Xâm hại tình dục: Những hiểm họa trẻ em phải nhận biết!

Hiểm họa có thể xảy ra bất cứ lúc nào và ở đâu khi kẻ ác có cơ hội. Cơ hội lớn nhất của bầy quỷ dữ ấy là nạn nhân ngoan ngoãn và sẵn sàng sợ hãi. Làm cha làm mẹ, chúng ta có đủ sức để 24/24 tiếng trong ngày giữ con trong tầm mắt vòng tay của mình không?
 

Câu chuyện thứ nhất

Hai mươi năm trước, đang sống yên lành ở rìa một thành phố nhỏ rất đỗi an bình thì tôi bị choáng vì tin tức một vụ án. Hai cô gái nhỏ tuổi 13 bị bắt cóc, cưỡng hiếp và cuối cùng được tìm lại, trong hình hài một cái xác, ở sát biên giới Đức với Hà Lan. Càng kinh hoàng khi rút cục thủ phạm cũng bị bắt: một người đàn ông ba mươi mốt tuổi, làm nghề kế toán, có vợ và hai con gái, có nhà và có vườn, ở cái làng cách nhà tôi chưa đầy ba cây số. Lúc bị bắt anh ta đang làm vườn, không có ý định chống cự. Sau này anh ta thú nhận là đã biết có giờ phút còng tra vào tay, bị cảnh sát ấn đầu xuống khi chui vào xe khi cảnh sát yêu cầu toàn bộ đàn ông sống trong vùng lứa tuổi từ… tới… đi thè lưỡi cho người ta lấy mẫu nước bọt.

Ngoài sự phục cảnh sát Đức giỏi y như cảnh sát Việt, điều làm tôi choáng là nỗi hãi hùng: Kẻ thủ ác kia có bề ngoài đầy đủ để làm một anh chàng hàng xóm đáng mong có của bất kì ai, ngoài lúc điên loạn độc ác ngoài sức tưởng tượng kia, anh ta – như báo chí đưa tin – là một người từ lời nói tới việc làm đều đàng hoàng, đáng mến, đáng trọng. Bài học rút ra là kẻ tồi tệ nhìn thường tử tế.

xam hai tinh duc nhung hiem hoa tre em phai nhan biet

Bài học là kẻ xấu nhìn thường như người tốt, tốt hơn cả tốt.

(TL của Thạc sĩ Vũ Thu Hương)

Câu chuyện thứ hai

Cô giáo dạy piano đầu tiên của con tôi có một thằng cu trạc tuổi cu lớn nhà tôi. Hai đứa trẻ chơi với nhau cực kì hợp, thế nên cô xin thỉnh thoảng vào cuối tuần cô đón học trò về nhà cho hai thằng bé chơi với nhau. Ok, nếu cháu thích. Thằng cu thích, nhưng ngủ có một đêm thứ sáu, chơi hết ngày thứ bảy thì gọi điện đòi bố mẹ đến đón trong nỗi thất vọng của anh bạn nhỏ. Về nhà, con kể với với mẹ vì sao: Đêm, Johannes kêu khóc sợ lắm, bố mẹ bạn phải ôm dỗ mấy tiếng liền.

Khi tôi lựa lời nói chuyện với mẹ Johannes vì sao con không muốn đến nhà cô ngủ lại, dù nhà cô rộng, nhiều đồ chơi, ăn ngon, tha hồ chạy nhảy hò hét, tôi không ngờ phải dỗ mẹ thằng bé. Sarah khóc không ngừng. Cô đã khóc bốn năm trời nay, từ lúc xây nhà mới. Xây nhà mới, bỏ ngôi nhà gọi là cũ vừa mới xây chưa đầy hai năm ở làng bên cạnh, chỉ vì con bị lạm dụng tình dục. Bởi một người hàng xóm đã ngoài bảy mươi, có sự đồng lõa của vợ ông ta, cũng là một bà già, hai kẻ vốn là công chức về hưu cực kì đáng kính và đáng mến mà con cô coi như ông bà ngoại.

Thằng bé con hai tuổi bị hành hạ suốt mùa của những buổi hòa nhạc ngoài trời mà bố mẹ nó phải tham gia biểu diễn. Còn gì hơn khi hai kẻ già lão bạc đầu đề nghị giúp đỡ, trông nom đứa trẻ qua đêm. Chỉ đến lúc con ba tuổi, biết kể lại những gì đã trải thì bố mẹ nó mới biết tại sao đêm nào ngủ ở chính nhà mình thằng bé cũng gào khóc, mê hoảng, dù tuần nào cũng có hai buổi tới phòng khám của bác sĩ tâm lí. Bài học tôi học được từ đây vẫn là kẻ xấu nhìn thường như người tốt, tốt hơn cả tốt.

Và tôi dạy con nhận biết hiểm họa mà không sợ người cùng với những thủ thuật để không bị biến thành nạn nhân. Dạy cách đi một mình. Kêu “Cháy” là bởi để thu hút được nhiều người nghe mà họ không tưởng đứa trẻ đang kêu đùa giỡn. Quá nhiều đứa trẻ không biết cách kêu như thế nào, dễ khiến cho người lớn tưởng trẻ con đang đùa nhau mà bỏ qua không chú ý tới.

Con tôi cũng học điều ấy ở nhà trường, từ mẫu giáo đã được học. Năm nào cũng học. Học để tự bảo vệ, học để bảo vệ nhau. Đầu năm học này, lớp 4, chúng tôi – các bậc cha mẹ – còn được mời tới nghe cảnh sát thuyết trình về một dự án chống lạm dụng tình dục trẻ em, triển khai toàn Berlin, dưới rất nhiều hình thức, thú vị nhất là các cháu được đi xem kịch và tập luyện tự vệ bằng lời nói, tập chống trả bằng cả… răng trong các tình huống cụ thể.

Hiểm họa có thể xảy ra bất cứ lúc nào và ở đâu khi kẻ ác có cơ hội. Cơ hội lớn nhất của bầy quỷ dữ ấy là nạn nhân ngoan ngoãn và sẵn sàng sợ hãi. Làm cha làm mẹ, chúng ta có đủ sức để 24/24 tiếng trong ngày giữ con trong tầm mắt vòng tay của mình không

Đừng quá ôm ấp bao bọc trẻ - phải dạy trẻ cách nhận diện thế nào là lạm dụng hay xâm hại.

Càng ôm ẵm, bao bọc, đứa trẻ càng nhút nhát, hoặc ở một cực khác: liều lĩnh, vì tin là có người chịu trách nhiệm thay mình để bảo vệ mình rồi. Khi đọc tin về mấy cháu nhỏ bị lạm dụng, tôi hay nghĩ tới điều này, và tự hỏi gia đình, nhà trường đã làm gì để cảnh giác các cháu trước hiểm họa. Đây thực sự là hiểm họa, không phải là rủi ro.

Nhà trường (trong trường hợp cháu gái lớp 1 bị lạm dụng) đã làm rồi: thay vì tiếp nhận thông tin một cách nghiêm túc để xử lí, những người có trách nhiệm đã đánh đồng hiểm họa với rủi ro, biến một vết thương thành hành vi tự sướng (trời ơi, ở một đứa trẻ?) Có ai nghĩ vết thương chảy máu kia sẽ mãi mãi là vết thương không bao giờ thành sẹo trong tâm lí đứa trẻ ấy khi nó trở thành con gái đàn bà không?

Gia đình đã làm rồi: tố cáo. Nhưng trước khi vụ việc xảy ra, có ai nói cho đứa trẻ biết là ngay trong trường cũng không nên đi một mình, ví dụ vào toilet, vào phòng ăn, đi qua hành lang vắng với nhiều phòng trống? Có ai nói cho đứa trẻ biết cơ thể của nó là của riêng một mình nó, không ai được sờ vào một sợi tóc mà không được phép chứ không phải chỉ là một đôi mảng thịt da được mặc định là nhạy cảm? Có ai nói cho biết nó được quyền gạt tay, nói một tiếng „Không!“ dứt khoát trước những hành vi âu yếm, ngay cả khi bắt đầu từ yêu thương thật lòng, do người thân trong gia đình làm? Xã hội đã làm rồi: những cá nhân hoạt động dân sự, các tổ chức dân sự đã lên án, kêu gọi, truy tìm thủ phạm, đưa hình ảnh lên mạng, như một biện pháp trừng phạt thay luật pháp, phòng trừ hiểm họa cho trẻ em.

Tôi lại bắt đầu băn khoăn: Nên không?

Nên không? Việc dạy trẻ con ngoan theo kiểu biết chào hỏi dạ thưa, vâng lời mà không nói cho trẻ biết rằng sự ngoan ngoãn đó của chúng có thể sẽ bị lợi dụng theo kiểu gì? Tôi tin là cháu bé bị một ông già 78 tuổi lạm dụng đã không biết điều đó, và những người xung quanh, ngay cả người thân đã không nhìn ra sự đáng ngại trong cách biểu hiện tình yêu mầm non ở cái tay mầm già kia.

Nên không? Việc truy nã qua FB những kẻ bị tình nghi là thủ phạm, đưa ảnh, địa chỉ, lí lịch của họ lên mạng? Trong tư cách là người Việt, tôi hiểu vì sao. Nhưng tôi sợ. Một miền đất đáng sống không bao giờ là nơi mà ở đó luật pháp rút lui nhường chỗ cho tinh thần tự vệ tự phát từ phía dân chúng. Khi tôn vinh những người can đảm là hiệp sĩ bắt cướp, khi ca ngợi sự nhanh nhạy của quá trình điều tra từ những thám tử tự nguyện trên mạng, chúng ta đã đứng trước một rủi ro là nền pháp trị tư nhân của chúng ta sẽ bị lạm dụng khó lường.

Trong trường hợp cụ thể trên, tôi không nghĩ nhiều về những kẻ không ai còn cho là bị tình nghi mà đã tin là thủ phạm. Tôi nghĩ tới người thân của họ. Họ sẽ sống thế nào trong mặc cảm liên đới tù mù, thiếu một bản án thật sự? Và ngoài ra: tin tức từ dư luận có chính xác không? Thân nhân của nghi can cũng được quyền bình đẳng sống với thân nhânc ủa nạn nhân.

Chúng ta là con người, phần lớn mang bản năng vì kẻ yếu. Chúng ta đau và tin cùng những bậc làm cha mẹ, thương các cháu bé nạn nhân. Nhưng tôi tự hỏi tại sao trong nhiều trường hợp khi xảy ra vụ việc các gia đình lại cứ việc đầu tiên làm là sang nhà kẻ bị cho là thủ phạm nói chuyện, đòi hỏi xin lỗi đền bù, sẵn sàng cho các thỏa thuận dân sự (với người thân của thủ phạm). Lạm dụng tình dục nói chung, chưa nói là trẻ em, là vụ việc thuộc phạm vi hình sự. Mọi điều tra không chính thức phải phục vụ cho điều tra chính thức từ phía công an để làm căn cứ khởi tố, xét tội, trừng phạt. Tại sao các thám tử tư của chúng ta không tận dụng FB, làm một thông báo riêng tới kẻ bị tình nghi và thêm một thông báo riêng rộng rãi tới kẻ đó (ẩn danh), tới cơ quan công quyền thời gian công dân có thể đòi hỏi để xử lí vụ việc. Chỉ khi đòi hỏi đó không được đáp ứng, chúng ta mới nên bất đắc dĩ tự thiết lập phiên tòa online như hiện nay.

Và, giả dụ có một phiên toà như chúng ta mong, gia đình nạn nhân có những bằng chứng cụ thể gì ngoài câu chuyện của con trẻ và mấy tấm ảnh chụp một cái đũng quần trẻ con đẫm máu?

Đừng quên, trên thế giới có những kẻ thủ ác tự ra trình diện khi biết phải kiểm tra ADN. Tôi hi vọng gia đình có các cháu bé là nạn nhân của lạm dụng tình dục có đủ các bằng chứng, và cộng đồng mạng song song với việc truy tìm lên án thì đóng góp luôn tiền để thực hiện kiểm tra ADN trên diện rộng các đối tượng tình nghi một cách bắt buộc. Ngay cả khi cuộc điều tra không gặp khó khăn gì, thủ phạm thú nhận hành vi, việc này cũng nên là sự bắt buộc.

Một khi tất cả các bằng chứng đều không dẫn tới một phiên toà và kẻ thủ ác vẫn nhơn nhơn cười vào mặt nạn nhân, thì lúc đó, liệu chúng ta có sẵn sàng cho một cuộc họp mặt đông đảo chống lại không phải là một cá nhân mà là sự bất an trong xã hội, đòi công bằng cho nạn nhân?

xam hai tinh duc nhung hiem hoa tre em phai nhan biet

Thận trọng khi giao những bằng chứng của vụ xâm hại tình dục, phải có biên bản cụ thể.

Bài học tập cho con:

Con tôi, từ lúc lớp 5, chín tuổi, đã phải đi học một mình đường dài, vừa đi vừa về là 2 tiếng đi tàu (đổi ít nhất hai lần), chạy bộ. Chỉ khi thằng bé tự tin vào mình và sau bao nhiêu năm được học cả ở nhà lẫn trường các bài học như sau:

- Không nhận bất cứ thứ gì ai cho mà bố mẹ không biết, ngay cả khi người đó thân quen với bố mẹ.

- Không theo bạn rủ rê la cà. Đi đâu phải nói trước, giới hạn thời gian cần thiết (có du di) để đi.

- Không nhân thể cùng đường lên xe ô tô của bất kì ai mà bố mẹ không có lời nhờ đưa đón trước.

- Không để lộ thông tin cá nhân, từ tên cho tới địa chỉ nhà và trường.

- Không cho ai, kể cả bạn, số điện thoại mà không nói trước với bố mẹ.

- Không đi cùng ai là người quen ngay cả xuống tầng hầm nhà, ngay cả để giúp đỡ người đó một việc gì.

- Không tự động vào nhà hàng xóm chơi với bạn mà không xin phép bố mẹ và bố mẹ chưa hỏi ý kiến bố mẹ bạn kia. Hành vi này không phải là hành vi tự vệ ở nơi hay bị coi là sống thiếu tình thân, mà là một cách chuyển giao trách nhiệm trông nom bầy trẻ trong những khoảng thời gian cụ thể.

- Trời tối không đi tắt vào những khoảng đường vắng, ngay cả là sân chơi vẫn chơi ban ngày.

- Không, dĩ nhiên, thành phản xạ rồi, để cho ai động chạm tới mình, dù là đỉnh đầu hay gót chân, chỉ để đùa vui thân thiết với người lớn. Cũng không sờ vào một ai. Hiểm họa không bao giờ hết, ở đâu cũng có, cuối cùng và trên hết, chỉ có một cách là học để đối mặt với nó mà vượt qua.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.