Những giám đốc làm thuê vay hàng ngàn tỷ trong vụ án Phạm Công Danh

Ngày 16/1, phiên toà xét xử (giai đoạn 2) vụ án Phạm Công Danh, Tổng Giám đốc Tập đoàn Thiên Thanh), Trầm Bê và 44 đồng phạm tiếp tục với phần thẩm vấn liên quan đến gói vay 1.666 tỷ đồng của TPBank, gây thiệt hại cho VNCB 1.740 tỷ đồng.
nhung giam doc lam thue vay hang ngan ty trong vu an pham cong danh
Bị cáo Nguyễn Việt Hà trả lời HĐXX.

Tuy đứng tên Tổng Giám đốc (TGĐ) Công ty Trung Dung nhưng tại toà, bị cáo Trần Văn Bình khai “không biết gì hết” từ việc công ty phát hành trái phiếu đến các giấy tờ liên quan đến công ty. Bình khai, làm Tổng Giám đốc là vì “nể nang” ông Phạm Công Danh có lời nhờ.

Khi công ty có giấy tờ gì cần ký thì nhân viên tài chính của Tập đoàn Thiên Thanh gọi bị cáo đến ký, “họ kêu bị cáo ký gì thì bị cáo ký đó”. Trả lời HĐXX “vì sao không biết gì mà vẫn ký?”, bị cáo Bình khai, lúc đó không nhận thức được hành vi của mình vi phạm pháp luật.

Được toà cho phép đề đạt nguyện vọng, bị cáo Bình nói: “Xét cho đúng bị cáo cũng là bị hại trong vụ án này vì bị cáo không được hưởng lợi gì. Mỗi tháng bị cáo chỉ được trả lương 5 triệu đồng”.

Theo hồ sơ, năm 2009, Bình được tuyển dụng vào làm lái xe ôtô của Tập đoàn Thiên Thanh, sau đó được Danh nhờ đứng tên làm Tổng Giám đốc và đại diện pháp luật của Công ty Trung Dung. Cùng với Tập đoàn Thiên Thanh, công ty này đã phát hành 1.200 trái phiếu, sau đó 600 trái phiếu trị giá 600 tỷ đồng được bán cho 4 công ty: Khánh Chi, Kỳ Nam, Toàn Phát và Đức Long. Các hợp đồng mua bán này dùng làm tài sản đảm bảo cho khoản vay 600 tỷ đồng của 4 công ty nói trên tại TP Bank.

Tương tự, bị cáo Hà Văn Bình (nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty Đại Phát Việt Nam) thừa nhận hành vi của mình cáo trạng truy tố đúng, nhưng xin HĐXX xem xét 2 điểm: bị cáo không quen biết Phạm Công Danh như cáo trạng truy tố và không chỉ đạo Đỗ Phương Nam (Phó Giám đốc Công ty Đại Phát Việt Nam), vì thực tế Nam là người của Nguyễn Việt Hà (nguyên Tổng Giám đốc Quỹ Lộc Việt).

Theo hồ sơ, theo uỷ quyền của Bình, Nam đã ký hồ sơ thủ tục để Công ty Đại Phát Việt Nam vay 170 tỷ đồng tại TP Bank, đảm bảo bằng tiền gửi của VNCB tại TP Bank và ký hợp đồng mua trái phiếu của Tập đoàn Thiên Thanh; ký uỷ nhiệm chi chuyển 170 tỷ đồng cho Tập đoàn Thiên Thanh.

Theo bị cáo Bình, dù đứng tên là Chủ tịch HĐQT nhưng ý tưởng thành lập công ty là do ông Hà nghĩ ra và bị cáo chỉ đứng tên đại diện pháp luật thay ông Hà. Việc mua trái phiếu là do ông Hà sắp xếp và Bình uỷ quyền cho Nam thực hiện nên không biết gì.

Đến khi thanh lý hợp đồng, ngân hàng đưa hồ sơ đến công ty để Bình ký, lúc này bị cáo mới biết số trái phiếu công ty mình mua là 170 trái phiếu, tương đương 170 tỷ đồng. Số tiền này chuyển vào tài khoản công ty, tiếp tục chuyển đến tài khoản của Tập đoàn Thiên Thanh.

Đối chất tại toà, bị cáo Đỗ Phương Nam thừa nhận trước khi là Phó Giám đốc công ty trên, bị cáo là lái xe của Nguyễn Việt Hà, sau đó được Hà uỷ quyền ký hợp đồng mua trái phiếu. Dù ký vào toàn bộ giấy tờ vay mượn, mua bán trái phiếu nhưng Nam khai “anh Hà kêu bị cáo ký thì bị cáo ký thôi chứ không biết ký vào giấy tờ gì, khi vụ án xảy ra thì bị cáo mới biết”. Trong suốt thời gian làm cho Nguyễn Việt Hà, Nam khai, dù là tài xế hay PGĐ, lương bị cáo cũng chỉ có 5 triệu đồng/tháng.

Tương tự như các bị cáo trên, bị cáo Ong Khắc Chung (Giám đốc Công ty Khánh Chi) khai, được Vũ Viết Minh Quân (Giám đốc Công ty Long Khánh, Minh Quang) nhờ lấy pháp nhân Công ty Khánh Chi vay 112 tỷ đồng tại TP Bank và ký hợp đồng mua trái phiếu tại Công ty Trung Dung. Chung khai, bị cáo làm việc này hoàn toàn không được hưởng lợi gì, mà chỉ vì tin tưởng nhưng không xem xét mục đích của người khác.

Bị cáo Đỗ Minh Thuỷ (Giám đốc Công ty Đức Long) khai: ban đầu bị cáo vào làm công ty của Nguyễn Việt Hà và được giao phụ trách mảng tin học và xuất nhập khẩu với mức lương 7 triệu đồng/tháng. Sau đó Hà nhờ đứng tên làm Giám đốc Công ty Đức Long.

Thật sự, Thuỷ không biết công ty hoạt động kinh doanh gì, vốn bao nhiêu. Làm việc được một thời gian, Hà nói vài bữa công ty phát hành trái phiếu. Bị cáo nói không hiểu về vấn đề này, anh Hà nói sẽ có nhân viên ngân hàng liên hệ. Sau đó, bị cáo có lên ký hết tất cả giấy tờ liên quan đến việc mua bán trái phiếu giữa Công ty Đức Long và Công ty Trung Dung. Bị cáo không được hưởng lợi gì từ việc làm trên.

Tại toà, Nguyễn Việt Hà thừa nhận: Sau khi nhận uỷ thác 900 tỷ đồng từ VNCB, Phan Thành Mai (nguyên Tổng Giám đốc VNCB) tiếp tục nhờ giúp đỡ, nhờ một số doanh nghiệp đứng tên hồ sơ vay tiền tại TP Bank để đầu tư mua trái phiếu của Tập đoàn Thiên Thanh. Hà đã chỉ đạo và giới thiệu 5 công ty, gồm: Công ty Đức Long và Công ty Thạch Hà (đều do Quỹ Lộc Việt thành lập và điều hành), Công ty Long Khánh, Kỳ Nam (2 công ty này Hà mượn pháp nhân) và Công ty Khánh Chi đứng tên hồ sơ vay TP Bank giúp VNCB. 6 công ty còn lại, Đặng Thị Bích Thuỷ (nguyên Phó Giám đốc khối khách hàng doanh nghiệp TP Bank) giới thiệu 4 công ty, gồm: Công ty Khôi Nguyên Phát (do Nguyễn Việt Bun, nhân viên của TP Bank làm giám đốc), Công ty Toàn Phát (do chính Đặng Thị Bích Thuỷ đề nghị Trần Quang Huy thành lập và đứng tên giám đốc), Công ty An Phát (do Nguyễn Ngọc Tuấn, chồng của Nguyễn Thị Phương Thanh, nhân viên TP Bank làm Giám đốc), Công ty Thuận Phát (do Nguyễn Thế Linh đứng tên giám đốc, được Thủy giới thiệu). Còn Nguyễn Việt Cường (nguyên Giám đốc khối khách hàng doanh nghiệp TP Bank) giới thiệu Công ty Thịnh Phát (do Cường đứng tên Giám đốc). Riêng Phạm Công Danh giới thiệu Công ty Đại Phát Việt Nam (do Danh nhờ Hà Văn Bình đứng tên Giám đốc).

Tất cả 11 công ty nói trên đã đứng tên vay vốn tại TP Bank để mua trái phiếu Tập đoàn Thiên Thanh và Công ty Trung Dung được VNCB bảo lãnh các khoản vay trên, gây thiệt hại cho VNCB 1.740 tỷ đồng.

Không chấp nhận luật sư của ông Trần Bắc Hà (nguyên Chủ tịch HĐQT BIDV)

Tại phiên toà, HĐXX thông báo: Người đại diện theo ủy quyền của ông Trần Bắc Hà đã nộp cho HĐXX những tài liệu liên quan tới việc khám chữa bệnh của ông Hà tại Singapore.

Tất cả tài liệu này đều có dấu hợp thức hóa của lãnh sự quán Việt Nam tại Singapore thể hiện ông Hà đã nhập cảnh Singapore vào ngày 7-1.

Ngoài ra, HĐXX cũng đã nhận được đơn từ Văn phòng luật sư Trần Hải Đức (Đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh) giới thiệu luật sư Nguyễn Đức Cường bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho ông Trần Bắc Hà.

Tuy nhiên, xét thấy trong đơn của luật sư không thể hiện ý chí của ông Hà và đơn này không có hợp pháp hóa lãnh sự vì ông Hà không có mặt tại Việt Nam nên HĐXX quyết định không chấp nhận.

chọn
Toàn cảnh đường Lương Định Của mở rộng sắp thông xe tại TP Thủ Đức
Dự án nâng cấp, mở rộng đường Lương Định Của tại TP Thủ Đức có chiều dài khoảng 2,5 km. Đây là một trong 10 công trình giao thông dự kiến thông xe trước Tết Nguyên đán của TP HCM.