Thị trường văn phòng Hà Nội đang phục hồi tốt sau đại dịch

Tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, nguồn vốn FDI bền vững, các doanh nghiệp mới thành lập, cơ sở hạ tầng được cải thiện và sự tăng trưởng của các ngành công nghiệp chủ chốt đang thúc đẩy tình hình hoạt động cũng như nguồn cầu cho thị trường văn phòng Hà Nội.

 

 Tình hình hoạt động thị trường văn phòng tại Hà Nội. (Ảnh chụp màn hình).

Báo cáo Savills cho thấy, trong quý III vừa qua, tổng nguồn cung văn phòng tại Hà Nội ở mức 2,13 triệu m2, giảm 1% so với quý trước sau khi hai tòa nhà ngừng cho thuê.

Trong đó, văn phòng hạng B chiếm 50%. Xét về thị phần khu vực thì phía Tây Hà Nội chiếm diện tích lớn nhất với 849.000 m2, tương đương 40%. Khu vực nội thành có 830.000 m2, tương đương 39%. Quận Cầu Giấy có thị phần lớn nhất với 604.000 m2, tương đương 28%.

Giá thuê gộp tại thị trường Hà Nội đạt 503.000 đồng/m2 mỗi tháng, tăng 2% theo quý. Hạng A có giá thuê cao nhất tương ứng 822.000 đồng/m2, tăng 2% theo quý và 6% theo năm. Giá thuê hạng B tăng 1% và hạng C tăng 2% theo quý.

"Giá thuê hạng A tăng do sự gia nhập của các tòa nhà chất lượng cao mới, trong khi nguồn cung mới hạng B vẫn còn hạn chế. Hầu hết các giao dịch trong quý này là từ 300 - 500 m2", bà Hoàng Nguyệt Minh, Giám đốc cấp cao, bộ phận Cho thuê thương mại, Savills Hà Nội cho biết.

Công suất thuê toàn thị trường tăng 2% theo quý và 4% theo năm. Hạng C dẫn đầu về tỷ lệ lấp đầy với 96%. Phân khúc này cũng có diện tích cho thuê lớn nhất.

Bất chấp sự gia nhập của các dự án hạng A mới tại khu vực trung tâm, tỷ lệ trống thấp, các tòa nhà cũ và nguồn cung tương lai hạn chế vẫn tồn tại. Savills cho rằng, nhu cầu đối với diện tích thuê trong trung tâm chưa được đáp ứng sẽ là động lực cho phát triển văn phòng mới, vị trí đẹp ở khu vực ngoài trung tâm. Ngoài ra, việc phát triển cơ sở hạ tầng như tuyến tàu điện và đường vành đai cũng tạo điều kiện thuận lợi cho người thuê thành lập, dịch chuyển hoặc hợp nhất văn phòng ở khu vực ngoài trung tâm.

Theo báo cáo, thị trường văn phòng của Hà Nội đang phục hồi tốt sau đại dịch. Các yếu tố gồm tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, nguồn vốn FDI bền vững, các doanh nghiệp mới thành lập, cơ sở hạ tầng được cải thiện và sự tăng trưởng của các ngành công nghiệp chủ chốt đang thúc đẩy tình hình hoạt động cũng như nguồn cầu cho thị trường.

Dự kiến đến cuối năm 2022, 4 dự án mới sẽ cung cấp thêm 113.000 m2 diện tích văn phòng tại Hà Nội. Trong đó hạng A chiếm 34%, hạng B chiếm 64%. 

Savills nhận định nguồn cung tương lai phản ánh nhu cầu ngày càng tăng đối với văn phòng chất lượng cao ở mức giá cạnh tranh. Từ năm 2023 - 2025, dự kiến sẽ có 699.000 m2 từ 19 dự án mới, bao gồm 36 Cát Linh, Lotte Mall Hà Nội (Lotte Võ Chí Công), Tiến Bộ Plaza, Gelex 10 Trần Nguyên Hãn và các dự án tại khu Starlake. Khu phía Tây sẽ đóng góp nhiều nhất, trong đó Starlake cung cấp tới 430.000 m2, tương đương 28% nguồn cung tương lai.

Về giá cả, Savills dự báo, đến năm 2025, giá thuê khu trung tâm sẽ tăng 5% mỗi năm. Nguồn cung chủ yếu từ các bất động sản cao cấp mới và các tòa nhà cũ được nâng cấp. 

Khu vực nội thành sẽ tăng 5%/năm theo mức tăng tại tòa Capital Place và sự gia nhập của các dự án mới.  Giá thuê ở khu vực phía Tây cũng được dự báo sẽ tăng nhẹ theo nhu cầu từ các công ty công nghệ thông tin và sự gia nhập của các dự án văn phòng hạng A mới.

Nhu cầu thuê từ khách hàng đến từ các ngành ICT, sản xuất, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm và bất động sản vẫn sẽ tiếp tục tăng.

chọn
Lãnh đạo Everland chia sẻ về dự án HH5 Bắc An Khánh vừa M&A ở khu tây Hà Nội
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2024, Chủ tịch Everland Lê Đình Vinh cho biết, hiện nay tình hình thị trường bất động sản phía tây Hà Nội đang ấm dần, do tập đoàn đang phối hợp với chủ khu đô thị Bắc An Khánh để hoàn thiện các thủ tục về đầu tư, xây dựng ô đất HH5 để có thể triển khai xây dựng từng phần ngay trong 2024.