Cơn hoảng loạn mua sắm toàn cầu vì nCoV

Từ Nhật Bản, Australia cho đến Mỹ đang chứng kiến làn sóng tích trữ giấy vệ sinh, khẩu trang đến mức phi lí, khi nỗi lo sợ nCoV tăng lên.

Những hình ảnh trên mạng xã hội cho thấy dòng người chen chúc ở siêu thị và vét sạch các kệ hàng đang làm tăng thêm sự hoang mang trong cuộc chiến với Covid-19.

Siêu thị lớn nhất Australia tuần này bắt đầu hạn chế lượng mua giấy vệ sinh, sau khi cảnh sát được điều tới cửa hàng tại Sydney do một vụ ẩu đả liên quan đến mặt hàng này. 

Hôm 29/2, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo lên Twitter kêu gọi người dân bình tĩnh trước tình trạng thiếu hụt hàng hóa trên toàn quốc, trong khi các siêu thị ở Mỹ cũng hết sạch giấy vệ sinh.

Cơn hoảng loạn mua sắm toàn cầu vì nCoV - Ảnh 1.

Người dân hối hả mua giấy vệ sinh và nước đóng chai tại một siêu thị ở Los Angeles, California, Mỹ hôm 29/2. (Ảnh: AFP).

Các nhà tâm lí học cho hay sự kết hợp giữa tâm lí đám đông và việc theo dõi quá nhiều tin tức về Covid-19 đã dẫn tới cuộc khủng hoảng mua sắm trên.

"Chúng ta có thể sẽ bớt phi lí nếu không có những thông tin đề cập quá nhiều về các nguy cơ", Kate Nightingale, nhà tâm lí học về tiêu dùng ở London, nói. "Chúng ta hoặc tránh chủ đề này hoặc trở nên hoàn toàn điên cuồng và dự trữ bất cứ thứ gì chúng ta có thể cần".

Việc mua sắm hoảng loạn những mặt hàng không có ý nghĩa về y tế, như giấy vệ sinh "mang lại cho mọi người cảm giác rằng 'tôi sẽ có những gì mình cần khi tôi muốn'", Andy Yap, một nhà tâm lí học, và Charlene Chen, chuyên gia về marketing và kinh doanh ở Singapore, chia sẻ quan điểm.

Singapore cũng chứng kiến cơn sốt giấy vệ sinh, khi có tin đồn lan truyền rằng các nhà máy ở Trung Quốc sẽ đóng cửa do Covid-19. Việc xem quá nhiều thông tin không được kiểm chứng trên mạng xã hội cũng "làm lệch lạc nhận thức, và khiến chúng ta nghĩ rằng mọi thứ nghiêm trọng hơn thực tế", hai chuyên gia nói thêm.

Khi nỗi hoang mang tăng lên, những thứ như khẩu trang và nước rửa tay biến thành mặt hàng "trấn an tâm lí" cho mọi người trước virus. Khẩu trang y tế dùng một lần càng được săn lùng do Trung Quốc, nhà sản xuất khẩu trang hàng đầu thế giới, hạn chế xuất khẩu nhằm đáp ứng nhu cầu trong nước.

Tháng trước, cả chục nghìn người đã xếp hàng ở một cửa hàng tại Hong Kong chỉ để mua khẩu trang, và vài ngày sau đó, nó được bình chọn là món quà yêu thích nhất Valentine.

Tại London, khẩu trang đang bị đẩy giá cao gấp 100 lần so với giá bán lẻ thông thường, trong khi giới chức Pháp cho hay sẽ tận dụng mọi nguồn dự trữ và sản xuất khẩu trang. "Nhu cầu mua khẩu trang tăng mạnh do tình trạng mua sắm hoảng loạn, dự trữ và đầu cơ", phát ngôn viên Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Fadela Chaib nói.

Trung tâm Ngăn ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh Mỹ (CDC) cho hay cơ quan này "không khuyến cáo sử dụng khẩu trang" để chống Covid-19. Tuy nhiên, tại các thành phố đông đúc, nơi những người khác đã đeo khẩu trang, việc sử dụng mặt hàng này có thể đem lại cảm giác an tâm.

"Bạn không muốn trở thành kẻ kì quặc giữa mọi người", Nightingale, chuyên gia ở London nói. "Việc tuân theo bất kì nhu cầu nào mà xã hội áp đặt lên chúng ta là bản năng nguyên thủy".

Cơn hoảng loạn mua sắm toàn cầu vì nCoV - Ảnh 2.

Kệ giấy vệ sinh trống rỗng tại một siêu thị ở Sydney, Australia hôm 4/3. (Ảnh: Bloomberg).

Khi càng nhiều quốc gia ghi nhận những ca nhiễm nCoV mới, Yap và Chen cho biết giới chức cần phải "thiết lập lại quyền kiểm soát" về thông tin và những tin đồn gây ra tình trạng tích trữ hàng hóa và mua sắm điên cuồng.

"Vào những thời điểm bất ổn, tốt nhất là đề ra quy định, vì quy định mang lại trật tự và kiểm soát", hai chuyên gia nói.

Các chính phủ cũng cần phải giải thích rõ ràng về những quy định mới và tại sao chúng quan trọng trong cuộc chiến với nCoV. Tuy nhiên, theo Nightingale, việc người dân ngày càng mất lòng tin vào giới chức y tế ở các nước phương Tây có thể khiến điều này gặp khó khăn.

"Họ có thể mời những gương mặt nổi tiếng hỗ trợ. David Attenborough có thể là người đại diện phù hợp cho những khách hàng trên 40 tuổi", Nightingale nói, nhắc tới phát thanh viên 93 tuổi của Anh. "Với những người trẻ hơn, họ có thể mời những gương mặt có ảnh hưởng lớn trên mạng xã hội".


chọn
Chủ tịch Lương Minh Tuấn: Kính siêu trắng sẽ là mũi nhọn 5 năm tới của Đạt Phương, dự kiến mang về doanh thu nghìn tỷ từ 2026
Theo kế hoạch, quý I /2025 Đạt Phương sẽ khởi công nhà máy sản xuất kính siêu trắng tại Thừa Thiên - Huế, dự kiến từ 2026 sẽ mang về doanh thu 1.500 - 2.000 tỷ đồng. Chủ tịch Đạt Phương cho biết, đây là ngành mũi nhọn của Đạt Phương trong thời gian tới, doanh nghiệp đang có những lợi thế lớn trên thị trường kính siêu trắng.