Dịch Covid-19 bùng phát đã gây nhiều tác động tiêu cực đến các khía cạnh kinh tế của Mỹ. Các sự kiện hội nghị lớn nhỏ đều bị hoãn hoặc hủy bỏ, các công ty đình chỉ những chuyến công tác trong nước và quốc tế, thị trường chứng khoán lận đận dù Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đã ngay lập tức bảo vệ nền kinh tế bằng cắt giảm lãi suất.
Những doanh nghiệp tư nhân nhỏ và vừa sống chủ yếu dựa vào người tiêu dùng, là đối tượng chịu tác động trực diện nhất trong đợt dịch này.
Đặc biệt, doanh nghiệp ở các khu vực có diễn biến dịch Covid-19 phức tạp, đang cảm thận rõ ràng nhất tác động của chủng virus corona mới lên kế sinh nhai của họ.
Nhà hàng pizza có tên Chuckie Pies ở Lake Oswego, bang Oregon – địa điểm "nóng" trong đợt dịch này, tọa lạc gần trường học vừa bị đóng cửa, sau khi một nhân viên của trường được xác nhận là dương tính với virus Covid-19.
Theo New York Times, vào ngày 29/2, doanh số nhà hàng này đã giảm 25%.
Lisa Shaw-Ryan, đồng sở hữu nhà hàng Chuckie Pies, cho biết nếu tình hình này tiếp diễn và tiến triển tệ hơn hiện tại, những doanh nghiệp phục vụ như nhà hàng của cô có thể sẽ buộc phải dừng hoạt động.
Cô chia sẻ: "Chỉ các công ty với nhiều nguồn lực hoặc các doanh nghiệp lớn mới không chịu ảnh hưởng nhiều và có thể cân đối hoạt động".
"Chúng tôi là doanh nghiệp nhỏ thì nguy cơ chịu tác động cao hơn. Điều cần thiết nhất lúc này là các thông tin chính xác không gây sợ hãi cho công chúng", cô nói.
Một nhà hàng ẩm thực Ý khác có tên là Tucci gần đó, ghi doanh thu mua mang về tăng lên, tuy nhiên doanh thu nhìn chung giảm mạnh. Chủ nhà hàng Tucci - Gregg Matteucci thở dài: "Chúng tôi đang rất lo lắng, thông thường chỉ cần một đầu bếp nghỉ ốm, chúng tôi đã không thể kiểm soát được khối lượng công việc tại nhà hàng".
Ông chia sẻ hiện đội ngũ nhân viên chỉ có 30 người, nếu quá nhiều người xin nghỉ tại nhà, công việc kinh doanh sẽ đi vào bế tắc. "Việc này thực sự đang làm khó chúng tôi", ông nói.
Không chỉ các nhà hàng, các hàng quán phục vụ các loại nước uống ở xung quanh khu vực trường học bị đóng cửa cũng ghi nhận doanh thu tuột dốc.
Tại bang Washington, ổ dịch lớn nhất nước Mỹ, Patrick Day – chủ hai cửa hàng Uncle's Games cho biết con số doanh thu cho thấy sự sụt giảm đáng kể, sau khi các trường hợp nhiễm nCov được công bố. Trong hai chi nhánh, một cửa hàng có doanh thu giảm một phần ba và của hàng còn lại giảm đến một nửa.
Ông nhận định nguyên nhân có thể là do lượng khách mua thưa thớt và tình trạng thiếu hụt nhân viên tại hai chi nhánh.
Nếu tình hình kéo dài thêm thì hậu quả sẽ rất lớn. "Để duy trì hoạt động, chúng tôi cần phải tìm thêm các nguồn tài chính khác nếu tình trạng này tiếp diễn lâu hơn".
Theo New York Times: "Sự e ngại với dịch Covid-19 làm nhiều người lao động xin nghỉ ốm tại nhà. Khách hàng cũng ngại ra đường, cộng với nhiều qui định kiểm dịch của chính quyền, sẽ gây tác động lên tất cả công ty ở Mỹ. Có thể nói là thảm họa cho các công ty nhỏ ".
Giám đốc điều hành của Main Street Alliance - Amanda Ballantyne – cho rằng "Nhu cầu của người tiêu dùng bị tác động có thể gây ảnh hưởng đáng kể đến nền kinh tế. Vì vậy, chúng tôi nghĩ rằng doanh nghiệp địa phương cũng cần được hỗ trợ khẩn cấp".
Tình hình còn khủng khiếp hơn đối với các doanh nghiệp có chủsở hữu là những người Mỹ gốc Á. Ngoài tâm lí lo ngại lây nhiễm dịch bệnh, họ còn phải chịu định những ánh nhìn kì thị và nạn phân biệt đối xử.
Judy Chu ở nam California, cho biết tại quận cô sinh sống, các doanh nghiệp của người gốc Á có kết quả kinh doanh giảm 50%. Nguyên nhân được cho là do các thông tin sai lệch được truyền tai và tâm lí kì thị của người dân.
Nimble Made là một công ty khởi nghiệp ở New York, chuyên sản xuất áo sơ mi nam, với chiến lược tiếp thị quảng bá thời trang Mỹ gốc Á.
Nhà sáng lập công ty - Wesley Kang cho biết, việc kì thị cộng với nguồn cung từ các đối tác sản xuất ở Trung Quốc bị hạn chế, đang làm tổn thương sâu sắc các doanh nghiệp non trẻ.
Các cửa hàng, hàng quán bán lẻ với nguồn lực có hạn, phục vụ chủ yếu khách hàng tại địa phương, thường có biên lợi nhuận phụ thuộc rất lớn vào người tiêu dùng. Vì vậy, với tình hình kinh doanh khốn đốn hiện tại, họ đang phải vật lộn để có đủ tiền lương chi trả cho nhân viên.
Hiện tại Mỹ có 10 tiểu bang, 20 thành phố và 3 hạt áp dụng qui định bắt buộc chủ sử dụng lao động phải trả lương cho các lao động nghỉ ốm, những người chủ lao động nhỏ ở các địa điểm này đang gặp nhiều khó khăn để có thể thanh toán đủ lương cho nhiều lao động nghỉ ốm nhiều ngày cùng lúc.
Gần đây, Quốc hội Mỹ đang dự kiến thông qua một gói tài trợ cho các cộng đồng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.
Gói này dự kiến sẽ nới lỏng chương trình cho vay dành cho các doanh nghiệp nhỏ, vốn chỉ được cung cấp khi các doanh nghiệp gặp thiên tai.
Nhiều nhà chức trách Mỹ cũng đề nghị các khoản hỗ trợ bù đắp cho những lao động cần phải nghỉ ốm, tuy nhiên hiện không có qui định hiện hành nào tương tự trong pháp luật Mỹ.
Ở một số nước khác, các nhà hoạch định chính sách đã đưa ra các phương thức hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ trong giai đoạn kiểm soát dịch bệnh.
Chính quyền Trung Quốc đã cam kết sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ bằng cách giảm lãi vay, hạ tiền thuê mặt bằng và cho phép các công ty hoãn một số khoản thanh toán nợ.
Ý cũng đã thông qua gói viện trợ cắt giảm thuế và tín dụng cho các công ty, trị giá vài tỉ USD.
Đồng giám đốc Trung tâm nghiên cứu Chính sách và Kinh tế - Eileen Appelbaum nhận định, với diễn biến khác thường như dịch bệnh Covid-19, các quốc gia cần phải phản ứng khác biệt chứ không thể sử dụng các chính sách hiện có.
"Chính phủ phải có hành động hỗ trợ cho những người bị nhiễm Covid-19, bắt buộc phải nghỉ việc cách li từ hai đến ba tuần ", bà nói.
Tiêu dùng 11:18 | 15/06/2020
Tiêu dùng 16:54 | 14/06/2020
Tiêu dùng 09:30 | 14/06/2020
Kinh doanh 06:37 | 14/06/2020
Kinh doanh 15:51 | 13/06/2020
Kinh doanh 06:35 | 13/06/2020
Kinh doanh 16:27 | 11/06/2020
Tiêu dùng 17:00 | 10/06/2020