Hiện trạng khu vực I di tích Kinh thành người dân sinh sống. (Video: Khải Tuấn).
Di tích Kinh thành Huế được xây dựng dưới thời vua Gia Long, vua Minh Mạng, có diện tích hơn 500 ha. Đây là Quần thể di tích Cố đô Huế có giá trị lịch sử đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa của nhân loại.
Kinh thành Huế là một công trình di tích có giá trị lớn về lịch sử, văn hóa, kiến trúc, cảnh quan môi trường và quân sự, bao gồm nhiều hạng mục như: Hộ Thành hào, tường thành, Kỳ Đài…
Những ngôi nhà tạm bợ làm mất cảnh quan di tích. (Ảnh: Khải Tuấn).
Hơn 130 năm kể từ khi triều đình Huế ký Hiệp ước Patenotre vào năm 1884 để quân Pháp vào đóng ở đồn Mang Cá và sau đó dần dần mất đi chủ quyền, việc bảo trì kinh thành ngày càng sa sút.
Khi Kinh đô Huế nói chung và Kinh thành Huế nói riêng trở thành di tích thì các công trình hư hỏng dần. Tại nhiều điểm di tích, người dân tự động lấn chiếm dần mặt bằng của công trình kiến trúc, xây dựng nhà ở, mở vườn, trồng hoa màu…
Cho đến nay, trong các khu vực I di tích kinh thành có khoảng 4.200 hộ dân sinh sống. Phần lớn các hộ dân sống trong những ngôi nhà tạm bợ, chật hẹp, các điều kiện vệ sinh, môi trường không đảm bảo, ảnh hưởng đến sức khỏe và mỹ quan đô thị, xâm phạm nghiêm trọng di tích.
Hầu hết các hộ dân sống trong khu vực I di tích không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đất ở không hợp lệ và xây dựng nhà trên công trình di tích, làm nhà chồ trên mặt nước.
Nhà dân mọc trên khu vực Thượng thành. (Ảnh: Khải Tuấn).
Theo ghi nhận, cuộc sống của người dân sống tại các di tích rất khốn khổ. Nhà cửa xuống cấp, mùa mưa bão phải tránh đi nơi khác, đi lại khó khăn, nhiều điểm di tích thành tụ điểm tiêm chích ma túy…
Những bức tường thành ở khu vực di tích xuất hiện những vệt dài màu đen xì và xuống cấp nghiêm trọng. Ngoài ra, nước sinh hoạt thải trực tiếp ra khu vực tường thành cũng bốc mùi hôi thối.
Sinh sống "treo" trên khu vực Thượng thành hơn 40 năm qua, bà Trần Thị Huệ (83 tuổi, đường Xuân 68, TP Huế) cho biết: "Cuộc sống ở nơi này hơi khó khăn. Vào mùa mưa, nhà bị dột nhiều chỗ, mùa nắng thì nóng. Nhưng bây giờ đi đâu cũng không được vì tiền không có".
Áp lực của các hộ dân sống trong các khu vực I của di tích khiến giới hạn tầm nhìn và làm giảm vẻ mỹ quan, ảnh hưởng đến diện mạo và sự bền vững của công trình kiến trúc, đặc biệt là làm môi trường bị ô nhiễm nặng.
Trước tình trạng trên, Đề án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực I hệ thống di tích Kinh thành Huế được ra đời nhằm đẩy mạnh công tác chỉnh trang đô thị di sản và ổn định cuộc sống cho hơn 1,5 vạn dân đang sinh sống tại khu vực I các di tích Kinh thành Huế.
Đồng thời, tăng cường, đẩy mạnh công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích Cố đô Huế, bảo tồn kho tài nguyên văn hóa đồ sộ, đặc sắc tiêu biểu của văn hóa dân tộc Việt Nam. Qua đó, tạo ra những sản phẩm du lịch mới lạ, hấp dẫn, tạo động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh này.
Ngôi nhà tồi tàn của gia đình bà Trần Thị Huệ. (Ảnh: Khải Tuấn).
Theo đề án, sẽ có hơn 4.200 hộ dân được di dời, kinh phí thực hiện là 2.735 tỉ đồng (đề xuất trung ương hỗ trợ). Đề án thực hiện theo 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 (từ 2019-2021) sẽ di dời khoảng 2.938 hộ dân; giai đoạn 2 (từ 2022- 2025) sẽ di dời 1.263 hộ dân.
Ngoài ra, phần hạ tầng kĩ thuật khu dân cư phục vụ di dời, giải phóng mặt bằng với quy mô 105 ha ở phường Hương Sơ (TP Huế) cũng được dự kiến thực hiện với kinh phí 1.362 tỉ đồng từ ngân sách địa phương.
Trong năm 2019, sẽ có 523 hộ dân đang sinh sống tại khu vực Thượng thành, Eo Bầu, Hộ Thành hào và tuyến phòng lộ thuộc di tích Kinh thành Huế sẽ được di dời.
Sau khi thực hiện việc di dời sẽ cải tạo mặt bằng, trả lại nguyên trạng cho di tích và triển khai trùng tu, tôn tạo và bảo tồn di tích ở Kinh thành Huế. Sau đó, sẽ xây dựng các sản phẩm du lịch trải nghiệm để thu hút du khách như đi bộ ngắm cảnh trên di tích Thượng thành, đi thuyền dọc ở các hồ, sông ven Kinh thành…
Mới đây, vào ngày 10/6, tại buổi làm việc với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng lãnh đạo các bộ ngành, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế đề xuất Thủ tướng quan tâm đảm bảo nguồn lực để kịp thời thực hiện đề án.
Cụ thể, tại buổi làm việc, lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, tỉnh đang tập trung nỗ lực để thực hiện Đề án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực I di tích Kinh thành Huế. Dự kiến trong tháng 9 tới, tỉnh sẽ hoàn thành khu tái định cư và thực hiện di dời 523 trong số hơn 4.200 hộ "sống treo" tại các di tích Kinh thành Huế trong tháng 10/2019.
Theo lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, kinh phí thực hiện giai đoạn 1 của đề án lên đến 1.880 tỉ đồng là quá lớn so với khả năng ngân sách địa phương. Vì vậy, tỉnh đề nghị Thủ tướng quan tâm phê duyệt bổ sung danh mục kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2019-2020 và bố trí từ nguồn dự phòng chung của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 cho dự án Bảo tồn, tu bổ và tôn tạo di tích Kinh thành Huế, giúp tỉnh đảm bảo được nguồn lực để kịp thời thực hiện đề án.
Hàng chục năm qua, người dân "sống treo" trên di sản. (Ảnh: Khải Tuấn).
Lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đề nghị, trong trường hợp không cân đối được kinh phí, Thủ tướng Chính phủ quan tâm bố trí vốn cho Chương trình mục tiêu văn hóa của tỉnh 2 năm 2019 và 2020 hoặc cho phép áp dụng cơ chế đặc thù đối với di sản quần thể Di tích Cố đô Huế giai đoạn 2019-2020 theo Luật Di sản văn hóa.
Cụ thể, tỉnh được để lại và sử dụng toàn bộ nguồn thu phí di tích cho việc thực hiện Đề án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực I di tích Kinh thành Huế và trùng tu di tích, không huy động 50% từ nguồn thu phí bán vé tham quan di tích để cân đối quỹ cải cách tiền lương...
Tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cơ bản đồng ý theo chủ trương và đề xuất của tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Thủ tướng nhấn mạnh, việc thực hiện đề án là cuộc di dân mang tính lịch sử nên đề nghị các bộ, ngành nghiên cứu các giải pháp về nguồn vốn để giúp tỉnh thực hiện, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Đề án di dời 4.200 hộ dân với hơn 15.000 người ra khỏi khu vực I di tích Kinh thành Huế được xem là cuộc di dân lớn nhất của tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Đô thị 13:41 | 04/02/2020
Đô thị 13:36 | 04/02/2020
Nhà đất 11:29 | 28/11/2019
Nhà đất 14:04 | 04/10/2019
Đô thị 15:56 | 26/09/2019
Đô thị 16:21 | 25/09/2019
Đô thị 11:43 | 24/09/2019
Đô thị 11:59 | 21/09/2019