Theo số liệu quan trắc chất lượng không khí Hà Nội trong hai ngày 27 và 28/3, chỉ số AQI (AQI là chỉ số để báo cáo chất lượng không khí hàng ngày đối với 5 chất ô nhiễm cơ bản gồm bụi PM10, SO2, NO2, CO và O3) luôn ở mức xấu, cho sức khỏe.
Thời điểm 7h sáng 28/3, AQI ghi nhận là 277, còn hôm 27/3, chỉ số này ở mức nguy hại là 310. Mặc dù chỉ số AQI của 2 ngày 26 và 27/3 có sự chênh lệch nhưng đều ở mức nguy hại, khuyến cáo người dân không nên ra đường.
Con số trên cho thấy chất lượng không khí ở Hà Nội đang rất "tồi tệ". Trong không khí không chỉ các chất ô nhiễm cơ bản tăng thêm mà còn có một lượng bụi mịn dày đặc.
Trong tháng vừa qua, nhiều người ở Hà Nội cảm thấy vô cùng ngột ngạt, không khí mờ mịt vì bụi lơ lửng, mức độ ô nhiễm tập trung nhiều hơn cả ở các điểm có nhiều phương tiện qua lại. (Ảnh: Kênh14)
Tiến sĩ Đỗ Mạnh Cường - Phó Trưởng phòng Sức khỏe Môi trường Cộng đồng, Cục Quản lý Môi trường Y tế (Bộ Y tế) thông tin với báo chí, trong không khí Hà Nội hiện nay có chứa dạng bụi nguy hiểm, nó có kích thước từ siêu nhỏ đến nhỏ là PM10 và PM2.5.
Trong đó PM2.5 là một dạng hạt bụi "siêu nhỏ" được cho là có thể "xuyên thủng" khẩu trang rồi khả năng len lỏi vào sâu trong phổi và cơ thể người, gây ảnh hưởng tới sức khỏe.
PGS.TS Nguyễn Đinh Tuấn, nguyên Hiệu trưởng Đại học Tài nguyên và Môi trường TP.HCM lí giải, PM (particulate matter) còn gọi hạt bồ hóng trôi nổi trong không khí có kích thước và mật độ được tính bằng đơn vị micromet (μm).
Loại bụi có đường kính 10 μm gọi là PM10 là bụi mịn. Nhỏ hơn và nguy hiểm hơn là loại bụi siêu mịn PM2.5.
Kích thước bụi siêu mịn PM 2.5 so với một sợi tóc. (Ảnh: Tuổi trẻ)
Ở các đô thị lớn ở nước ta như Hà Nội và TP HCM, các loại bụi này hầu hết sinh ra từ khí thải giao thông (xe buýt, xe máy, xe hơi). Trong đó, sinh bụi nhiều nhất là từ xe chạy bằng dầu, ở công trình xây dựng, các nhà máy điện, từ đốt gỗ hoặc đốt rác, ở các nhà máy công nghiệp...
Loại bụi mịn PM2.5 có kích cỡ siêu nhỏ, chỉ bằng 1/30 của sợi tóc nên được coi là sát thủ nguy hiểm nhất. Nó có thể đi sâu vào phế nang gây viêm nhiễm đường hô hấp và làm tăng nguy cơ thiệt mạng ở những người mắc bệnh ung thư phổi và bệnh tim.
Theo Tiến sĩ Đỗ Mạnh Cường, thời điểm này, không khí Hà Nội có lượng độ ẩm cao, không khí ô nhiễm, những hạt bụi siêu mịn, siêu nhỏ này càng dễ dàng xâm nhập vào cơ thể đi thẳng vào mô, phế nang phổi và là nguyên nhân gây nên nhiều bệnh lí về hô hấp rất nguy hiểm.
Đây cũng là nguyên nhân gây ra vô số các bệnh về đường hô hấp, nhất là những người có tiền sử mắc các bệnh mãn tính về hô hấp, phổi, hen suyễn hay người già và trẻ nhỏ.
Bụi siêu nhỏ PM2.5 có khả năng "vượt hàng rào khẩu trang" để đi vào cơ thể. (Ảnh: MT/VTC News)
"Con người nếu hít những loại bụi này trong thời gian dài có thể gây sổ mũi, hắt hơi, khó thở, ho kéo dài, thậm chí về lâu về dài còn gây rối loạn đường thở.
Với các bệnh nhân có tiền sử bị bệnh hô hấp mãn tính hay tim mạch thì tình trạng có thể trầm trọng hơn. Bởi vậy, họ được khuyên không nên ra ngoài trong thời điểm không khí đang ở mức nguy hại", BS CKII Nguyễn Ngọc Hồng, Trưởng khoa Bệnh Phổi nghề nghiệp, Bệnh viện Phổi Trung ương thông tin như vậy trên VTC News.
Trong thời điểm không khí Hà Nội ô nhiễm nghiêm trọng như hiện nay bác sĩ Nguyễn Ngọc Hồng khuyến cáo người dân, tuy bụi PM2.5 có thể xuyên qua khẩu trang, khó phòng tránh, nhưng nếu đeo khẩu trang người dân có thể hạn chế được bớt sự nguy hiểm của khói bụi độc hại trong không khí.
Ngoài ra, khi ra ngoài người dân cũng cần phải trang bị khẩu trang, mũ nón, kính mắt đầy đủ để tự bảo vệ mình.
Nếu không may xuất hiện những dấu hiệu bất thường về sức khỏe như ho, sổ mũi, khó thở… cần nhanh chóng đến cơ sở y tế nơi gần nhất để thăm khám và điều trị, tránh chủ quan khiến bệnh tình ngày càng trầm trọng.
Kinh doanh 08:57 | 22/10/2021
Đô thị 07:00 | 18/06/2020
Đô thị 06:56 | 17/06/2020
Đô thị 07:00 | 16/06/2020
Đô thị 07:07 | 15/06/2020
Đô thị 07:40 | 13/06/2020
Đô thị 07:00 | 12/06/2020
Đô thị 07:00 | 09/06/2020