Covid-19 đẩy tập đoàn bán lẻ thời trang Gap đến khủng hoảng tiền mặt, phải dừng trả tiền thuê mặt bằng, đóng nhiều điểm kinh doanh

Tập đoàn Gap - sở hữu 7 thương hiệu thời trang lớn tại Mỹ, đã tuyên bố hãng có thể sẽ không cầm cự đến 12 tháng tới, và đang rất cần vay thêm vốn để duy trì hoạt động.

Với các qui định đóng cửa do đại dịch Covid-19, hoạt động kinh doanh của các nhà bán lẻ quần áo trên toàn cầu đã bị tê liệt hoàn toàn.

Tập đoàn bán lẻ quần áo đa quốc gia Gap rơi vào khủng hoảng tiền mặt, ngừng trả tiền thuê mặt bằng - Ảnh 1.

Hai cửa hàng bán lẻ thương hiệu Old Navy và Gap thuộc Tập đoàn Gap tại Quảng trường Thời đại, New York, Mỹ. (Nguồn: Fortune).

Ngày thứ Năm (23/4), Tập đoàn đa quốc gia Gap – sở hữu thương hiệu thời trang Old Navy và Banana Republic – đã đăng thông báo cần vay thêm vốn; nếu không, hãng sẽ không thể sống sót qua 12 tháng tới.

Nhà bán lẻ hàng may mặc cũng cho biết đã dừng thanh toán toàn bộ khoản tiền thuê mặt bằng cho các cửa hàng bị đóng cửa.

Gap đang đàm phán xin trì hoãn tiền thuê, và thay đổi một số điều khoản hợp đồng cho thuê với các chủ mặt bằng.

Hãng cũng cho biết đối với một số nơi, Gap sẽ chấm dứt hợp đồng thuê và đóng cửa vĩnh viễn các cửa hàng tại đó.

Theo tiết lộ từ phía nhà bán lẻ đa quốc gia này, khoản trì hoãn tiền thuê sẽ lên tới khoảng 115 triệu USD/tháng chỉ tính riêng Bắc Mỹ.

Tập đoàn bán lẻ quần áo đa quốc gia Gap rơi vào khủng hoảng tiền mặt, ngừng trả tiền thuê mặt bằng - Ảnh 2.

Không chỉ Gap, kịch bản khủng hoảng do hoạt động đình trệ đang đe dọa hàng loạt các nhà bán lẻ thời trang khác. (Nguồn: India Gone Viral).

Không chỉ Gap, các chuỗi bán lẻ truyền thống đang phải đối mặt với sự suy giảm doanh số chưa từng có, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát, buộc họ phải ngừng các hoạt động kinh doanh cốt lõi.

Các nhà bán lẻ đã và đang phải cắt giảm chi phí, chạy vốn tham gia vào các khoản vay tín dụng lớn để duy trì hoạt động.

Theo Reuters, chuỗi bán lẻ các mặt hàng xa xỉ Mỹ - Neiman Marcus, hôm Chủ nhật tuần trước đã thông báo đang gấp rút chuẩn bị các hình thức bảo hộ phá sản, sớm nhất là ngay trong tuần này.

Nhiều công ty điều hành các cửa hàng bách hóa tổng hợp khác cũng đang chật vật chiến đấu, nhằm tránh số phận tương tự như Neiman Marcus.

Giống như nhiều công ty khác tại Mỹ, Gap đã hủy bỏ toàn bộ mục tiêu tài chính cho năm 2020, đình chỉ khoản trả cổ tức, sa thải nhân viên và rút kiệt các hạn mức tín dụng mà hãng hiện có.

Nhà bán lẻ quần áo sở hữu Banana Republic và Old Navy cho biết dự kiến sẽ thu được 750-850 triệu USD tiền mặt và các khoản tương đương tiền, bao gồm các khoản đầu tư ngắn hạn, vào cuối quí tài chính kết thúc vào ngày 2/5.

Để có đủ tiền duy trì hoạt động trong 12 tháng tới, Gap cho biết sẽ cần phải khai thác các thị trường nợ, cắt giảm việc làm, trì hoãn chi tiêu vốn và cắt giảm đơn hàng từ các nhà cung cấp.

"Không có sự kiện nào trước đây có thể so sánh được với đại dịch Covid-19 toàn cầu, và có thể giúp chúng tôi chuẩn bị trước mọi thứ...", một đại diện của Gap lên tiếng.

"Và các bước mà chúng tôi đang cần phải thực hiện để giải quyết những tác động này, mang rủi ro cực kì cao", đại diện Gap nhận định.

chọn
Thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua (11/1 - 17/1): Thủ tướng yêu cầu khởi công toàn bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng trong quý I
Thủ tướng yêu cầu khởi công cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng; Hà Nội khởi công đường Tây Thăng Long qua Đan Phượng; gần 4.000 tỷ đồng bồi thường, TĐC cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành qua Bình Phước... là những thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua.