng của bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra, các khách hàng Trung Quốc như Công ty Hồng Thái Dương, Công ty Phú Quý đã hủy những đơn hàng phát giá đặt của các nhà kho, cơ sở sơ chế trước đó (giá 40.000- 50.000 đồng/kg), với tổng số khoảng 500 container, tương đương 7.500 tấn.

Cụ thể, Công ty Hồng Thái Dương, khách mua hàng chiếm khoảng 30-40% sản lượng thanh long của Long An, đã hủy 300 container (tương đương khoảng 4.500 tấn), với lí do dịch bệnh không bán được hàng. Công ty Hồng Thái Dương chủ yếu bán hàng vào thành phố Vũ Hán và một số nơi khác cũng trực thuộc tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc.

Đổi lại việc hủy đơn hàng, phía Công ty Hồng Thái Dương sẽ hỗ trợ cho các nhà kho, cơ sở sơ chế trên địa bàn tỉnh Long An số tiền 4.000 đồng/kg thanh long, và không cần nhận hàng. Nếu các nhà kho không chấp nhận, doanh nghiệp này sẽ không mua tiếp.

Còn với Công ty Phú Quý, đơn vị này cũng hủy 200 container hàng, tương đương khoảng 3.000 tấn, nhưng sau đó họ đã phát giá mua lại, nhưng chỉ 5.000 đồng/kg (giá tại kho).

Tuy nhiên, theo báo cáo về tình hình sản xuất, tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh Long An tại hội nghị như nêu trên, thì các khách hàng là thương nhân phía Trung Quốc hiện còn nợ các nhà kho ở Long An - là đầu mối cung cấp thanh long cho phía Trung Quốc - số tiền lên đến khoảng 100 tỉ đồng.

Báo cáo của Hiệp hội thanh long Long An cho biết, địa phương này có 154 cơ sở mua, sơ chế thanh long, trong đó, có khoảng 100 kho lạnh với sức chứa trung bình khoảng 50-70 tấn/kho.

chọn
[LIVE] ĐHĐCĐ Đạt Phương: Mục tiêu lãi 343 tỷ đồng, tìm kiếm thêm dự án bất động sản công nghiệp
Năm 2024, Đạt Phương đặt kế hoạch doanh thu thuần hợp nhất 4.566 tỷ đồng và lãi sau thuế 343,5 tỷ đồng. Với mảng bất động sản, năm nay Đạt Phương sẽ tập trung triển khai khu đô thị Cồn Tiến và Casamia Hội An, đồng thời tìm kiếm cơ hội đầu tư vào các dự án công nghiệp.