'Trùm' BOT Tasco kinh doanh ra sao sau khi các sếp từ nhóm Nhựa Đồng Nai lên nắm quyền?

Tasco vừa báo lãi quý IV/2021 sau 6 quý liên tiếp kinh doanh thua lỗ nhờ doanh thu tài chính tăng vọt. Nguyên nhân đến từ quyết định tinh gọn các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp sau khi "thay máu" loạt lãnh đạo đến từ nhóm Nhựa Đồng Nai.

Tasco có quý báo lãi đầu tiên sau thời gian thua lỗ liên tiếp

CTCP Tasco (mã chứng khoán: HUT) vừa công bố báo cáo tài chính quý IV/2021, trong đó, doanh thu thuần ghi nhận hơn 246 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế quý IV/2021 của Tasco ghi nhận 177 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ báo lỗ 154 tỷ đồng.

Chiếm tỷ trọng lớn nhất (70%) trong doanh thu của doanh nghiệp là từ hoạt động thu phí với hơn 172 tỷ đồng, tăng 7,5%. Ngoài ra, doanh thu từ các hoạt động khác như kinh doanh bất động sản, bán hàng và cung cấp dịch vụ, hợp đồng xây dựng đều tăng so với cùng kỳ năm 2020.

Tasco kinh doanh thế nào sau 2 tháng đổi chủ? - Ảnh 1.

Nguồn: Hiền Minh tổng hợp từ BCTC hợp nhất năm 2021 của Tasco.

Theo giải trình từ công ty, các mảng kinh doanh trong quý như thu phí đường bộ, y tế, VETC đều phục hồi và tăng trưởng. Bên cạnh đó, công ty cũng thực hiện chính sách tiết giảm chi phí trong thời kỳ dịch bệnh Covid-19 khiến giá vốn giảm 33% so với cùng kỳ, biên lợi nhuận gộp tăng, do đó, lợi nhuận gộp trong quý IV của Tasco đạt 78,4 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ 35,9 tỷ đồng.

Đáng chú ý, doanh thu hoạt động tài chính của Tasco là 219 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ đạt gần 504 triệu đồng. Đây cũng là một trong những nguyên nhân giúp công ty báo lãi trong quý IV/2021.

Tasco kinh doanh thế nào sau 2 tháng đổi chủ? - Ảnh 2.

Tasco có quý lãi đầu tiên sau 6 quý liên tiếp báo lỗ. (Tổng hợp: Hiền Minh).

Lũy kế cả năm 2021, công ty thu được 870 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 16% so với năm trước, lãi sau thuế đạt 47,8 tỷ đồng trong khi năm 2020 lỗ 243 tỷ đồng.

Năm 2021, Tasco đặt mục tiêu doanh thu 900 tỷ đồng, lỗ sau thuế 100 tỷ đồng. Như vậy, doanh nghiệp đã hoàn thành được 97% kế hoạch doanh thu và vượt kế hoạch lợi nhuận đề ra.

Như vậy, sau hai tháng kể từ khi "thay máu" loạt nhân sự cấp cao, Tasco đã có quý kinh doanh báo lãi đầu tiên sau 6 quý thua lỗ liên tiếp kể từ quý II/2020.

Các sếp từ nhóm Nhựa Đồng Nai lên nắm quyền, tinh gọn hoạt động của Tasco

Tasco kinh doanh thế nào sau 2 tháng đổi chủ? - Ảnh 3.

Tân Chủ tịch HĐQT Hồ Việt Hà của Tasco. (Ảnh: Tasco).

Tháng 10/2021 trước đó, ngay sau cuộc họp Đại hội đồng cổ đông bất thường, Tasco bất ngờ có tân Chủ tịch HĐQT là ông Hồ Việt Hà (sinh năm 1976) thay thế vị trí của ông Phạm Quang Dũng. Cùng với đó, ông Hà cũng trở thành người đại diện pháp luật mới của công ty.

Tân Chủ tịch Tasco Hồ Việt Hà được biết đến là Phó Chủ tịch HĐQT của DNP Water - công ty con do CTCP Nhựa Đồng Nai (DNP Corp, mã chứng khoán: DNP) nắm hơn 68% vốn cổ phần. 

Bên cạnh đó, ông Hà còn nắm vị trí chủ chốt trong một số doanh nghiệp khác cùng hệ sinh thái của Nhựa Đồng Nai.

Về phần ông Phạm Quang Dũng, mặc dù rời "ghế nóng" tại Tasco, ông Dũng vẫn sẽ đồng hành cùng công ty với vai trò mới là một cổ đông lớn và là thành viên trong Ban cố vấn chiến lược cấp cao của Tasco.

Không chỉ vị trí Chủ tịch HĐQT Tasco ghi nhận biến động, vị trí Tổng giám đốc Tasco cũng được giao cho ông Nguyễn Huy Tuấn sau khi ông Nguyễn Viết Tân rút lui. 

Tasco kinh doanh thế nào sau 2 tháng đổi chủ? - Ảnh 4.

Tân Tổng giám đốc Nguyễn Huy Tuấn của Tasco. (Ảnh: Tasco).

Ông Nguyễn Huy Tuấn từng giữ vị trí Tổng giám đốc Quản lý quỹ PVI và Chủ tịch HĐQT CTCP Thiết bị Y tế Việt Nhật - đơn vị có liên hệ tới Nhựa Đồng Nai. Cụ thể, ông Nguyễn Văn Hiếu, Chủ tịch HĐQT Nhựa Đồng Nai từng là cổ đông lớn nắm giữ hơn 19% vốn tại Y tế Việt Nhật.

Cũng tại đại hội vừa qua, bà Trần Hằng Thu được bầu vào làm Thành viên HĐQT công ty thay thế cho bà Đỗ Thanh Hương đã có đơn từ nhiệm trước đó.

Về phần Ban kiểm soát công ty đã được bổ sung thêm ba thành viên mới là bà Trần Minh Trang, bà Nguyễn Thị Hải Yến và bà Hoàng Thị Soa thay thế cho bà Bùi Kim Ngân (Trưởng Ban), bà Lê Thị Ngọc, ông Nguyễn Dương Thụ đã từ nhiệm.

Kể từ khi "thay máu" ban lãnh đạo cấp cao, Tasco đã thực hiện thoái vốn, tinh gọn các khoản đầu tư không trọng tâm.

Cụ thể hơn, doanh nghiệp sẽ tái cấu trúc, tập trung vào các ngành nghề chính và dồn nguồn lực để tạo sức bật trong thời gian tới với các lĩnh vực hạ tầng thiết yếu như giao thông, VETC, y tế trong bối cảnh tình hình kinh doanh gặp nhiều bất lợi, chủ yếu do tác động từ hình thức đầu tư BOT.

Trong đó, việc thoái sạch vốn tại các công ty con và công ty liên kết gồm CTCP Bất động sản Thái An, CTCP Tasco Thăng Long, CTCP D-Tech, CTCP Tasco Thành công, Công ty TNHH An Nhiên Foods theo kế hoạch đã công bố hồi đầu tháng 12.

Ước tính việc chuyển nhượng này đã giúp Tasco thu hồi vốn và mang lại lợi nhuận hợp nhất cho năm 2021 hơn 40 tỷ đồng.

Tasco tăng nắm giữ tiền mặt và đẩy mạnh đầu tư tài chính

Tính đến thời điểm ngày 31/12/2021, tổng tài sản của Tasco là hơn 10.831 tỷ đồng, tăng 6,6% so với đầu năm, chủ yếu tăng ở các khoản đầu tư ngắn hạn kéo theo tổng tài sản ngắn hạn của công ty tăng 58%.

Trong đó, các khoản đầu tư ngắn hạn có thời hạn gốc không qua ba tháng (ghi nhận ở mục các khoản tương đương tiền) tăng hơn 10 lần, đạt 237 tỷ đồng. Lượng tiền mặt và tiền gửi ngân hàng của công ty cũng tăng 103% so với đầu kỳ, đạt 404 tỷ đồng.

Đáng chú ý, các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn trong kỳ của công ty tăng 12 lần so với giá trị đầu năm lên 618 tỷ đồng.

Trái lại, giá trị tồn kho của Tasco giảm 37%, đạt hơn 78 tỷ đồng. Các danh mục tồn kho hàng hóa bất động sản, chi phí sản xuất kinh doanh dở dang đều giảm phân nửa so với giá trị đầu năm.

Chi phí sản xuất kinh doanh dở dang dài hạn của một dự án khu nhà ở sinh thái và một dự án xây dựng nhà ở đều tăng tổng cộng 84,3 tỷ đồng so với đầu năm. Song, tổng giá trị tại một dự án đầu tư xây dựng một tuyến đường và một dự án khu đô thị mới giảm hơn 135 tỷ đồng.

Do đó, tổng tài sản dở dang dài hạn trong kỳ của công ty cũng giảm hơn 7% so với đầu năm. Tasco không thông tin cụ thể các dự án trên.

Tasco kinh doanh thế nào sau 2 tháng đổi chủ? - Ảnh 3.

Dự án Foresa Xuân Phương tại quận Nam Từ Liêm, Hà Nội - một dự án khu đô thị sinh thái mà Tasco đang phát triển với quy mô 38 ha, tổng mức đầu tư 2.850 tỷ đồng. (Ảnh: Tasco).

Đòn bẩy tài chính duy trì mức cao, nợ vay vượt gần 40% vốn chủ sở hữu

Trong năm 2021, để giải quyết bài toán nguồn vốn cho các dự án, Tasco liên tiếp lên kế hoạch huy động vốn.

Giữa tháng 6, HĐQT công ty đã thông qua vay vốn cựu Chủ tịch HĐQT Phạm Quang Dũng với số tiền 25 tỷ đồng, thời hạn một năm, lãi suất 13%/năm để thực hiện dự án BT Lê Đức Thọ.

Tháng 9, công ty tiếp tục thông qua việc phát hành 80 triệu cổ phiếu với giá chào bán 10.000 đồng/cp cho 6 nhà đầu tư chuyên nghiệp. Tổng số tiền thu được dự kiến là 800 tỷ đồng, được công ty sử dụng để góp vốn vào CTCP VETC (500 tỷ đồng), bổ sung vốn lưu động cho gói thầu xây dựng dự án đầu tư xây dựng nhà máy điện mặt trời Phước Thái 2 (200 tỷ đồng) và trả nợ nhà thầu (100 tỷ đồng).

Theo đó, tình hình đòn bẩy tài chính của doanh nghiệp thời điểm cuối năm vẫn ở mức cao dù đã giảm 5% so với đầu năm. Cụ thể, tổng nợ tài chính tại thời điểm cuối năm 2021 là gần 5.239 tỷ đồng, cao gấp 1,4 lần vốn chủ sở hữu doanh nghiệp (3.803 tỷ đồng).

Trong đó, nợ ngắn hạn giảm 9,5% còn hơn 88,5 tỷ đồng, là các khoản vay từ một số cá nhân để bù đắp vốn cho một dự án.

Nợ dài hạn là 5.150 tỷ đồng, giảm 5%, là các khoản vay từ ngân hàng để thực hiện các dự án BOT, dự án xây dựng hệ thống thu phí không dừng và kiểm soát tải trọng xe (VETC) và một dự án bệnh viện. 

chọn
Hai thách thức lớn của Long Hậu
Đánh giá về 2024, Long Hậu cho rằng các chính sách pháp luật có nhiều thay đổi, là một trong những rủi ro ảnh hưởng đối với các nhà phát triển khu công nghiệp. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp ngoài ngành bắt đầu chuyển hướng đầu tư sang BĐS công nghiệp cũng làm gia tăng sự cạnh tranh trong lĩnh vực này.