Ăn gì thì sữa mẹ đủ chất? |
Nhiều bác sĩ cũng như những người chống lại sữa mẹ đã cố gắng chứng minh rằng, nuôi con sữa mẹ có mặt nào đó không tốt cho mẹ hoặc bé nhưng sự thực là, họ đã không hiểu được căn nguyên sâu xa.
Vì sao những ưu điểm của sữa mẹ bị bóp méo thành 'khuyết điểm’? (Ảnh: Bambooshoots) |
Sữa mẹ chứa kháng thể bảo vệ em bé khỏi những bệnh truyền nhiễm
Không như nhiều người nghĩ, kể cả bác sĩ và nhân viên y tế sữa mẹ có nhiều yếu tố miễn dịch phong phú khác, đâu chỉ riêng kháng thể, có tác dụng bảo vệ bé khỏi bệnh truyền nhiễm. Thực tế là ngay cả những em bé được bú mẹ hoàn toàn đôi khi vẫn mắc bệnh truyền nhiễm và người ta vin vào cái “cớ” đó để cho rằng, sữa mẹ không thực sự có nhiều tác dụng. Điều này, tất nhiên, chẳng chứng tỏ được gì, bởi chẳng có biện pháp bảo vệ nào là hoàn hảo. Trong khi những em bé bú mẹ được bảo vệ một cách chủ động thì những em bé sữa công thức trong các xã hội giàu có lại được bảo vệ chỉ bởi vì xung quanh trẻ, người ta cố gắng thiết lập “những hàng rào”.
Có thể thấy rằng, bằng một cách quan trọng, nhưng không phải là cách duy nhất, sữa mẹ đã chủ động hình thành hàng rào yếu tố miễn dịch trên thành ống tiêu hoá và hệ hô hấp, giúp ngăn chặn vi khuẩn, vi-rút và nấm xâm nhập cơ thể bé (bất cứ thứ gì trong ống tiêu hoá và hệ hô hấp được coi là bên ngoài cơ thể).
Phần lớn các kháng thể trong sữa mẹ có tên sIgA (cụ thể là IgA “secretory” - kích thích bài tiết - được tạo thành từ 2 phân tử của kháng thể IgA với chuỗi secretory bổ sung, cho phép phân tử đi vào sữa và một chuỗi J bảo vệ phân tử khỏi bị enzyme đường ruột và dạ dày tiêu hoá). Các phân tử sIgA tạo nên một phần hàng rào bảo vệ, cùng với lactoferrin, lysozyme, mucin… Tuy nhiên, các kháng thể sIgA không thể được hấp thụ vào máu. Một số người không biết đã nói (thậm chí viết trong sách) rằng kháng thể chỉ có thể bảo vệ bé khỏi bệnh nhiễm trùng đường ruột bởi chúng không thể đi vào máu. Nhưng rõ ràng, họ không hiểu cơ chế vận hành của hàng rào bảo vệ này. Chắc chắn, việc ngăn vi khuẩn, vi-rút và nấm xâm nhập cơ thể bé ngay từ đầu tốt hơn so với việc phải tiêu diệt chúng một khi chúng đã vào được cơ thể bé.
Nếu người mẹ bị mắc chứng bệnh tự miễn, người mẹ ấy vẫn có thể và nên cho con bú. (Ảnh: Bambooshoots) |
Những bà mẹ bị bệnh tự miễn thường được thông báo rằng, họ không thể cho con bú
Nhiều phụ nữ mắc các chứng bệnh gây ra do kháng thể chống lại chính mô của chúng (gọi chung là bệnh tự miễn) được khuyên không nên cho con bú bởi vì kháng thể gây bệnh cho họ sẽ đi vào máu và khiến em bé rơi vào tình cảnh tương tự.
Điều này đơn giản là không hề đúng. Trước hết, sIgA, kháng thể chính trong sữa mẹ, không được hấp thụ từ đường ruột của bé, do đó, nó không thể đi vào cơ thể bé và gây bệnh. Thứ hai, các kháng thể gây ra những bệnh này, ví dụ, viêm khớp dạng thấp khớp, không thuộc dạng sIgA và trong bất cứ trường hợp nào, chúng sẽ không đi vào sữa mẹ với lượng đáng kể. Mà ngay cả có như vậy, dạ dày bé cũng sẽ phá huỷ chúng (sIgA không bị phá huỷ bởi nó có chuỗi J giúp bảo vệ mình khỏi các enzyme tiêu hoá). Và kể cả xảy ra trường hợp kháng thể gây bệnh tự miễn, bằng cách nào đó, không vượt qua được các enzyme tiêu hoá, chúng cũng sẽ không thể thâm nhập cơ thể bé.
Vì vậy, nếu người mẹ bị mắc chứng bệnh tự miễn, người mẹ ấy vẫn có thể và nên cho con bú với sự tự tin rằng, mình đang làm điều tốt nhất cho con và không cần phải lo lắng về việc những kháng thể sẽ đi vào sữa mẹ, gây bệnh cho con.
Không có lý do gì để hạn chế nuôi con sữa mẹ. (Ảnh: Annietaophotography) |
Nhưng bé có thể sinh ra với vấn đề tương tự mẹ
Đúng vậy, trong những chứng bệnh tự miễn đề cập tới ở trên, bé thường chào đời với chứng bệnh tương tự mẹ. Ví dụ, một em bé có mẹ bị xuất huyết giảm tiểu cầu tự phát (ITP – khi mẹ có lượng tiểu cầu thấp do kháng thể tấn công tiểu cầu, khiến tiểu cầu bị tiêu diệt) thường cũng có lượng tiểu cầu thấp bởi kháng thể của mẹ truyền qua nhau thai tới bé trong quá trình mang thai, chứ không phải từ sữa. Điều này rất rõ ràng bởi số lượng tiểu cầu thường dễ đo đếm. Lượng tiểu cầu thấp của bé có thể biểu hiện trong vài tuần đầu sau sinh, nhưng hiếm khi chúng thấp tới nỗi gây ra nguy cơ chảy máu thực sự. Theo thời gian, thường là trước khi bé được 6-8 tuần tuổi, lượng tiểu cầu của bé sẽ tăng lên bởi kháng thể sẽ biến mất khỏi máu bé.
Một trường hợp khác là khi người mẹ bị thiếu máu mất hồng cầu tự miễn - chứng bệnh xuất hiện do kháng thể tấn công hồng cầu của cô ấy, gây ra thiếu máu. Bé có thể được sinh ra với lượng hồng cầu thấp do kháng thể thâm nhập cơ thể bé trong quá trình mẹ mang thai. Cả hai bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu tự phát và thiếu máu mất hồng cầu tự miễn gần như luôn được cải thiện mà không cần đến biện pháp điều trị đặc biệt nào, trừ khi tiểu cầu của bé, trong trường hợp thứ nhất, và hồng cầu của bé, trong trường hợp thứ hai, cực kỳ thấp, đòi hỏi phải tiến hành truyền máu - thường hiếm khi cần thiết.
Sữa mẹ mỗi người mỗi khác. (Ảnh: Bambooshoots) |
Tuy nhiên, còn một trường hợp nữa là khi mẹ bị mắc bệnh Graves, gây ra tình trạng cường giáp (tuyến giáp hoạt động quá mạnh). Kháng thể trong máu mẹ, qua nhau thai, như các chứng bệnh đã liệt kê ở trên, và trẻ sinh ra với dấu hiệu bị cường giáp: nhịp tim nhanh (trên 160/phút), dễ bị kích thích, huyết áp cao, thậm chí, trường hợp nghiêm trọng, bé sẽ bị suy tim do sung huyết. Chậm tăng cân cũng có thể xảy ra. Biện pháp điều trị triệu chứng của bé là dùng thuốc có tác dụng ngăn chặn ảnh hưởng của tuyến giáp hoạt động quá mạnh. Nhưng một lần nữa, không có lý do gì để hạn chế nuôi con sữa mẹ.
Tuy nhiên, với vài trường hợp hiếm gặp, bé tiếp tục gặp phải các vấn đề trên trong thời gian lâu hơn 6-8 tuần sau sinh. Có vẻ nguyên nhân không nằm ở chỗ kháng thể trong giai đoạn mẹ mang thai vẫn hiện diện mà không mất đi trong máu bé và như vậy, đâu thể quy kết “tội lỗi” cho kháng thể trong sữa mẹ. Khả năng cao hơn là có các cytokine - những protein nhỏ có thể ảnh hưởng tới đáp ứng miễn dịch ở trẻ.
Tác động lên hồng cầu hoặc tiểu cầu cũng như những hội chứng khác kéo dài hơn 2-3 tháng không thường xảy ra, thậm chí rất hiếm gặp và không có lý do gì để nói với người mẹ rằng, cô ấy không nên cho con bú sữa mẹ ngay sau sinh. Chỉ khi hiểu cầu hoặc hồng cầu thấp hay những hội chứng khác xảy ra lâu hơn 3-4 tháng, bất chấp các biện pháp điều trị như truyền máu hay uống thuốc, việc ngừng cho con bú sữa mẹ mới có thể được xem xét. Người mẹ nên được giúp để hiểu rằng, tiểu cầu thấp, trừ khi rất nghiêm trọng, thường không liên quan tới nguy cơ chảy máu cao.
Sữa mẹ mỗi người mỗi khác, khác từ lúc đầu cho tới cuối cữ bú, từ sáng tới tối, dựa theo những gì mà người mẹ ăn, từ giai đoạn sữa non tới giai đoạn sau này. Nói cách khác, sữa mẹ thay đổi theo nhu cầu của trẻ. Nhưng một số người nảy sinh vài ý tưởng kỳ quặc từ đây.
Sự thay đổi đa dạng trong sữa mẹ là tốt, chứ không phải xấu. (Ảnh: Bambooshoots) |
Sự thay đổi đa dạng trong sữa mẹ là tốt, chứ không phải xấu. Nó có nghĩa là để đáp ứng nhu cầu của em bé đang lớn. Nhưng làm thế nào, người ta lại biến điều này thành xấu?
Sữa từ một người mẹ đang cho con bú ở một độ tuổi nhất định không thích hợp cho bé ở một độ tuổi khác.
Điều này chẳng phải thật ngớ ngẩn sao?
Chuyên gia sữa mẹ Jack Newman từng nhận được những e-mail, thậm chí khá nhiều lần, hỏi về việc nếu người mẹ có thể xin sữa của em gái cũng đang cho con 10 tháng tuổi bú cho con mình không. Con cô ấy mới 3 tháng tuổi và cô ấy thì không đủ sữa. “Liệu sữa của em gái có phù hợp với bé 3 tháng tuổi hay cô ấy nên dùng sữa công thức cho con?” - những câu hỏi như vậy không chỉ đến từ các bà mẹ mà còn đến từ các tư vấn viên nuôi con sữa mẹ. Các bác sĩ, trừ một số ngoại lệ hiếm gặp, không hỏi điều đó. Họ chỉ đơn giản là nói với người mẹ rằng, làm vậy không được, mà chẳng cần suy xét gì.
Những câu hỏi như trên đã cho thấy tác động nguy hại tới nhường nào của ngành tiếp thị sữa công thức. Tuy nhiên, hãy suy nghĩ về chúng. Một nhãn hiệu sữa công thức không hề thay đổi. Điều này làm sao có thể tốt hơn đây? Nếu bé yêu cầu sữa mẹ phải khác trong một giai đoạn tuổi khác thì sữa công thức, bản chất không hề thay đổi, làm sao có thể phù hợp cho bé ở mọi giai đoạn? Thực ra, công thức “được khuyến nghị” cho trẻ 2 ngày tuổi, 2 tuần tuổi và 2 tháng tuổi là như nhau, chẳng khác chút nào. Sữa công thức, nếu nhìn nhận ở góc độ hoá sinh, chẳng có gì giống bất cứ loại sữa mẹ nào, cho dù là sữa từ một người mẹ cho con 2 ngày tuổi, 2 tuần tuổi, 2 tháng tuổi hay 2 năm tuổi bú. Sữa công thức giai đoạn sau, thường được gọi là sữa công thức dành cho trẻ ở độ tuổi mới biết đi (sau 1 tuổi) phần lớn là hoàn toàn không cần thiết.
Sữa công thức không hề thay đổi theo thời gian lại tốt hơn cho bé so với sữa mẹ có thể thay đổi theo thời gian ư?! (Ảnh: Annietaophotography) |
Chia sẻ sữa mẹ
Ngay cả các bác sĩ nhi khoa cũng sẵn sàng đưa ra những tuyên bố vớ vẩn (không ngạc nhiên khi phần lớn trong số họ không được đào tạo đầy đủ về nuôi con sữa mẹ).
Sau đây là một phần trong tuyên bố từ Hiệp hội Bác sĩ nhi khoa chuyên nghiệp ở Đức liên quan tới việc chia sẻ sữa mẹ (theo Daily Mail, 17/10/2012): “Hiệp hội cảnh báo rằng, nhu cầu dinh dưỡng của trẻ sơ sinh khác biệt với trẻ đã được nhiều tuần tuổi hoặc tháng tuổi. Sữa của một phụ nữ đã có con lớn hơn không chứa hàm lượng dinh dưỡng phù hợp với trẻ sơ sinh và cho biết, những phụ nữ không thể cho con bú sữa mẹ nên sử dụng…”. Người hiểu biết sẽ tỏ ra bối rối và không thể bình luận gì hơn về mức độ ngớ ngẩn của tuyên bố này. Vậy ra, sữa công thức không hề thay đổi theo thời gian lại tốt hơn cho bé so với sữa mẹ có thể thay đổi theo thời gian?!
Chúng ta lầm tin rằng, sữa mẹ, về bản chất, có thể gây nguy hại trong khi cùng lúc đó, cho rằng, sữa công thức là an toàn. (Ảnh: Annietaophotography) |
Ngân hàng sữa mẹ
Nhiều ngân hàng sữa mẹ không chấp nhận sữa từ những người mẹ có con lớn hơn 6 tháng tuổi, rõ ràng với cùng lý do trên. Đây là sự lãng phí khủng khiếp đối với những nguồn hiến tặng tiềm năng. Trong khi thường các bà mẹ đang cho con bú khi bé ở tuổi chập chững biết đi (thường sau 1 tuổi) mới có thể dễ dàng quyên tặng sữa của mình.
Nếu không có sữa mẹ trong ngân hàng sữa mẹ, vậy thì một em bé cần được bổ sung sẽ nhận được sữa công thức, cho dù bé mới chỉ 1 tuần tuổi hay 6 tháng tuổi hay sinh non. Cùng một loại sữa công thức, về mặt hoá học, có thể đoán được là dành cho mọi độ tuổi. Làm thế nào việc này lại có ý nghĩa được?
Nó chẳng có nghĩa gì hết. Nó cho chúng ta biết gì về cách chúng ta nhìn nhận sữa mẹ và sữa công thức? Rất nhiều điều. Chúng ta lầm tin rằng, sữa mẹ, về bản chất, có thể gây nguy hại trong khi cùng lúc đó, cho rằng, sữa công thức là an toàn. Bất kể sự khác biệt thế nào giữa sữa công thức và sữa mẹ, nhiều xã hội loài người, cũng như các tổ chức y khoa, vẫn chấp nhận, bằng cách nào đó, rằng sữa công thức tốt hơn sữa của người mẹ có con ở độ tuổi khác so với bé muốn xin sữa mẹ.
Tất nhiên, nguyên do có thể là vì tình yêu và sự chấp nhận mù quáng mà chúng ta dành cho “khoa học”, ngay cả khoa học đó thực sự là chiến lược tiếp thị của các hãng sữa, thay vì dựa trên khoa học chân chính.
Đô thị 17:38 | 11/03/2020
Lối sống 13:10 | 18/05/2019
Lối sống 10:50 | 25/04/2019
Lối sống 11:00 | 18/07/2018
Lối sống 07:03 | 25/06/2018
Lối sống 09:05 | 28/02/2018
Lối sống 03:20 | 27/02/2018
Lối sống 07:53 | 23/02/2018