Theo các nhà kinh tế, tốc độ lây lan của virus corona ở Trung Quốc đã vượt qua SARS và tác động kinh tế của loại virus mới từ Vũ Hán có thể nghiêm trọng hơn so với đại dịch 2002 - 2003.
Tổ chức Y tế Thế giới cho biết trong đại dịch SARS từ 1/11/2002 - 31/7/2003, Trung Quốc có 5.327 trường hợp nhiễm bệnh. Tuy nhiên, hiện nay đối với virus corona, Trung Quốc chỉ mất vỏn vẹn một tháng để lên con số này.
Tính đến sáng sớm 30/1, đã có ít nhất 7.711 ca nhiễm virus corona ở 15 nước trên thế giới - gần như toàn bộ ở Trung Quốc, khoảng 70 ca ở nước khác, Reuters dẫn số liệu từ WHO.
Số liệu ban đầu cho thấy đối với loại virus mới này, tỉ lệ tử vong là từ 2-3% so với mức 7% của đại dịch SARS.
Virus corona xuất phát từ Vũ Hán, được xác định có thể gây ra một loại viêm phổi cấp, tương tự như đại dịch SARS giai đoạn 2002 - 2003, đã giết chết hơn 800 người. Hiện đã có 170 người chết tại Trung Quốc vì virus corona.
“Có những lí do để lo lắng về tốc độ lây lan virus corona nhanh hơn so với dịch SARS trước kia, bởi sự kết nối giao thông, kinh tế ngày nay đã lớn hơn rất nhiều”, ông Tommy Wu, chuyên gia kinh tế cao cấp tại Đại học Kinh tế Oxford, nói.
Hiện virus corona đã xuất hiện tại các vùng khác Vũ Hán như Bắc Kinh, Thượng Hải và một số thành phố đông dân của Trung Quốc. Các quốc gia ghi nhận có những ca nhiễm bệnh đầu tiên bao gồm: Thái Lan, Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc, Pháp, Đức, Hoa Kỳ, Việt Nam...
“Chúng tôi tin rằng tác động kinh tế của virus corona có thể sẽ lớn hơn rất nhiều so với đại dịch SARS năm 2003”, báo cáo từ các nhà phân tích của Nomura viết.
Tăng trưởng GDP thực tế của Trung Quốc đã giảm khoảng 2 điểm phần trăm từ quý đầu tiên đến quý thứ 2 năm 2003, do dịch SARS bùng phát, các nhà phân tích từ Nomura lưu ý.
“Dựa trên các giả định của chúng tôi, tăng trưởng GDP thực tế trong quý I/2020 của Trung Quốc có thể giảm đáng kể so với tốc độ 6% đạt được trong quý IV/2019, quy mô có thể lớn hơn 2 điểm phần trăm so với đợt dịch SARS năm 2003”, báo cáo cho biết.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cũng chỉ ra rằng, virus corona có thể chỉ là một cú sốc tạm thời cho nền kinh tế, và không để lại tác động lâu dài. Mặc dù vậy, quy mô và ảnh hưởng thực sự của chủng virus mới với kinh tế Trung Quốc hiện vẫn chưa thể xác định một cách chắc chắn.
Dịch bệnh bùng phát vào thời điểm trước kì nghỉ Tết Nguyên đán, khi hàng trăm triệu người Trung Quốc đi du lịch trong và ngoài nước, cùng hàng nghìn lễ hội diễn ra trên khắp đất nước.
“Thời điểm cũng rất quan trọng. Vì đang là khoảng thời gian Tết Nguyên đán, nhiều người trở về nhà để đoàn tụ ăn Tết. Trong vài tuần tới khi kì nghỉ kết thúc, sẽ có một làn sóng di dân khổng lồ từ các vùng quê ra thành phố. Đó là lí do tại sao tác động của corona có thể nghiêm trọng hơn đại dịch SARS”, chuyên gia tại Đại học Kinh tế Oxford giải thích.
Ngay cả khi dịch bệnh corona có được kiểm soát nhanh hơn so với SARS vào năm 2003, thì tác động kinh tế cũng được dự báo ít nhất sẽ ở quy mô tương tự, Mark Williams nhà Kinh tế trưởng khu vực châu Á tại Capital Economics, cho biết trong một ghi chú.
Theo ước tính của Capital Economics, SARS đã khiến mức tăng trưởng của Trung Quốc giảm xuống 3 điểm phần trăm trong quý bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Nhìn chung, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc đã giảm từ 8% xuống còn 5% trong đợt dịch SARS 2003.
“Các dữ liệu hiện có chưa cho phép có những tính toán cụ thể về tác động của virus corona đối với nền kinh tế, nhưng dự báo ít nhất nó cũng sẽ có những ảnh hưởng tương tự SARS”, Williams cho biết.
“Chắc chắn dịch bệnh sẽ có tác động đáng kể đến GDP của Trung Quốc trong quý này”.
Cố vấn thương mại Nhà Trắng, ông Peter Navarro, đã phủ định tin đồn rằng Hoa Kỳ sẽ loại bỏ thuế quan đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc nếu virus gây chết người corona đè nặng lên nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
“Về vấn đề loại bỏ thuế quan do virus corona, hãy nhớ lại tại sao thuế quan được áp dụng”, Peter Navarro nói.
“Các loại thuế quan được áp dụng bởi Trung Quốc đã vận hành một nền kinh tế không công bằng. Họ sử dụng doanh nghiệp nhà nước để chèn ép các công ty và doanh nghiệp Mỹ. Các mức thuế đảm bảo rằng chúng ta sẽ quay lại giai đoạn 2 của thoả thuận thương mại”, vị cố vấn kinh tế Nhà Trắng cho biết.
Hiện virus corona xuất phát từ Vũ Hán, Trung Quốc đã giết chết 170 người, và có khoảng hơn 7.700 ca nhiễm bệnh trên toàn thế giới.
Nhiều công ty ở Trung Quốc đã phải đóng cửa các cửa hàng, nhà máy và văn phòng để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh này. Một số chuyên gia kinh tế cảnh báo về sự gián đoạn nghiêm trọng đối với chuỗi cung ứng sản xuất tại Trung Quốc.
Trước đó, cả Mỹ và Trung Quốc đều ở trong một cuộc chiến thương mại kéo dài gần hai năm, trong đó mỗi bên đã áp đặt các mức thuế trị giá hàng tỉ USD lên hàng hoá nhập khẩu của nhau.
Thoả thuận thương mại giai đoạn 1 vừa kí kết được coi là bước đi đầu tiên trong các cuộc đàm phán, để đạt được một bản thoả thuận thương mại toàn diện giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
“Chúng tôi sẽ vẫn áp dụng thuế quan, nhưng có thể giảm xuống nếu các cuộc đàm phán giai đoạn 2 được khởi động”, Tổng thống Trump khi ấy tuyên bố.
Tiêu dùng 11:18 | 15/06/2020
Tiêu dùng 16:54 | 14/06/2020
Tiêu dùng 09:30 | 14/06/2020
Kinh doanh 06:37 | 14/06/2020
Kinh doanh 15:51 | 13/06/2020
Kinh doanh 06:35 | 13/06/2020
Kinh doanh 16:27 | 11/06/2020
Tiêu dùng 17:00 | 10/06/2020