Trong bản cáo bạch về các hoạt động nửa đầu năm 2019, ByteDance - Công ty sở hữu mạng xã hội Tik Tok cho biết cáo buộc gián điệp là không có cơ sở, dù không có gì để khẳng định và biện minh cho việc cung cấp dữ liệu người dùng.
Theo đó, Tik Tok tuyên bố rằng họ không nhận được bất kì yêu cầu nào về việc cung cấp thông tin người dùng từ phía chính phủ Trung Quốc. Thay vào đó, phần lớn các yêu cầu pháp lí liên quan lại đến từ phía Ấn Độ.
Tik Tok cho biết họ đã nhận được 107 yêu cầu pháp lí liên quan đến 143 tài khoản người dùng Ấn Độ cho chính quyền nước này.
Bên cạnh Ấn Độ, Tik Tok cũng nhận được yêu cầu cung cấp thông tin 255 người dùng từ phía Hoa Kỳ. Nhật Bản cũng yêu cầu cung cấp 35 thông tin pháp lí từ mạng xã hội này.
Mạng xã hội đến từ Trung Quốc hi vọng bản cáo bạch này sẽ thúc đẩy những cuộc đối thoại cần thiết sắp tới, đồng thời mong muốn có được sự tin tưởng từ phía Hoa Kỳ.
Bản cáo bạch còn đề cập đến Douyin, một ứng dụng giống như Tik Tok được ByteDance cung cấp dành riêng cho thị trường Trung Quốc với mục đích phủ nhận sự liên quan giữa chính phủ nước này với Tik Tok.
Byte Dance cũng cho biết các máy chủ Tik Tok của họ đều đặt ở bên ngoài Trung Quốc, nên không ai có thể truy cập thông tin nếu không có sự cho phép của ByteDance.
Đầu tuần qua, quân đội Hoa Kỳ và trước đó là Hải quân Hoa Kỳ, đã cấm sử dụng Tik Tok trên các thiết bị điện thoại do chính phủ cung cấp, với lo ngại xâm phạm an ninh.
Về phía ByteDance, công ty công nghệ Trung Quốc thời gian gần đây đã bán bớt cổ phần Tik Tok của mình như một cách để giải quyết những lo ngại từ phía Hoa Kỳ. Tik Tok cũng cho biết một bản cáo bạch cho nửa cuối năm 2019 sẽ được công bố trong thời gian tới.